Các quan chức cấp cao của liên Triều cuối cùng đã đạt được thỏa thuận sau ba ngày đàm phán marathon, bắt đầu từ tối 22/8, ở làng đình chiến biên giới Panmunjom.
Cuộc đàm phán diễn ra khi Triều Tiên đưa 2/3 hạm đội tàu ngầm (khoảng 50 chiếc) được xem là lớn nhất thế giới rời cảng, còn Hàn Quốc thì tăng cường máy bay diễn tập mô phỏng khả năng tấn công phủ đầu mấy ngày qua.
Giới chức Triều Tiên cho biết họ "lấy làm tiếc" về vụ nổ mìn khiến hai lính Hàn Quốc bị thương và hứa hẹn những hành động khiêu khích sẽ không tái diễn, Yonhap dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết. Ông Kim miêu tả động thái của Bình Nhưỡng "rất có ý nghĩa".
Đổi lại, Seoul nhất trí ngừng chương trình truyền thanh chống lại Bình Nhưỡng dọc biên giới vào 12h trưa ngày 25/8, trừ khi có tình huống bất thường. Triều Tiên khẳng định sẽ xóa bỏ tình trạng "cận kề chiến tranh" mà họ đưa ra với quân đội.
Hai miền Triều Tiên cũng sớm thống nhất sẽ tổ chức các cuộc thảo luận ở Seoul hoặc ở Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ hai bên, với khung cơ bản về phát triển quan hệ.
"Chúng tôi trông đợi hai bên sẽ thực hiện thỏa thuận với thiện ý và tạo dựng lòng tin thông qua đối thoại và hợp tác", ông Kim nói.
Hai bên còn đạt được thỏa thuận sẽ tổ chức đối thoại Hội Chữ thập đỏ vào đầu tháng 9 để sắp xếp cho các gia đình ly tán gặp gỡ nhau kể từ sau khi chia cắt từ những năm 1950 - 1953. Hai miền hy vọng sẽ tổ chức các cuộc đoàn tụ trong thời gian của Tết Trung thu, rơi vào ngày 27/9.
Triều Tiên hôm 20/8 ra tối hậu thư với Hàn Quốc, cho Seoul 48 giờ đề dừng tuyên truyền và tháo dỡ dàn loa truyền thanh, nếu không Bình Nhưỡng sẽ có "hành động quân sự mạnh mẽ". Hạn chót này đã trôi qua và không xảy ra đụng độ quân sự.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong những tuần gần đây lên cao, sau khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ nổ mìn hôm 4/8 làm hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Triều Tiên và Hàn Quốc còn đấu pháo ở biên giới hôm 20/8. Tuy nhiên, Triều Tiên phủ nhận trách nhiệm trong cả hai vụ việc.