Việc giải quyết khó khăn trong tiêu thụ lúa tại huyện Thới Bình, được lãnh đạo UBND tỉnh Cả Mau chỉ đạo trực tiếp trong những ngày qua. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, những bất đồng giữa doanh nghiệp và các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời.
Đồng thời, việc thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ lúa của các hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có biện pháp hỗ trợ, gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Thới Bình chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, với đại diện các hợp tác xã và hộ dân có liên quan để trao đổi, thống nhất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị lãnh đạo huyện Thới Bình lưu ý phân tích, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tác nhân liên quan trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo (UBND huyện, xã; vai trò của hợp tác xã trong đại diện thương thảo hợp đồng, trong thực hiện thu mua, tiêu thụ lúa gạo tập trung; các thành viên hợp tác xã và các hộ dân liên kết thực hiện các nghĩa vụ liên quan; biện pháp xử lý các vấn đề bất cập liên quan đến giao thông, vận chuyển, kho bãi, lò sấy...); Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất, kiến nghị có liên quan về UBND tỉnh trước ngày 06/12/2022 để xem xét, quyết định.
|
Gia đình ông Nguyễn Văn Lâm (ngụ ấp Phước Hoà, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) tận dụng mọi mái che quanh nhà làm sân phơi lúa nhưng lúa vẫn bị ẩm vì thiếu nắng. |
Trước đó, chiều 28/11, tổng hợp nhanh từ đơn vị chức năng huyện Thới Bình, đến hết 27/11 vừa qua, các trà lúa - tôm toàn huyện đã thu hoạch sớm được hơn 1.900ha (khoảng 10% tổng diện tích lúa-tôm toàn huyện), với tổng sản lượng hơn 12.400 tấn. Trong số này, vùng trồng lúa ST24, ST25 thu hoạch sớm được 970ha, tổng sản lượng hơn 6.300 tấn nhưng mới tiêu thụ (thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu) được gần 2.500 tấn (giá trung bình khoảng 8.100đ/kg), còn tồn hơn 3.800 tấn.
Lúa tồn đọng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Trí Phải (huyện Thới Bình), trung bình mỗi nơi còn từ 1.100 đến hơn 1.300 tấn lúa ST24, ST25 chưa bán được.
Trong cuộc họp bàn cách tháo gỡ cho nông dân vào sáng 28/11, tại UBND xã Biển Bạch Đông, có đại diện các hợp tác xã Dân Phát, Hòa Phát (xã Biển Bạch Đông) và hợp tác xã ông Đuông (xã Tân Bằng),… theo ông Nguyễn Văn Lượng - Trưởng ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình), cho biết: “Mỗi ngày cán bộ ấp nhận hơn 50 cuộc gọi cầu cứu. Nông dân thu hoạch lúa lúc mưa liên tục, lúa bị ẩm rồi thối ruột. Tình cảnh này thì Công ty hãy thương lượng với dân, hạ thấp giá thu mua chứ từ chối không mua bà con biết tính làm sao, trong khi mỗi ha bỏ vốn đầu tư khoảng 20 triệu đồng rồi”.
|
Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau đề xuất phía đơn vị bao tiêu tạo điều kiện chia sẻ giúp nông dân tiêu thụ lúa. |
Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hợp đồng bao tiêu giữa giữa Công ty Cổ phần lương thực A An với các hợp tác xã ở Biển Bạch Đông và Tân Bằng và nông dân… do sự cố thiên tai nên cần có sự chia sẻ để bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên.
Trước mắt, tôi có đề xuất phía Công ty tạo điều kiện tốt nhất để chia sẻ, thu mua lúa của nông dân nếu lúa của bà con đạt, và cả lúa không đạt chất lượng cũng nên có thỏa thuận lại phần giá hợp lý, để bà con lấy lại được phần nào đồng vốn bỏ ra. Đồng thời, các hợp tác xã cũng cần tuyên truyền để bà con nắm rõ và cam kết thực hiện đúng hợp đồng, không để mất an ninh trật tự, bảo đảm quyền và lợi ích hài hòa của các bên”.
“Hiện nay, toàn huyện Thới Bình có hơn 20 hợp đồng liên kết bao tiêu lúa của nông dân thông qua doanh nghiệp, trong đó có Công ty A An và không nên để chuỗi liên kết này bị đứt gãy, tạo tiền lệ không tốt cho nông dân” – ông Quân cho biết thêm
Tại Cà Mau, vùng canh tác lúa - tôm khoảng 40.000ha, tập trung chủ yếu tại Thới Bình với khoảng 19.000ha. Do đặc thù chỉ gieo trồng được duy nhất một vụ lúa trong năm nên vào mùa mưa hằng năm, người dân tận dụng nước mưa để rửa mặn cánh đồng nuôi tôm để gieo trồng vụ lúa, kết hợp nuôi tôm càng xanh. Với vụ lúa này, cao điểm thu hoạch từ giữa đến cuối tháng 12 dương lịch. Thường lệ, đây cũng là thời điểm trời đã dứt mưa, mặt ruộng ráo nước. Tuy nhiên, việc mưa bất thường như năm nay, cộng với một phần chủ quan của nông dân khiến lúa bị “mắc mưa” không kịp trở tay.