Truyền thần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhà cụ Trần Đức trên phố Hàng Bút bao đời nay vẫn mưu sinh bằng nghề vẽ tranh truyền thần.
Tranh minh họa. (Nguồn: Họa sĩ Nguyễn Thành Long)
Tranh minh họa. (Nguồn: Họa sĩ Nguyễn Thành Long)

Tranh truyền thần, đối với người thường, chỉ là ghi lại ánh mắt, phơi bày một chút linh hồn trong khoảnh khắc. Nhưng ở nhà cụ, vẽ truyền thần chẳng phải để gợi nhớ hay để đẹp. Vẽ truyền thần là một nghi lễ. Nghi lễ để nhìn thấu linh cốt, để bóc trần lớp màng người đời thường hay khoác cho nhau. Tranh truyền thần ở nhà cụ tránh vẽ người sống, chỉ vẽ người đã khuất. Vì chỉ khi linh hồn rời khỏi xác, gương mặt mới thật với những điều đã qua.

Gia phả họ Trần ở phố Hàng Bút ghi rằng, tổ tiên là thợ bạc thời Lê Trung Hưng, nhưng đến đời cụ Trần Miên - ông kị của cụ Trần Đức, mới chuyển sang vẽ tranh truyền thần. Cả đời cụ Trần Đức sống bằng nghề truyền thần. Gần trăm tuổi, mắt đã mờ, tay đã run, nhưng trí nhớ cụ vẫn sáng. Mỗi lần kể chuyện, cụ Đức không nhìn ai, mà nhìn vào khoảng không. Cứ như thể đang thấy những người mình từng vẽ, đang lần lượt hiện ra... “Có người bảo, truyền thần là vẽ giống, vẽ đẹp. Sai. Giống chưa chắc đã là thần. Mà đẹp quá... thì là giả”.

Cậu cháu đích tôn tên Trần Duy vốn là sinh viên mỹ thuật, học vẽ để sau này thi vào xưởng phim hoặc vẽ minh họa truyện tranh. Cậu không mặn mà với nghề truyền thần. Cho đến một ngày, đang dọn dẹp lại căn gác xép của nhà mình, cậu phát hiện ra một bức chân dung kỳ lạ, vẽ bằng kỹ thuật truyền thần cổ, nhưng đôi mắt của nhân vật trong tranh lại bị vẽ đè mực đen, như cố tình che đi. Dưới tranh có ghi một dòng chữ: "Chỉ người biết truyền thần mới biết sự thật của nhân gian".

Người cháu đem bức tranh kỳ lạ xuống hỏi cụ Trần Đức. Cụ im lặng rất lâu, mắt không rời khỏi đôi mắt bị xóa trong tranh. Rồi thay vì trả lời, cụ bắt đầu kể - không phải về bức tranh đó, mà về những gương mặt khác, những câu chuyện cũ từng in hằn trong tay bút. Như thể để hiểu bức tranh ấy, trước tiên phải đi qua những bóng người đã khuất - nơi mà “thần” từng hiện lên, không theo ý muốn của người sống.

Ông cố nội cụ Đức - cụ Trần Miên từng được mời vào kinh thành Thăng Long để vẽ chân dung một vị vua triều Lê. Theo lệnh, ông chỉ được tiếp xúc trong bóng tối sau tấm màn, được nghe giọng và được ban một mảnh khăn có mùi hương đặc trưng của nhà vua...

Không biết từ đâu, chuyện cụ Trần Miên vẽ vua loan ra cả nước. Dân tứ xứ tìm đến cụ. Trong đó, cụ được nhờ vẽ một nhân sĩ nổi danh, người được ca tụng khắp vùng, được lập đền thờ. Gia tộc tìm đến cụ xin vẽ truyền thần để khánh thành nhà thờ họ. Tranh mất gần một tháng mới xong. Không phải vì khó vẽ, mà vì mỗi lần cụ Miên chạm bút, nét mặt ông ta lại biến đổi. Lúc thánh thiện, lúc dâm tà, lúc si mê, lúc mưu mô. Phải đến khi cụ nằm mộng thấy ông ta khóc, xin đừng vẽ thêm, thì bức tranh mới dừng lại.

