Hành trình nghệ thuật của vua Hàm Nghi

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Sáng 26/3, trong khuôn khổ triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” tại Huế, Viện Pháp tại Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm về đời sống mỹ thuật của vua Hàm Nghi – một nhân vật lịch sử đặc biệt của Việt Nam.

Tọa đàm trong khuôn khổ dự án triển lãm "Trời, Non, Nước | Allusive Panorama" diễn ra tại Huế.
Tọa đàm trong khuôn khổ dự án triển lãm "Trời, Non, