Hàng loạt người trồng rừng tại Lâm Đồng tố bị lừa

Sau khi vay tiền tỷ của nhiều người trồng rừng ở Lâm Đồng, bà Trần Thanh Huyền ở thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai đã bỏ trốn biệt tăm, khiến nạn nhân lâm vào cảnh tay trắng, kêu cứu…

Sau khi vay tiền tỷ của nhiều người trồng rừng ở Lâm Đồng, bà Trần Thanh Huyền ở thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai đã bỏ trốn biệt tăm, khiến nạn nhân lâm vào cảnh tay trắng, kêu cứu…

Các giấy vay, nhận nợ của bà Huyền
Các giấy vay, nhận nợ của bà Huyền

Lừa tiền, sổ đỏ

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (ở tổ 14, ấp suối Tre, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) cho biết, trong quá trình kinh doanh mua bán cây giống cao su, chị quen bà Trần Thanh Huyền (sinh năm 1968, Việt kiều Pháp) là Giám đốc Cty TNHH Tứ Nữ đặt trụ sở tại số 17, hẻm 39, khu phố 2, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai.

“Bà này giới thiệu là giám đốc, có chồng người Pháp và lần đi giao dịch nào hai vợ chồng cũng đi chung với nhau nên không chỉ tôi mà nhiều khác đều tin tưởng. Sau này tôi mới biết đó cũng là mánh lừa đảo của bà này”, chị Bích kể.

Tháng 3/2011, chị Bích nhờ bà Huyền tìm giúp đất để trồng cao su giống tại huyện Đạ Huoai và theo yêu cầu của bà Huyền, tháng 4/2011 chị Bích đưa bà Huyền 300 triệu đồng để làm chi phí xin đất. Khoảng 1 tháng sau, bà Huyền trả lại tiền với lý do không xin được đất. Nhưng sau 3 tháng, bà Huyền gọi điện thông báo tìm được 1.000ha và lần này yêu cầu đưa 3,5 tỷ đồng để đi lo thủ tục xin đất; chị Bích chỉ “lo” được 3 tỷ nên bà Huyền cũng đồng ý.

Ngày 19/7/2011, chị Bích mang tiền đến thì bà Huyền nói “người thứ ba” ngại không gặp, chị Bích tin tưởng để lại tiền và bà Huyền có viết giấy biên nhận 3 tỷ để lo xin đất trồng cao su.

Trong lúc chờ đất, ngày 6/12/2011, bà Huyền mượn tiếp 600 triệu đồng, viết giấy vay hẹn đến cuối tháng 12/2011 trả đủ. Sau đó vài ngày, bà Huyền hỏi mượn tiếp 100 triệu đống và úp mở “việc xin đất dự án đã gần xong, chỉ chờ tỉnh phê duyệt”, chị Bích lại chuyển cho bà Huyền 100 triệu đồng.

Sốt ruột vì chờ mãi không thấy đất, chị Bích đòi lại tiền nhưng bà Huyền đều trốn tránh. Mãi đến ngày 27/4/2012, bà Huyền buộc phải thừa nhận nợ chị Bích tổng cộng 3,7 tỷ đồng và cam kết “trong vòng hai tháng, tới ngày 30/6/2012 sẽ hoàn trả”.

Để chủ nợ tin hơn, bà Huyền còn cam kết trong thời gian trả nợ sẽ thế chấp cho chị Bích giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận đầu tư của Cty Việt Tiến  nhưng rồi bà Huyền chỉ đưa cho chị Bích giấy chứng nhận đầu tư rồi lặn mất tăm.

“Cầm mỗi tờ giấy chứng nhận đầu tư chẳng có giá trị gì, tôi đi tìm và gặp bà Huyền tại Cty của bà nhưng bà cứ xua đuổi tôi, bảo vài hôm nữa trả tiền. Bà không cho tôi nói vì sợ người ở cùng nhà nghe thấy chuyên bà nợ nần. Từ đó đến nay, tôi liên lạc không được, không biết bà ấy đang ở đâu”.

Nhiều nạn nhân ngậm đắng nuốt cay

Vì sao bà Huyền có được giấy tờ của Cty Việt Tiến đem đi thế chấp, PLVN đã liên lạc với ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Cty Việt Tiến (trụ sở ở huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) và một sự thật khác được phơi bày khi ông Việt thừa nhận ông cũng là nạn nhân trong việc này: “Năm 2008, tôi ký hợp đồng trồng rừng với lâm trường Đạ Huoai thì bà Huyền cùng ông chồng người Pháp đến gặp tôi. Chồng bà Huyền giới thiệu là chuyên gia về cây cao su, có nguồn vốn lớn từ nước ngoài và muốn góp vốn để trồng rừng chung với tôi. Bà Huyền có góp vốn và chúng tôi đã trồng được hơn 100 héc ta rừng cao su.

Sau một thời gian, bà Huyền hỏi tôi mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận đầu tư của cty tôi nói đem đi mượn tiền của nước ngoài(?). Tôi nghe nói chỉ cầm 3 tuần đem đi mượn tiền trồng rừng thì cho mượn ngay nhưng hết hạn tôi đòi thì không trả lại. Đến bây giờ tôi mới biết bà Huyền mượn để đem đi thế chấp”.

Nói thêm về Việt kiều Huyền, ông Việt cho biết: “Bà này dữ dằn lắm, lúc nào cũng hù dọa, chửi mọi người. Mới cách đây vài ngày, bà ấy nhắn tin chửi tôi sao lại cung cấp thông tin cho báo chí, cho cơ quan công an. Bà lúc nào cũng khoe khoang là tôi quen Bộ trưởng này nọ. Sau khi sự việc với cô Bích bị phát hiện, một người phụ nữ ở đường Pasteur cũng nói với tôi cô này đang “chết dở” vì bị bà Huyền lừa đưa tiền để trồng rừng chung. Cùng hoạn nạn với nhau, tôi khuyên chờ cơ quan chức năng giải quyết”.

Ông Việt cũng tâm sự vì nhận thức có hạn, trong quá trình trồng rừng ông và một số người khác đã bị lừa rất nhiều tiền khi có một vài đối tượng tung “chiêu” ra Hà Nội lấy tiền trồng rừng, phải đưa sổ đỏ, giấy chứng nhận đầu tư, tiền lộ phí nhưng kết cục chẳng được gì.

Trở lại câu chuyện vay 3,7 tỷ đồng, chị Bích đã gửi đơn tố cáo tới UBND tỉnh Lâm Đồng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng, VKSND và Công an huyện Đạ Huoai. Phía UBND huyện Đạ Huoai khẳng định, trong năm 2011, cơ quan này không phê duyệt cho cá nhân nào 1000 ha đất trồng cao su. Còn Công an  huyện Đạ Huoai cho biết đã nhiều lần liên lạc, triệu tập nhưng bà Huyền không có mặt ở địa phương và bà Huyền có gọi điện cho công an nói đang ở Pháp nên không về làm việc được.

Căn cứ vào thẩm quyền điều tra, từ tháng 9/2012, Công an huyện đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Lâm Đồng) để điều tra, giải quyết  nhưng từ đó đến nay chị Bích không hề được biết kết quả điều tra như thế nào.

“Hành vi lừa đảo của bà Huyền đã rõ, tôi mong cơ quan điều tra có biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho những người bị hại như tôi. Tài sản tôi vay mượn để trồng rừng nay bị lừa sạch, trong khi bà Huyền vẫn nhởn nhơ ngài vòng pháp luật là điều không thể chấp nhận được”, chị Bích bức xúc nói.

Với những tố cáo nói trên, Phòng Cảnh sát điều tra TP về TTXH Công an tỉnh Lâm Đồng cần mở rộng điều tra, làm rõ có không hành vi lừa đảo của bà Huyền để bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân, ngăn chặn tình trạng một vài cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những người trồng rừng để lừa đảo.

Hà Linh

Đọc thêm