Không phải lúc nào truyền thần cũng dẫn đến sự thật khiến người ta chấp nhận. Có những bức tranh, khi hoàn thành, còn gây ra tranh cãi - không bởi nét bút, mà bởi chính những điều người ta không muốn thừa nhận. Chuyện là một gia đình giàu có ở Hà Đông tìm đến nhà ông nội cụ Đức - cụ Trần Lãn. Họ muốn vẽ lại chân dung cụ tổ đã mất. Không còn tranh họa, chỉ còn lời kể: cụ là một người phúc hậu, từ bi, là địa chủ nhưng thương dân, giấu thóc nuôi người nghèo đói, giúp nghĩa quân…

Họ đưa người hầu già - bà Bảy - đến miêu tả. Bà bảo: “Cụ tổ mặt vuông chữ điền, mắt long lanh như nước giếng, giọng trầm như tiếng chiêng, ai nhìn cũng quý”. Cụ Trần Lãn ngồi nghe rồi bắt đầu phác. Ba ngày, cụ vẽ đôi mắt. Một tuần, cụ xong sống mũi, vầng trán, đôi môi. Bức chân dung hiện lên đúng như lời miêu tả - phúc hậu, uy nghi. Thế nhưng, đêm nọ, cụ lục trong kho cũ của gia tộc, bỗng tìm thấy một bản truyền thần cũ, ghi chú: “Phạm Văn Huy - Chính Hòa nhị niên”. Đúng là cụ tổ họ Phạm. Nhưng gương mặt trong tranh cũ lại lạnh lẽo, mắt gian giảo, sống mũi diều hâu, cằm nhọn như rắn. Không có lấy một nét từ bi. Cụ Lãn hoảng. Sáng hôm sau, cụ lặng lẽ đem cả hai bức tranh đến. Gia chủ nhìn, chối phắt: “Không thể là cụ tổ! Cụ tổ là người tốt! Bà Bảy nói thế mà!”. Cụ chỉ vào bức tranh cũ: “Cái này không phải tôi vẽ. Là người xưa - ông tôi - đã vẽ”. Từ đó, bức tranh cụ Lãn vẽ được lặng lẽ xếp lại, không treo. Gia đình họ Phạm cũng không bao giờ nhắc lại chuyện ấy nữa.

Truyền thần không chỉ là nghề, mà đôi khi là lời nguyền. Chính truyền thần đã đưa gia đình họ Trần đến vinh hoa, nhưng cũng từng đẩy họ vào hiểm họa. Thời chiến tranh loạn lạc, cụ Trần Tạc - bố cụ Trần Đức được dân làng nhờ vẽ truyền thần cho các gia đình có người tử trận. Phần lớn là vẽ từ trí nhớ, từ lời kể. Có đêm, cụ Tạc ngồi giữa căn nhà lá, xung quanh là người vợ già và những bà mẹ ngồi khóc. Người mẹ bảo: “Con tôi mắt một mí, hay cười, răng khểnh”. Có bà lại bảo: “Con tôi có nốt ruồi dưới cằm, nhưng lành, cả xóm thương”. Cụ vẽ, vẽ mãi, vẽ đến quên ăn. Vẽ đến mức không biết ai là thật, ai là bóng.

Một ngày, cụ bỗng tự vẽ một bức chân dung - mà chính cụ không rõ là ai. Gương mặt ấy - lạ lẫm, nhưng ánh mắt như quen thuộc. Cụ vẽ xong, treo lên tường. Ba hôm sau, cụ hóa điên. Mắt luôn nhìn bức tranh. Miệng lẩm bẩm: “Hắn nhìn ta… như ta là kẻ giết hắn…”.

Sau biến cố đó, cụ Tạc không còn cầm bút được nữa. Cụ Đức - con trai cụ - khi ấy mới lên sáu, đã bắt đầu học vẽ. Trong họ Trần, ai cũng bảo: “Thằng Đức là đứa vẽ đẹp nhất sau cụ Miên”.

Cụ Đức kể rằng có người phụ nữ từng đến nhờ cụ vẽ chân dung một người đàn ông - không ảnh, không mô tả cụ thể, chỉ nói: “Ông ấy đã chết trong chiến tranh. Nhưng tôi muốn nhớ đúng thần của ông”.

Cụ Đức vẽ suốt nhiều đêm, nhưng lần nào cũng ra một gương mặt khác nhau. Lúc thì ánh mắt rực lửa, lúc như đang khóc, khi lại rỗng tuếch. Đến lần thứ 7, cụ vẽ ra được một bức chân dung hoàn chỉnh - ánh mắt tĩnh lặng, nụ cười nhẹ như buông bỏ. Người phụ nữ nhìn tranh rất lâu rồi nói: “Cảm ơn ông. Đây mới là người tôi yêu”. Khi cụ hỏi người đàn ông ấy là ai, bà chỉ đáp:

“Là một kẻ từng giết người và cũng từng cứu mạng tôi. Tôi muốn nhớ ông như một con người”...

