Hàng ngàn người lao động được hỗ trợ lương ổn định cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chỉ 14 ngày sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 đã đi vào cuộc sống với những hợp đồng tín dụng để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, góp phần hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động cùng vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19, duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống.

Những tâm tư từ Lạng Sơn

Là một trong số các doanh nghiệp nằm trong đợt đầu của cả nước được ký kết hợp đồng tín dụng trả lương ngừng việc cho người lao động, bà Nông Thị Vân - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn - cho biết, dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp, thu nhập của người lao động bị sụt giảm trầm trọng, không ít người mất việc làm do nhu cầu đi lại của người dân giảm.

Đến ngày 26/7/2021, NHCSXH đã phê duyệt cho vay 39 người sử dụng lao động với trên 45 tỷ đồng để trả lương cho trên 12.000 lượt người lao động theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiền NHCSXH đã giải ngân đến 17h ngày 27/7 là 43 tỷ đồng.

“Chính vì vậy, sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tiếp cận gói vay ưu đãi đã giúp đỡ doanh nghiệp rất nhiều trong việc hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2021, đồng thời đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động”, bà Vân chia sẻ. Doanh nghiệp này vừa được giải ngân số tiền 92,6 triệu đồng để trả lương cho 9 lao động, lãi suất cho vay 0%, thời hạn vay là 12 tháng và không cần tài sản đảm bảo

Vui mừng trước tin công ty làm việc của mình ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn và được NHCSXH giải ngân ngay món vay để trả lương ngừng việc cho người lao động, chị Chu Phương Khanh - nhân viên Công ty TNHH MTV Thương mại và du lịch Pride (Lạng Sơn) - cho biết: “Phần vốn này không chỉ giúp đơn vị giảm áp lực trang trải chi phí hoạt động góp phần duy trì hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh tại công ty, mà người lao động chúng tôi sẽ có thu nhập ổn định hơn để trang trải cho cuộc sống qua thời kỳ dịch bệnh khó khăn này”.

Đại diện NHCSXH tỉnh Lạng Sơn ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn.

Đại diện NHCSXH tỉnh Lạng Sơn ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lạng Sơn Phạm Mạnh Hà cho biết, để chính sách được triển khai nhanh nhất và hiệu quả nhất vào cuộc sống, ngay sau khi NHCSXH Việt Nam triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, chi nhánh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan, đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên tuyền chính sách, tổ chức triển khai thực hiện.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh - Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao NHCSXH trong việc nhanh chóng, tích cực triển khai chính sách, đồng thời khẳng định, việc triển khai chính sách không chỉ nỗ lực của các cán bộ trong hệ thống NHCSXH mà cần có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị, các cơ quan liên quan nhằm xác định đúng đối tượng cho vay đến khâu triển khai giải ngân vốn kịp thời và giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Chính vì vậy, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng một lần nữa mong muốn thời gian tới, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động.

Tốc độ triển khai chính sách thêm lực đẩy khi tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai Nghị quyết của Chính phủ với phương châm giảm bớt thủ tục, chú trọng chính sách hậu kiểm. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hồ sơ của 17 đơn vị có nhu cầu vay vốn chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Trong đó, số lao động phải ngừng việc là 213 người, số tiền đề nghị vay vốn là 1,754 tỷ đồng.

Sẻ chia gánh nặng cho cả người lao động và người sử dụng lao động

Những hình ảnh sinh động về việc triển khai chính sách tín dụng trả lương ngừng việc cho người lao động cũng đã và đang lan rộng ra toàn quốc. Đến nay, 63/63 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành trong toàn quốc đã cùng các cấp, các ngành địa phương tiếp nhận hồ sơ, nhanh chóng rà soát, thẩm định để ký hợp đồng tín dụng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - cho biết, với tinh thần triển khai chính sách cho vay thuận tiện, nhanh chóng, NHCSXH tỉnh đã công khai chính sách đến 100% Điểm giao dịch tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan tập trung rà soát đối tượng, tiếp cận cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ vay vốn, góp phần khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đến nay, NHCSXH tỉnh Bình Định đã nhận được hồ sơ đề nghị vay hơn 8,2 tỷ đồng của 19 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 982 lao động. Đơn vị đã ký kết hợp đồng tín dụng với 9 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục vay để trả lương cho 395 lao động với tổng số tiền cho vay hơn 2,6 tỷ đồng.

Chia sẻ tại buổi ký kết hợp đồng tín dụng cho vay và vừa được nhận vốn vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động với NHCSXH tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Từ Mẫn - Giám đốc Xí nghiệp vận tải khách công cộng Quy Nhơn, đơn vị cũng được ký kết hợp đồng tín dụng cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đợt này - cho biết: “Phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị chúng tôi đã ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, đặc thù của ngành vận tải là dù ngừng hoạt động nhưng một số công tác vẫn phải tiếp tục, đặc biệt là công tác duy tu, bảo dưỡng phương tiện. Nguồn thu duy nhất của đơn vị là từ vận chuyển hành khách đã bị đứt gãy cho nên việc trả lương cho người lao động gặp khó”. Cũng tại lễ ký kết hợp đồng tín dụng vừa qua, 9 doanh nghiệp đã ký kết vay 2,647 tỷ đồng để trả lương cho 395 lao động ngừng việc do ảnh hưởng dịch COVID-19, với ưu đãi là lãi suất cho vay 0%, thời hạn vay dưới 12 tháng và không cần tài sản đảm bảo.

Chiều 27/7, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang LGG (số tiền hơn 13,5 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần may BGG Lạng Giang (số tiền 5,5 tỷ đồng) để trả lương cho hơn 5 nghìn lao động trong tháng 7/2021.

Chiều 27/7, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang LGG (số tiền hơn 13,5 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần may BGG Lạng Giang (số tiền 5,5 tỷ đồng) để trả lương cho hơn 5 nghìn lao động trong tháng 7/2021.

Còn với Bắc Giang - địa phương từng là “điểm nóng” trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạm dừng hoạt động trong tháng 5, 6 vừa qua. Để kịp thời hỗ trợ người sử dụng lao động cũng như người lao động vượt qua khó khăn, tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch và thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ tại các huyện, thành phố theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến cho toàn bộ cán bộ chi nhánh để triển khai, tập huấn nghiệp vụ cho vay với người sử dụng lao động; đồng thời gửi văn bản tới các đơn vị liên quan để phối hợp triển khai đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đến ngày 27/7, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có 49 doanh nghiệp được hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn trả lương cho người lao động và đã có 13 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ gửi NHCSXH tỉnh để vay vốn trả lương cho trên 13 nghìn lao động với tổng số tiền đề nghị vay hơn 44 tỷ đồng. Trong đó, NHCSXH tỉnh đã phê duyệt 4 doanh nghiệp vay vốn trả lương tháng 7 cho hơn 6 nghìn lao động với số tiền là 21 tỷ đồng.

Những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế triển khai trong thời gian qua sẽ chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố triển khai nhanh và hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm