Hàng nghìn người nhập viện khi bão cát nhấn chìm Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một trận bão cát đã bao trùm các khu vực Trung Đông hôm 23/5, bao gồm Iraq, Syria và Iran, khiến người dân phải nhập viện và làm gián đoạn các chuyến bay ở một số nơi.
Ngư dân di chuyển trên đường thủy Shatt al-Arab trong trận bão cát ở Basra, Iraq, ngày 23/5/2022. Ảnh: AP
Ngư dân di chuyển trên đường thủy Shatt al-Arab trong trận bão cát ở Basra, Iraq, ngày 23/5/2022. Ảnh: AP

Đây là cơn bão mới nhất trong một loạt các trận bão cát gần như chưa từng có trong năm nay khiến cư dân hoang mang. Các chuyên gia và quan chức đã phải lên cảnh báo và cho rằng nguyên nhân của cơ bão cát nghiêm trọng này là do biến đổi khí hậu và các quy định kiểm soát yếu kém của Chính phủ.

Từ Riyadh đến Tehran, bầu trời màu cam rực rỡ và một lớp màn bụi cát dày đặc báo hiệu một ngày bão tố hôm thứ Hai. Bão cát thường xảy ra vào cuối mùa xuân và mùa hè, được thúc đẩy bởi các cơn gió theo mùa. Nhưng năm nay chúng đã xảy ra gần như mỗi tuần ở Iraq kể từ tháng Ba.

Các nhà chức trách Iraq tuyên bố ngày này là ngày nghỉ lễ quốc gia, kêu gọi các nhân viên chính phủ và người dân ở nhà đề phòng cơn bão số 10 đổ bộ vào nước này trong hai tháng qua. Bộ Y tế tuyên bố đã dự trữ các hộp oxy tại các cơ sở ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Các cơn bão đã khiến hàng nghìn người phải tới bệnh viện và khiến ít nhất một người chết ở Iraq và 3 người ở phía đông Syria.

Nhiều người phải nhập viện vì vấn đề về hô hấp do bão cát. Ảnh: AP chụp tại Baghdad, Iraq ngày 23/5/2022

Nhiều người phải nhập viện vì vấn đề về hô hấp do bão cát. Ảnh: AP chụp tại Baghdad, Iraq ngày 23/5/2022

Jaafar Jotheri, nhà khảo cổ học tại Đại học Al-Qadisiyah ở Baghdad, cho biết: “Đó là một vấn đề toàn khu vực nhưng mỗi quốc gia có mức độ dễ bị tổn thương và điểm yếu khác nhau".

Tại Syria, các bộ phận y tế đã được đặt trong tình trạng báo động khi bão cát đổ bộ vào tỉnh Deir el-Zour phía đông giáp với Iraq, kênh truyền hình nhà nước Syria cho biết. Đầu tháng này, một cơn bão tương tự trong khu vực đã khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hàng trăm người phải nhập viện vì các vấn đề về hô hấp.

Tiến sĩ Bashar Shouaybi, Chánh văn phòng Bộ Y tế ở Deir el-Zour, nói với kênh truyền hình nhà nước rằng các bệnh viện đã mua thêm 850 bình oxy và thuốc cần thiết để đối phó với những bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn.

Bão cát nghiêm trọng cũng đã bao trùm các vùng của Iran, Kuwait và Ả Rập Xê Út trong tháng này.

Lần thứ hai trong tháng này, sân bay quốc tế Kuwait đã đình chỉ tất cả các chuyến bay hôm 23/5 vì khói bụi.

Hiệp hội khí tượng Ả Rập Saudi đã báo cáo rằng tầm nhìn sẽ giảm xuống 0 trên các con đường ở thủ đô Riyadh trong tuần này. Các quan chức cảnh báo các tài xế nên đi chậm. Các phòng cấp cứu trong thành phố phải tiếp đón 1.285 bệnh nhân không thể thở bình thường từ đầu tháng.

Tuần trước, Iran đã đóng cửa các trường học và Văn phòng Chính phủ ở thủ đô Tehran do bão cát quét qua đất nước. Nó ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng sa mạc phía tây nam Khuzestan, nơi hơn 800 người tìm cách điều trị chứng khó thở. Hàng chục chuyến bay ra khỏi miền Tây Iran đã bị hủy hoặc hoãn.

Tầm nhìn trên các đường phố ở Baghdad (Iraq) rất kém vì bão cát. Ảnh: AP

Tầm nhìn trên các đường phố ở Baghdad (Iraq) rất kém vì bão cát. Ảnh: AP

Một chuyên gia môi trường nổi tiếng nói với truyền thông địa phương rằng biến đổi khí hậu, hạn hán và quản lý nguồn nước yếu kém của Chính phủ là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bão cát. Iran đã rút cạn các vùng đất ngập nước của mình để làm nông nghiệp - một thực tế phổ biến được biết đến là sản xuất bụi trong khu vực.

Alireza Shariat, người đứng đầu hiệp hội các kỹ sư nước Iran, nói với hãng thông tấn ILNA của Iran vào tháng trước rằng ông dự kiến ​​các cơn bão bụi trên diện rộng sẽ trở thành một “hiện tượng mùa xuân hàng năm”, hiện tượng mà Iran chưa từng thấy trước đây.

Tại Iraq, tình trạng sa mạc hóa trầm trọng hơn do lượng mưa thấp kỷ lục đang làm gia tăng cường độ của các cơn bão, Ở một quốc gia trũng với nhiều vùng sa mạc, tác động gần như gấp đôi, Jotheri, nhà khảo cổ học cho biết.

“Do 17 năm quản lý yếu kém về nguồn nước và đô thị hóa, Iraq đã mất hơn 2/3 diện tích phủ xanh. Đó là lý do tại sao người Iraq phàn nàn nhiều hơn các nước láng giềng về những trận bão cát trong khu vực của họ", nhà khảo cổ học lý giải.