Hành trang sức khỏe khi đi du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để có một chuyến du lịch trọn vẹn, yếu tố đầu tiên cần quan tâm là sức khỏe. Bảo vệ sức khỏe toàn diện trước và trong chuyến đi là một trong những cách cần thiết để bạn an tâm hơn trong suốt hành trình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuẩn bị hành trang trước chuyến đi

Để chuẩn bị cho một chuyến du lịch, bên cạnh thời gian, tiền bạc,… thì sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, trước những chuyến du lịch, dù ngắn ngày hay dài ngày, trong nước hay ngoài nước thì bạn cũng cần chuẩn bị hành trang sức khỏe thật kỹ lưỡng để có thể tận hưởng một chuyến đi trọn vẹn.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các chuyến du lịch đều có nguy cơ nhiễm hoặc lây lan COVID-19. Chính vì vậy, việc đầu tiên cần làm trước chuyến đi là tìm hiểu tình hình dịch bệnh. Hãy kiểm tra xem COVID-19 có đang lan rộng tại địa phương bạn sinh sống hay địa điểm du lịch sắp đến hay không.

Không đi du lịch nếu bị bệnh hay có bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19 hoặc đã từng có người bị nhiễm COVID-19 trong 14 ngày qua. Đặc biệt, những người có nguy cơ mắc bệnh nặng như người lớn tuổi, người có bệnh nền không nên di chuyển nhiều trong thời điểm dịch bệnh. Với các địa điểm đang bùng phát dịch, hãy cân nhắc việc đổi hoặc tạm hoãn lại chuyến đi để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đối với du lịch trong nước, đọc hoặc nghe tin tức về dịch bệnh trên báo, đài, tivi hay các trang web chính thức của Bộ Y tế, trạm y tế dự phòng tại các địa phương đó. Còn đi du lịch nước ngoài, những thông tin liên quan đến dịch bệnh của các quốc gia sắp đến có thể tìm hiểu trên các trang web như Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ngoài ra, việc tìm hiểu các vấn đề liên quan đến điểm đến như khí hậu, địa hình,... cũng giúp việc chuẩn bị hành lý dễ dàng hơn. Như việc khí hậu nóng hay lạnh, mưa hay nắng, địa hình hiểm trở hay bằng phẳng sẽ giúp chuẩn bị quần áo phù hợp. Tránh trường hợp bị cảm lạnh hay sây sát trong chuyến đi.

Sau khi đã kiểm tra các yếu tố khách quan, nếu vẫn quyết định đi du lịch bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát để đảm bảo tình trạng thể chất lẫn tinh thần tốt nhất. Nhất là những trường hợp mắc bệnh lý mãn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, động kinh, viêm khớp... Hãy nhờ bác sĩ kê đơn thuốc đủ dùng hoặc dư ra vài liều tránh trường hợp gặp khó khăn trong việc mua thuốc ở địa điểm mới đến.

Ngoài ra, hãy hỏi bác sĩ những lưu ý đặc biệt để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ví dụ như người có bệnh tim thì không nên đi những khu vực có núi đồi, những nơi có độ cao vì nồng độ oxy thấp có thể gây khó thở, đau thắt ngực. Hay người bị huyết áp thấp không nên xách đồ quá nặng, không đứng lâu một chỗ,…

Nên tiêm phòng đầy đủ trước khi đi du lịch ít nhất 6 tuần vì có một số loại vaccine không đạt được tác dụng bảo vệ cao nhất cho đến khoảng 6 tuần sau khi tiêm. Tùy theo kế hoạch du lịch sẽ diễn ra ở đâu mà bác sĩ có thể quyết định các loại vaccine phù hợp.

Cuối cùng là chuẩn bị các loại thuốc men cần thiết khi đi du lịch, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” sẽ giúp an tâm hơn. Ngoài những thuốc được bác sĩ kê theo đơn để điều trị tình trạng sức khỏe thì một số loại thuốc khác cũng cần được chuẩn bị đầy đủ như: Thuốc chống say tàu xe, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc dị ứng, thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc bôi ngoài da, băng keo cá nhân, bông gạc, kéo…

Chuẩn bị sẵn các loại thuốc này có thể giúp giải quyết một số bệnh đơn giản dễ bị mắc phải khi thay đổi môi trường, thời tiết như: cảm, nhức đầu, viêm họng,… Tuy là những bệnh đơn giản nhưng trong khi đi du lịch nếu mắc phải sẽ vô cùng khó chịu và làm ảnh hưởng đến chuyến đi.

Việc chuẩn bị hành trang sức khỏe trước chuyến đi không chỉ giúp bản thân chủ động về sức khỏe, hạn chế rủi ro mà còn trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho những chuyến đi sau.

Trang bị đầy đủ thuốc trước khi đi.

