Không còn len lỏi trong những ngõ nhỏ để bán vài món mỹ phẩm, quần áo…, cửa hàng bán hàng xách tay những năm gần đây mọc lên như nấm ở những phố trung tâm Hà Nội. Nhiều cửa hàng dù chỉ có vài chục mét vuông cũng trương biển "Siêu thị hàng xách tay" để thu hút người tiêu dùng, với sản phẩm từ cuộn giấy vệ sinh đến những lọ nước hoa, thuốc đông y... Chuộng nhất vẫn là hàng xuất xứ từ các nước châu Âu (Pháp, Đức), Nhật, Hàn Quốc...
Sau thời gian bị cơ quan quản lý kiểm tra ráo riết, "thủ phủ" kinh doanh hàng xách tay ở phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) có phần im ắng hơn. Nhiều cửa hàng trong con phố dài vài trăm mét đóng cửa im lìm, nhưng khi có khách gọi sẽ đáp ứng nhiệt tình.
"Những ngày này hàng vẫn về đều, nhưng cửa hàng chỉ bán cho khách quen, còn khách lạ thì phải xem có nhu cầu thực mới bán. Cuối năm quản lý thị trường làm gắt lắm" - chủ một cửa hàng chuyên hàng xách tay trong ngõ 158 Nguyễn Sơn cho biết. Bà cũng cho hay, hàng khách hỏi mua chủ yếu dịp này là rượu, bánh kẹo phục vụ Tết".
|
Hàng xách tay được nhiều người săn lùng vì giá rẻ hơn hàng chính hãng |
Không mở shop nhưng lượng khách hàng của chị Hạnh - dân chuyên buôn hàng xách tay từ Australia, Pháp luôn tăng mỗi tháng. Mặt hàng chị Hạnh kinh doanh khá đa dạng, từ giày dép, túi xách, mỹ phẩm... cho tới thực phẩm chức năng, trái cây. Hàng xuất xứ từ Australia, Pháp, Đức và được gửi về Việt Nam qua đường xách tay hàng không. "Do có người nhà ở những nước này nên tôi nhờ người thân đi chọn hàng, đóng gói rồi gửi tiếp viên về. Không bị đánh thuế nên giá cả mềm hơn", bà chủ giải thích.
Ngoài lãi nhờ hàng “né” thuế, để tăng lợi nhuận, các chủ hàng như chị Hạnh thường chờ cơ hội mua hàng khuyến mại, các đợt giảm giá, kích cầu tiêu dùng lớn tại nước ngoài để tranh thủ “ôm” hàng về nước bán lẻ.
Hàng xách tay về Việt Nam dưới 2 dạng: hành lý ký gửi cùng người nhập cảnh vào Việt Nam, hàng biếu tặng gửi qua đường hàng không hoặc chuyển phát nhanh. Dù đã có quy định về giá trị vật phẩm mang theo với người nhập cảnh vào Việt Nam, như hàng mang theo không quá 10 triệu đồng, lượng rượu xách mang theo không quá 1,5 - 2 lít tuỳ nồng độ... nhưng thực tế loại hàng này vào Việt Nam khá đa dạng.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng hàng xách tay chính là hàng lậu đang thao túng thị trường, chèn ép hàng nội địa. Ông đơn cử, một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa… Sau thời gian kinh doanh tự phát, thăm dò, thị trường hàng xách tay đang có xu hướng bùng nổ. Sở dĩ hàng xách tay có đất sống là vì tâm lý chuộng hàng ngoại, giá lại rẻ so với chính hãng.
Số liệu của cơ quan quản lý thị trường Hà Nội, 9 tháng đầu năm Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 19 vụ tại "thủ phủ" kinh doanh hàng xách tay ở Nguyễn Sơn, hàng hoá vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Giá trị hàng hoá tịch thu gần 150 triệu, tiền phạt hơn 60 triệu đồng.
Trong một văn bản mới đây gửi tới các bộ: Công an, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Ban chỉ đạo 389 về chống buôn bán hàng giả, Bộ Tài chính đề nghị cùng vào cuộc để nghiên cứu giải pháp, "quản" thị trường buôn bán hàng xách tay. Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất sửa đổi chính sách, quy định cụ thể các mặt hàng được miễn thuế.
Cơ quan này cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc quản lý hàng xách tay qua đường hàng không, như hành khách không thông báo đầy đủ số lượng, loại mặt hàng... để được miễn thuế. Cùng với đó, do số lượng nhân viên hải quan mỏng, khối lượng công việc nhiều và thiếu thiết bị hỗ trợ nên khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát. "Nhiều loại sản phẩm nhỏ lẻ, nhằm mục đích sử dụng cá nhân, không kinh doanh và nằm trong định mức được miễn thuế", Bộ Tài chính cho biết.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các lực lượng chức năng, quản lý thị trường, thanh tra y tế, cơ quan công an… tăng cường quản lý kiểm ra và xử phạt các trường hợp hàng hóa gắn mác xách tay bày bán trên thị trường.