Hành động vì một nền giao thông “không khói”

(PLVN) - Nhiều tỉnh, thành đã và đang triển khai các sáng kiến về “xanh hóa” ngành Giao thông Vận tải trên địa bàn. Những hoạt động này thể hiện sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp, cộng đồng nhằm phát triển nền giao thông bền vững và không phát thải, vừa góp phần nâng cao nhận thức cho người dân và tạo nên hình ảnh đẹp về địa phương.
Nhiều sáng kiến hay về giao thông xanh được triển khai trên cả nước. (Nguồn Internet)

Nỗ lực “xanh hóa” giao thông Thủ đô

Những ngày gần đây, người dân Thủ đô rất háo hức khi Hà Nội có thêm hãng taxi điện đầu tiên. Taxi Xanh SM hoạt động tại Hà Nội với dàn xe điện VinFast, là bước khởi đầu cho kế hoạch phủ sóng taxi Xanh SM tới ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2023.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực sớm đưa taxi Xanh SM vào hoạt động, bởi taxi điện là một trong những giải pháp tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đồng thời tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí cho người dùng. Ông Quyền cũng kì vọng hãng taxi điện đầu tiên tại Việt Nam sẽ trở thành biểu tượng giao thông xanh, thông minh của Thủ đô.

Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận nhiều sáng kiến về giao thông xanh và ngày càng nhiều người dân sử dụng xe đạp đô thị, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện… Điều này cho thấy mối quan tâm ngày càng gia tăng của người tham gia giao thông với môi trường. Đặc biệt, phát triển giao thông xanh đã được Thủ đô đề ra chương trình và lộ trình cụ thể trong giai đoạn 2025 - 2030, với việc đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh.

Những sáng kiến này nhằm góp phần giải quyết nhiều vấn đề của giao thông Thủ đô nhiều năm nay như ùn tắc, ô nhiễm không khí… Trong đó, đặc biệt nhức nhối nhất là vấn đề ô nhiễm từ khí thải phương tiện ngày càng nghiêm trọng khi từ năm 2008 đến nay, TP Hà Nội liên tục nằm trong trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nhiều sáng kiến hay trên cả nước

Đáng nói, những nỗ lực trên của Hà Nội cũng nằm trong xu thế chung của toàn ngành Giao thông Vận tải. Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/07/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải, nhiều tỉnh, thành đã và đang chủ động triển khai các kế hoạch, sáng kiến để “phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Tại TP Đà Nẵng, hình ảnh các “trạm xe đạp công cộng” cũng thu hút sự quan tâm của người dân lẫn du khách trong và ngoài nước. Được biết, đây là một trong các hạng mục thuộc Dự án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Trong tháng 3 và 4, thành phố thiết lập hơn 60 trạm xe đạp với khoảng 600 chiếc ở các quận khác nhau, nhằm kết nối với hệ thống vận tải công cộng để người dân và du khách thuận tiện sử dụng.

Đầu tháng 4, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên tổ chức chương trình truyền thông Dự án “Xây dựng và thử nghiệm mô hình giao thông xanh, góp phần xây dựng thành phố Tuy Hòa xanh, thông minh và bền vững”. Dự án được triển khai từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2024 gồm nhiều hoạt động cụ thể, trong đó có tổ chức Cuộc thi thiết kế điểm “check in” cho trạm xe; Hội nghị truyền thông, tuyên truyền nhóm, thiết lập và thi công các trạm chia sẻ xe; thành lập và sinh hoạt Câu lạc bộ xe đạp; tổ chức Cuộc đua xe đạp ngày giao thông xanh; hỗ trợ phương tiện giao thông xanh cho các đối tượng khó khăn làm nghề thu gom rác; xây dựng bộ tài liệu về ứng dụng giao thông xanh.

Gần đây, hơn 1.000 người dân tại Pleiku (Gia Lai) tham gia chuỗi hoạt động Ngày hội “Giao thông không khói cho hành tinh xanh” năm 2023, do Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai và UBND TP Pleiku phối hợp cùng Quỹ AIP, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Dự án giao thông xanh hướng tới nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, từng bước chuyển sang hành động lựa chọn sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế thải ra loại khí thải độc hại ra môi trường; phát triển cộng đồng tham gia giao thông xanh, góp phần xây dựng TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị xanh, thông minh và bền vững. Chuỗi hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Giảm tốc độ, trường học an toàn”, đến nay đã là năm thứ 5 được thực hiện tại TP Pleiku. Các hoạt động tập trung vận động học sinh và cộng đồng sử dụng các phương tiện giao thông hướng tới phát triển các thành phố xanh và lành mạnh hơn cũng như thúc đẩy việc di chuyển an toàn và bền vững. Mục tiêu này phù hợp với định hướng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021 - 2030 của Việt Nam.

Giao thông xanh thúc đẩy các phương tiện giao thông hạn chế thải khí nhà kính và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Những đổi mới trong việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng, tạo nên môi trường giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý, tạo ra những “làn sóng mạnh mẽ” trong cộng đồng, thúc đẩy sự chung tay của các bên liên quan, thay đổi sang các thói quen di chuyển bền vững, nhằm bảo vệ môi trường và chính sức khỏe, sự an toàn của người dân.

Đọc thêm