Trang bị đầy đủ thuốc trước khi đi.

Những lưu ý về sức khỏe trong chuyến đi

Khi đã chuẩn bị kỹ càng những vấn đề liên quan đến sức khỏe trước khi đi, bạn đã có hành trang vững chắc để yên tâm trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, trong chuyến đi vẫn cần phải lưu ý đến những vấn đề có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Vấn đề thường gặp nhất khi đi du lịch chính là ngộ độc thực phẩm dẫn đến đau bụng, tiêu chảy hay nặng hơn là dị ứng gây ra nhiều bất tiện.Vì vậy hãy chú ý đến vấn đề ăn uống một cách cẩn thận. Đối với những thực phẩm lạ, hãy nếm thử một ít xem có hợp không. Nếu hợp khẩu vị cũng không nên ăn nhiều vì thực phẩm lạ có thể làm đường ruột bạn chưa kịp “thích nghi” khiến đầy bụng, khó tiêu hoặc phản ứng lại bằng tăng nhu động để đào thải chúng ra ngoài.

Chọn những nhà hàng, quán ăn sạch sẽ, có tên tuổi, hạn chế ăn những món ăn đường phố bởi có nhiều nơi quy định về an toàn thực phẩm không được tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu có thể hãy thực hiện theo nguyên tắc “ăn chín uống sôi” tránh các loại gỏi sống, các món ăn tái, chần… để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Luôn có sẵn các sản phẩm men vi sinh hỗ trợ rối loạn tiêu hóa, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc dị ứng… để phòng ngừa bất cứ lúc nào.

Đừng quên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, nhất là khi ở ngoài trời thời gian dài vào những ngày nắng nóng hay tham gia những hoạt động mạnh, tốn sức, cơ thể rất dễ bị mất nước vì đổ mồ hôi nhiều. Luôn mang theo một chai nước để bổ sung đầy đủ lượng nước cho cơ thể trong suốt cả ngày dài vì thiếu nước có thể khiến cơ thể kiệt sức, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chuyến đi.

Với dịch bệnh COVID-19, thói quen rửa tay mọi lúc, mọi nơi là rất cần thiết. Để tiện lợi, hãy để nước rửa tay khô thành vật bất ly thân, để có thể rửa tay mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến nước hay xà phòng. Trong suốt chuyến đi sẽ tiếp xúc với rất nhiều người, chạm vào nhiều nơi có thể là nguồn lây nhiễm như tay nắm cửa, bàn ghế,… Nước rửa tay sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng, vi khuẩn, đặc biệt là trước hoặc sau bữa ăn.

Luôn bảo vệ làn da của mình trong mọi trường hợp. Khi đi du lịch, thời gian làn da tiếp xúc với ánh nắng, khói bụi sẽ rất dài, nhất là ở những vùng nắng nóng chỉ số UV sẽ rất cao. Hãy luôn thoa kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 15, thoa lại sau mỗi hai giờ nếu có thể để đảm bảo hiệu quả chống nắng tốt nhất. Nên nhớ dù trong thời tiết âm u thì tia tử ngoại vẫn sẽ gây hại cho làn da của bạn.

Thêm vào đó, cần bảo vệ làn da trước côn trùng và động vật cắn có thể gây đau đớn, dị ứng, hoặc gây nhiễm bệnh. Một số vết đốt hoặc cắn cũng truyền bệnh như sốt rét và bệnh dại. Hãy phòng tránh côn trùng và động vật cắn trong khi bạn đi du lịch bằng cách tuân theo một số quy tắc đơn giản: dùng thuốc chống côn trùng bôi ngoài da, chọn chỗ ở khép kín, có màn chắn ở cửa sổ, mặc quần áo dài khi tham gia các hoạt động ở núi, rừng,…

Khi đi đến các địa điểm khác biệt về múi giờ hay trải qua thời gian dài di chuyển có thể dẫn đến tình trạng bị mệt mỏi. Các dấu hiệu phổ biến nhất của mệt mỏi là phờ phạc, nhức đầu, khó ngủ và không ngon miệng. Để phục hồi sức khỏe hãy cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi ngay ngày đầu tiên sau khi đến.

Quan trọng nhất là nghỉ ngơi điều độ trong suốt hành trình. Nên có chế độ ngủ nghỉ hợp lý, không nên ham chơi, ham vui mà không ngủ nghỉ, ăn uống đầy đủ và đúng giờ. Khi cơ thể đã mệt lả nhưng vẫn cố sức hoạt động sẽ khiến cơ thể yếu đi nhanh chóng, dễ mắc bệnh hơn. Hãy lắng nghe cơ thể bạn, bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý để luôn tươi tỉnh và sẵn sàng cho mọi hành trình.

Đọc thêm