Đã nhiều lần, tôi tự đặt ra câu hỏi, vậy tiền thân của hạnh phúc không lẽ là đau khổ? Vì nếu không có đau khổ thì cũng chẳng có hạnh phúc. Khi còn bé, tôi đã đọc câu chuyện về cuộc đời của Thái tử Tất Đạt Đa – sau này chính là Đức Phật Gautama. Thuở thơ ấu, ngài sống trong cung vàng, điện ngọc, không biết đến tất cả mọi điều u buồn của thế gian này. Lúc ấy, tôi vô cùng ngưỡng mộ cuộc sống của Gautama và nghĩ quá “ngốc nghếch” khi vứt bỏ mọi thứ để vào rừng tu tập. Lớn lên, tôi lại thấy thật đáng thương nếu một ai đó phải sống cả đời như vậy. Bởi họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được hạnh phúc, nếu không từng bị “dìm” xuống đau khổ.
Có một điều tôi suy nghĩ rất lâu, con người thực sự bắt đầu biết hạnh phúc từ lúc nào? Không phải khi đau ốm, đói, rét mà lớn hơn là một ngày họ khái quát được tất cả những cảm giác bức bối, khó chịu như trên bằng một chữ “khổ”. Đó là giờ phút Eva và Adam không còn hài lòng với cuộc sống bị ngăn cấm tình yêu nam nữ ở thiên đường? Hay đó là bi kịch là từ chiếc hộp mà nàng Pandora – vợ Epimetheus mở ra, khiến con người nổi lên máu tham lam, giết hại lẫn nhau?...
Đạo Phật thường có câu “Đời là bể khổ”, khổ vì “sinh, lão, bệnh, tử”, “cầu bất đắc, ái tình biệt ly”. Khi ta đói, được ăn là hạnh phúc. Khi ta ốm khỏi bệnh là hạnh phúc. Khi ta thất bại, thành công là hạnh phúc. Khi ta nghèo, giàu có là hạnh phúc. Hạnh phúc dường như là đạt được cái mà con người đang tha thiết mong muốn.
Nhưng mong muốn của con người bao nhiêu là đủ? Tôi chẳng thể rõ, có lẽ là mãi mãi không có điểm dừng. Cứ như vậy, con người chạy đuổi theo mục tiêu với hy vọng sẽ không còn bất hạnh. Nhưng cứ mỗi lần chạm đến thành công, họ lại nhận ra đây không phải là hạnh phúc.
Giống như bộ phim hoạt hình “Soul”, nhân vật Joe Gardner sau khi lừa gạt cả “cõi chết” chỉ để được sống lại và tiếp tục với đam mê chơi nhạc Jazz, đã phải thốt lên một câu: “Tôi đã đợi ngày này cả đời, nhưng tại sao không có gì khác biệt?”. Dorothea – bà chủ quán nhạc Jazz đã kể cho Joe nghe câu chuyện, có một con cá nhỏ hỏi con cá già đường đến đại dương. Con cá già đáp: “Đây chính là đại dương”. Con cá nhỏ bực bội trả lời: “Nhưng đây là nước, cháu muốn tìm đại dương!”.
Khi còn trẻ, con người lãng mạn hóa những giấc mơ của mình. Luôn nghĩ rằng cánh cổng phía trước sẽ có hàng ngàn điều mới mẻ thay đổi cuộc đời. Họ bỏ qua những thứ bình dị xung quanh như bạn bè, cha mẹ, để tiến bước đến thứ họ nghĩ là cao cả, lớn lao. Nhưng cuộc sống không bao giờ là một người đồng hành “dễ chơi”, chúng luôn khiến ta trầy trật, “đánh” cho những kẻ mộng mơ tỉnh ngủ. Để khi ta chợt nhận ra hạnh phúc là một chuyến đi mà không có con đường nào “trải hoa hồng” cả.
Ừ thì, đúng là, con người có quyền thử nhiều cách khác nhau để cùng đạt tới trạng thái thỏa mãn về cảm xúc, một trong số đó sẽ hiệu quả còn số còn lại sẽ làm họ xa dần với hạnh phúc. Nhưng, điều đó giúp con người hiểu rằng, muốn đến gần hạnh phúc phải bước nhiều bước, trải qua nhiều chông gai.
Thực tế, thế giới này sẽ chẳng bao giờ đổi thay. Dù hàng triệu năm qua đi, vẫn còn đó đất đá, bầu khí quyển, nước, dung nham. Còn con người sẽ vĩnh viễn không đủ khả năng chiếm hữu và làm chủ được tự nhiên. Như chúng ta không thể đổi giờ mặt trời lặn hay làm biến mất gió mùa, giông bão, thiên tai, hạn hán.
Con người nhỏ bé đến thế gian này với đầy sai lầm và bất hạnh. Vì vậy, chúng ta không là thần linh. Phép màu của con người không phải là siêu năng lực, mà là một khối óc với trí tưởng tượng và những rung động mạnh hơn bất cứ chú thuật nào trên thế gian này. Cho nên, thứ duy nhất con người có thể tự mình điều khiển đó chính là tư duy.
Vì vậy, hạnh phúc hay đau khổ, thực chất nằm ở trong suy nghĩ của mỗi người. Bởi hạnh phúc không phải là trạng thái hay mục đích mà là nhận thức. Có những con người tật nguyền vẫn trở thành nhân vật truyền cảm hứng, nhưng cũng có những diễn viên nổi tiếng của Hollywood kết liễu cuộc đời trong bi kịch. Không thể đổ lỗi do cuộc sống của họ thiếu thốn, bất hạnh hơn những người tật nguyền. Mà phải chăng, chính bản thân các nghệ sĩ khi ở trên đỉnh cao danh vọng đã không còn cảm nhận được hạnh phúc như mục đích ban đầu? Vì vậy, nhân vật Richard (do Leonardo DiCaprio thủ vai) trong bộ phim “The Beach” đã có câu nói rất hay: “Thay vì tìm kiếm hạnh phúc, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc bạn có và đó chính là hạnh phúc”.