Hàng chục giáo viên Hải Hậu, Nam Định, bỗng dưng mất việc

Tập thể gồm 31 giáo viên dạy hợp đồng môn Tiếng Anh tiểu học của huyện Hải Hậu (Nam Định), trong đó có 26 giáo viên có thâm niên từ 12 đến 16 năm và có 5 giáo viên mới hợp đồng được 3 đến 5 năm, nhiều cô giáo là giáo viên dạy giỏi trong Hội thi giáo viên giỏi cấp tiểu học tỉnh Nam Định bỗng dưng bị kết thúc hợp đồng...

Tập thể gồm 31 giáo viên dạy hợp đồng môn Tiếng Anh tiểu học của huyện Hải Hậu (Nam Định), trong đó có 26 giáo viên có thâm niên từ 12 đến 16 năm và có 5 giáo viên mới hợp đồng được 3 đến 5 năm, nhiều cô giáo là giáo viên dạy giỏi trong Hội thi giáo viên giỏi cấp tiểu học tỉnh Nam Định bỗng dưng bị kết thúc hợp đồng...

Các giáo viên lo lắng cho tương lai của mình
Các giáo viên lo lắng cho tương lai của mình

Tuổi trẻ cống hiến cho nghề

Theo tìm hiểu được biết, vào năm 1994-1996 Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hải Hậu được Sở GD&ĐT Nam Địnhvà Viện Đại học mở Hà Nội giúp đỡ, mở lớp đào tạo tiếng Anh, nhằm phục vụ cho nhu cầu giảng dạy ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở trong huyện.

“Khi học, nhà trường nói sẽ cấp bằng cao đẳng tiếng Anh hệ chính quy nhưng khi học xong chúng tôi lại được cấp bằng tại chức. Sau khi học xong, gần 80 sinh viên của hai lớp đươc thi tuyển công chức về dạy ở các trường phổ thông trung học và làm chuyên viên tiếng Anh của Phòng GD&ĐT. Còn một số giáo viên chúng tôi không trúng tuyển thì được Phòng GD&ĐT sắp xếp cho về dạy hợp đồng ở các trường Tiểu học của huyện, một số thì lên vùng Sơn La, Lai Châu, Điện Biên công tác…”, cô Nga - dạy ở Trường Tiểu học Hải Phúc cho biết.

Theo bảng lương mà các cô được nhận, lương bình quân của các cô từ khi ra trường đến năm 2005 là hệ số 1.0 tương đương 180.000 đồng. Đến năm 2006, được UBND huyện ký hợp đồng lao động và họ cũng chỉ được hưởng hệ số 1.0. Một năm sau được hưởng 85% mức lương khởi điểm là 1.86, đến năm thứ 3 (kể từ khi ký hợp đồng với UBND huyện) họ mới được hưởng 100% và mọi quyền lợi như một giáo viên biên chế, trong đó có cả 35% phụ cấp đứng lớp nhưng nghỉ hè thì không có lương vì lý do là không đi làm. Ba năm đầu họ phải tự bỏ tiền ra đóng bảo hiểm hai tháng hè.

Từ năm 2009 đến nay Phòng GD&ĐT không cho đóng bảo hiểm hai tháng hè nữa với lí do đây là hợp đồng ngắn hạn. Trong số 26 giáo viên dạy lâu năm có 12 trường hợp đã tốt nghiệp đại học tại chức, 3 giáoviên học xong lớp bổ túc kiến thức đạt chuẩn chính quy.

Trong đó, cô giáo Hoàng Thị Thắm (Trường Tiểu học thị trấn Cồn) là giáo viên giỏi cấp tỉnh, có giáo viên có học sinh tham gia Olimpic Tiếng Anh cấp tỉnh được giải; ngoài ra nhiều cô được xếp danh hiệu lao động tiên tiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi mình công tác và không có ai vi phạm pháp luật lao động.

