Nhiều mục tiêu kép
Theo đó, mục đích của Đề án là nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan, Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TF) và các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên.
Đề án cũng nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động nhập khẩu hàng hóa, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp do phải lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu.
Một trong những mục tiêu khác mà Đề án hướng tới là nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan, giảm thiểu rủi ro do việc không chấp hành pháp luật về thuế, về hải quan, về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,… của doanh nghiệp thông qua việc sử dụng một công cụ bảo lãnh mới để đảm bảo việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp; chuyển việc quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan chờ thông quan; hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế, hoàn thuế hoặc không chịu thuế chờ hoàn thành thủ tục quyết toán với cơ quan hải quan cho tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.
Đề án cũng nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bảo lãnh thông quan hàng hóa nhập khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa được lựa chọn tổ chức bảo lãnh có uy tín, thuận lợi, chi phí cạnh tranh để đứng ra bảo lãnh cho thông quan hàng hóa với cơ quan Hải quan.
Sẽ thực hiện có lộ trình
Để thực hiện được mục tiêu của Đề án, các giải pháp triển khai thí điểm hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam được xây dựng dựa trên quan điểm, định hướng: Thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo có sự kết nối liên thông giữa các đối tượng thực hiện trên cùng một hệ thống; các giải pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế, với Công ước, Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết và tham gia.
Theo Tổng cục Hải quan, việc triển khai Đề án cần được chia thành nhiều giai đoạn (thí điểm, mở rộng và chính thức), ưu tiên lựa chọn các loại hình hiện đã được áp dụng chế độ bảo lãnh để mở rộng đối tượng thực hiện, đồng thời thí điểm đối với các loại hình thuận lợi khi triển khai, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn thí điểm loại hình hàng hóa XNK, tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm phải đảm bảo phù hợp với thực tế công tác và năng lực quản lý hải quan, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động XNK của doanh nghiệp.
Để hoàn thiện Đề án, từ đầu năm 2019 đến nay, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo cũng như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng phù hợp với tình hình đặc thù của Việt Nam.
Mặt khác, để giúp các doanh nghiệp XNK, doanh nghiệp bảo hiểm và các đơn vị quản lý, các bên liên quan của Việt Nam làm quen với cơ chế bảo lãnh thông quan, hoàn thiện cơ sở pháp lý và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc áp dụng cơ chế này, Bộ Tài chính đề xuất Việt Nam cần triển khai từng bước theo hướng sẽ triển khai thí điểm áp dụng ở một số loại hình, một số công đoạn còn đang vướng mắc lớn chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp XNK, trong quá trình áp dụng thí điểm cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng mở rộng các loại hình, công đoạn còn đang vướng mắc trước khi triển khai rộng rãi, chính thức tại Việt Nam.