Một lần khác, cụ Đức được mời đến nhà một ông quan chức về hưu - người từng giữ chức lớn trong ngành Tòa án. Ông không muốn vẽ mình, mà là vẽ... một tử tù. Một tên tướng cướp từng bị ông kết án tử hình. “Tôi nhớ rất rõ mặt hắn”, ông quan về hưu nói, “vì chính hắn đã nhìn tôi chằm chằm khi nghe tuyên án. Nhìn như muốn hỏi: “Liệu ông có thực sự tin mình vô tội?’”...

Cụ Đức vẽ theo lời kể, rồi đối chiếu với bản ảnh cũ mờ nhòe. Khi tranh hoàn thành, ông quan về hưu kia nhìn bức chân dung rất lâu, rồi cười nhạt: “Đáng sợ thật. Hắn nhìn tôi như thể tôi mới là kẻ có tội”. Sau đó, ông gửi cụ Đức một bức thư, ngắn gọn: “Tôi bắt đầu nằm mơ thấy hắn - nhưng lần nào cũng là tôi ngồi ghế bị cáo, còn hắn mặc áo thẩm phán. Có lẽ tôi cần tranh ấy để đối thoại với lương tâm. Ông giữ lại đi. Tôi không dám treo”...

Thời thế đổi thay, nghề truyền thần cũng đổi thay. Người ta không chỉ nhờ vẽ người đã khuất, mà cả người đang sống - vì muốn giữ lại hình hài, hay để ghi danh, cầu uy. Cụ Đức ban đầu từ chối, nhưng rồi cũng phải cầm bút, vì có người không cần nhìn lại - mà muốn thấy trước. Một trong số đó là Lê Ngọc.

Lần đầu gặp Lê Ngọc, hắn là cán bộ to, mới lên chức Giám đốc. Muốn có một bức truyền thần “để đời”. Cụ Đức vẽ. Lúc vẽ xong, nhìn tranh, người đàn ông bật cười khoái chí: mặt vuông, mắt sáng, môi dày, thần thái oai vệ.

Ba năm sau, Ngọc trở lại.

Hắn bảo cụ: “Vẽ lại cho tôi. Tôi vừa được cất nhắc”.

Cụ lại vẽ. Nhưng kỳ lạ thay, lần này nét mặt trở nên nghiêm nghị, mắt sâu hơn, trán u ám. Cụ Đức không thay đổi gì - chỉ vẽ theo cảm giác.

Lần thứ ba, hắn quay lại, nhưng lần này là trong im lặng. Người gầy rộc, hốc mắt trũng sâu, giọng thì thào như gió qua bức rèm: “Vẽ lại tôi lần nữa…”.

Cụ Đức vẽ. Và trong tranh, đôi mắt trống rỗng, như đã không còn tâm trí. Hắn nhìn tranh, thở dài rồi lặng lẽ bước đi.

Một năm sau, người ta nghe tin Lê Ngọc bị bắt vì tham ô, biệt giam cho đến lúc chết.

Ba bức chân dung của hắn - cụ Đức vẫn còn giữ. Ba khuôn mặt, ba “thần sắc” khác nhau - giống ba kiếp người.

Người cháu cuối cùng hỏi cụ Đức:

- Vậy còn bức tranh ông giấu trên gác xép, đôi mắt bị xóa đen là ai?

Cụ Đức lặng im. Rồi sau một hồi lâu, ông kể:

- Đó là chân dung cuối cùng ta vẽ. Của chính… ta.

Ông giải thích rằng trong lần cuối cùng soi gương để vẽ mình, ông không thể vẽ nổi đôi mắt. Bởi ông mang trong mình tất cả những “thần” của người khác: nỗi đau, sự dối trá, lòng nhân từ, phản bội, yêu thương. Không còn biết đâu là mình. Ông sợ nếu vẽ ra, sẽ không còn là con người - mà là một thứ pha trộn, một “ký ức sống” của hàng trăm nhân vật từng hiện diện qua tay ông.

Người cháu im lặng nhìn bức tranh bị vẽ đè mắt. Đêm ấy, trong giấc mơ, cậu thấy những gương mặt cũ từng hiện lên trong tranh - từng ánh mắt, từng nụ cười - như thể chúng đang nhìn lại chính người vẽ.

Cụ Đức không có con nối nghiệp. Trần Duy - cháu cụ, đứa duy nhất biết vẽ - lại chuyển sang làm phim hoạt hình. Nghề truyền thần dần chìm vào quá khứ.

Năm cụ mất, người ta mở rương cũ, thấy gần ba trăm bức chân dung. Không tên. Không tuổi. Không địa chỉ.

Chỉ có đôi mắt dõi theo người xem như đang sống.

Có người bảo, đêm ấy, họ nghe thấy tiếng cụ thì thầm trong phòng tranh: “Vẽ một người là chạm vào linh hồn họ. Còn lưu giữ thần họ… là giữ lấy một phần số mệnh…”.