Hàng trăm hồ tôm “đắp chiếu” vì ô nhiễm

Được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nên gần đây nghề nuôi tôm thẻ chân trắng được người dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do vội vã nên nhiều hồ nuôi được xây dựng thiếu hệ thống xử lý nước thải dẫn đến tình trạng “đắp chiếu” vì ô nhiễm...
Được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nên gần đây nghề nuôi tôm thẻ chân trắng được người dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do vội vã nên nhiều hồ nuôi được xây dựng thiếu hệ thống xử lý nước thải dẫn đến tình trạng “đắp chiếu” vì ô nhiễm...

Thất bại do thiếu kỹ thuật

Đến thời điểm này, đã có hàng chục hộ cá nhân và công ty thuộc các xã ở huyện Phong Điền phải xả hồ, phủ bạt…chờ sự giúp đỡ của UBND huyện. Trong đó, xã Phong Hải là nơi tập trung nhiều hộ nuôi tôm trên cát lớn nhất cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi một số hồ nuôi tôm của các ông Nguyễn Xung Công, Nguyễn Thạnh, Hồ Kiếm... thua lỗ hàng trăm triệu đồng sau 2 mùa tôm mất trắng.

Theo khảo sát của chúng tôi, không ít hồ nuôi tôm trên cát của huyện Phong Điền lâm vào tình trạng bị bỏ hoang, thiết bị máy móc bị rỉ sét, hỏng hóc; chỉ một số ít hồ còn hoạt động nhưng cầm chừng với lượng con giống không cao. Ông Nguyễn Xung Công (thôn Hải Đông, xã Phong Hải) cho biết: “Để khỏi hư máy, hàng ngày chúng tôi vẫn cho bơm nước đầy đủ cho một số hồ còn lại, chứ năm nay tôm chết vì ô nhiễm nhiều quá. Chắc phải chờ đến mùa sau mới làm lại được”.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phong Hải - Nguyễn Viết Từ nói: “Sau thất bại của mô hình nuôi tôm sú. Năm 2007, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và cho hiệu quả rất khả quan. Xã Phong Hải có hơn 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, với tổng diện tích gần 66 ha. Tổng sản lượng tôm 6 tháng đầu năm 2011 đạt trên 650 tấn, trị giá hơn 70 tỷ đồng, lãi 35 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, ông Từ cho biết, chính hiệu quả bất ngờ này đã khiến người dân mạnh ai nấy làm mà không theo quy hoạch của huyện, không chú trọng đến hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nguồn nước thải từ hồ tôm đổ ra biển, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm dẫn đến khi người nuôi tôm dẫn nước biển về hòa với nước ngọt vô tình dẫn luôn nguồn nước thải về hồ nuôi của mình. Bên cạnh đó, vì hám lợi, nên nhiều hộ nuôi tôm đã nuôi số lượng con giống quá dày 200 – 300 con/m2, trong khi đó tiêu chuẩn là không quá 100 con/m2. Các yếu tố này khiến các đầm tôm bị ô nhiễm, dẫn đên thất bại nặng nề.

Về vấn đề xử lý của chính quyền địa phương, ông Từ  nói: “Xã Phong Hải đang có phương án hỗ trợ bà con trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng cách gộp 5 hộ chung rồi xây dựng 2 ao xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc 2 mùa tôm thất bát liên tiếp đã khiến không ít hộ không đủ khả năng tài chính để thực hiện. Vì thế, tôi nghĩ phương án này sẽ khả quan hơn nếu có sự giúp đỡ của huyện”.

Nỗ lực khắc phục

Toàn huyện Phong Điền có 194ha nuôi tôm thẻ chân trắng thì có gần 75ha bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, theo quy hoạch nuôi tôm trên cát thì đến 2015 của toàn huyện Phong Điền là 500ha và  năm 2020 sẽ là 700ha. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch này. Trước tình trạng trên, UBND huyện Phong Điền đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tạm dừng nuôi tôm thẻ chân trắng để tiến hành khắc phục, sửa chữa. Lãnh đạo huyện Phong Điền kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục, hộ nào vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.

Khẳng định vị thế của tôm chân trắng nếu được nuôi đúng cách, ông Từ cho biết: “1ha tôm hiện tay có giá trị gấp nhiều lần 1ha lúa, nguồn ngân sách của chính quyền sẽ tăng lên một cách đáng kể, tạo điều kiện cho việc phủ xanh những cánh rừng phòng hộ hay phát triển mô hình du lịch biển trong một tương lai không xa và cuộc sống người dân sẽ ngày càng khấm khá hơn”.

Vì thế, để giúp người dân có một quy trình nuôi bền vững, rất cần sự hỗ trợ một cách sát sao của các cấp ngành liên quan, chứ không phải để bà con nuôi một cách tự phát, ồ ạt, không theo quy hoạch  như hiện nay.

Nguyễn Tiến Nhất

Đọc thêm