Về già bị loại đầy tức tưởi

Tháng 5/2012, Phòng GD&ĐT triệu tập về họp và thông báo sẽ loại bỏ giáo viên dạy hợp đồng Tiếng Anh theo ba đợt dựa vào kết quả khảo sát năng lực giáo viên Tiếng Anh của Bộ GD&ĐT tổ chức.

“Đây là điều làm cho chúng tôi vô cùng hoang mang, số phận chúng tôi sẽ ra khi chúng tôi đã đóng góp cho ngành GD&ĐT của huyện nhà với bao tâm huyết và sức lực của tuổi trẻ, trong khi tuổi đời của chúng tôi đã bước vào tuổi 40. Chúng tôi biết đi đâu về đâu ở cái tuổi này, có còn cơ quan nào tiếp nhận chúng tôi khi đã quá tuổi tuyển dụng”. Cô giáo Lê Thị Nhâm (46 tuổi), Trường Tiểu học Hải Toàn bày tỏ.

Vàm việc với chúng tôi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu Trần Văn Hải cho biết: “Đây là số giáo viên được giảng dạy theo dạng hợp đồng và đã có cam kết khi kết thúc hợp đồng thì không khiếu nại gì”. Khi phóng viên hỏi về bản cam kết thì ông Hải cho biết chưa có ở đây và sẽ cung cấp sau?

Ông Hải cho biết thêm, chất lượng những giáo viên dạy tiếng Anh không đáp ứng đủ trình độ và yêu cầu của Phòng GD&ĐT. Nhưng khi phóng viên nêu việc nhiều giáo viên được cấp giấy khen dạy giỏi của Sở thì ông Hải không trả lời. Khi được hỏi tại sao cho rằng các giáo viên này không đủ trình độ dạy học nhưng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu vẫn cho họ dạy gần 20 năm qua, thì ông Hải cho rằng đây là chủ trương của tỉnh.

Từ năm 2006 đến 2010, Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu nhận rất nhiều giáo viên Anh Văn có bằng tại chức từ Sơn La, Lai Châu, Điện Biên về và đã vào biên chế.

Cô Hoàng Thị Thắm (Trường Tiểu học thị trấn Cồn) cho biết: “Phòng GD&ĐT dựa vào kết quả khảo sát năng lực giáo viên Tiếng Anh do Bộ tổ chức vào tháng 10/2011 là không đúng, trái với tinh thần của cuộc thi. Vì khi đi thi, chúng tôi được ông Chủ tịch Hội đồng thi công bố công khai cả ba cấp sẽ không lấy kết quả này để loại bỏ giáo viên mà chỉ kiểm tra trình độ để có kế hoạch đào tạo cho những năm tới.

Nếu dựa vào kết quả đó thì tất cả giáo viên biên chế của cả ba cấp cũng không đạt chứ đâu riêng gì chúng tôi, sao họ lại không bị đuổi trong khi điều kiện của họ tốt hơn chúng tôi?”.

Từ những hứa hẹn ban đầu, đến khi tuổi tác đã già và vin vào bản hợp đồng chông chênh cùng lý do bằng tại chức mà Phòng GD&ĐT đã làm một việc phũ phàng với tập thể cô giáo này. Cho dù 17 trường đã khai giảng và 17 trường không có giáo viên tiếng Anh, học sinh trống tiết, nhưng Phòng GD&ĐT vẫn không cho họ làm công việc cao cả là được đến trường giảng dạy. Phải chăng sự loại bỏ này đầy mờ ám, khi mà những suất chạy tiếng Anh vào các trường được dư luận âm ỉ với giá hơn 100 triệu đồng/suất?.

Trong buổi chiều làm việc với phóng viên, cũng là lúc Phòng GD&ĐT họp với 15 giáo viên Tiếng Anh mới được tuyển dụng để thay thế cho 15 giáo viên  hợp đồng. Phải chăng đây là câu chuyện “vắt chanh bỏ vỏ”?. 

Trường Lưu

Đọc thêm