Hành chính phục vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chương trình thời sự VTV1 (tối 17/6) phản ánh một vụ tách bìa đỏ của một hộ dân ở một địa phương đáng suy nghĩ. Đó là việc UBND xã dù đúng thẩm quyền nhưng vẫn “giới thiệu” hộ dân có nhu cầu tách “sổ đỏ” sang một công ty tư vấn và bị đơn vị này “hét” chi phí đến 70 triệu đồng, trong khi chi phí thực hiện qua xã chỉ 3 triệu đồng. Vị đại diện UBND xã “dọa”, làm thủ tục qua xã sẽ phải chờ rất lâu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Câu chuyện được phóng viên đặt câu hỏi: Liệu có “lợi ích nhóm” trong việc làm dịch vụ “tư vấn” để “móc túi” người dân? Thưa, đây không chỉ là ví dụ duy nhất. Đến nhiều nơi, việc đổi bằng lái xe ô tô, người có nhu cầu sẽ được chứng kiến rất nhiều “cò mồi” mời chào.

Vì sao các loại “cò mồi” vẫn đeo bám, có “đất” tồn tại? Chắc chắn phải có thỏa thuận “ăn chia”, ngoài “bồi dưỡng trong”, nếu không muốn nói là “lợi ích nhóm” - dù vặt vãnh. Xin thưa, nhỏ dễ thành lớn. Vụ án trong ngành Đăng kiểm một lần nữa cảnh báo, chỉ hai trăm ngàn một người, nhưng trên diện rộng, trong thời gian dài thì đó là “ung nhọt” của hệ thống.

Lâu nay chúng ta hoan nghênh cố gắng của Chính phủ trong việc nêu ra phương châm “Hành chính phục vụ”: Cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Công bằng thì thấy rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã giúp các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần người dân và doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm.

Triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2021 đến 2022, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan.

Chính phủ, Thủ tướng rất quyết liệt trong chỉ đạo chuyển đổi số. Sau quá trình xây dựng, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Đến năm 2022, tại Cổng tham vấn đã cập nhật hàng chục ngàn quy định hiện hành, phương án cắt giảm, đơn giản hóa hàng ngàn quy định kinh doanh khác để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách. Điều này được doanh nghiệp và người dân hoan nghênh, chính họ là đối tượng được “thụ hưởng”.

Cải cách hành chính đang gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa nền hành chính, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá nỗ lực cải cách của các cơ quan nhà nước và việc giám sát của người dân, doanh nghiệp để tạo sự công khai, minh bạch. Tuy nhiên, không ít nơi việc cải cách hành chính chưa được thực hiện hiệu quả, người dân vẫn gặp khó.

Đọc thêm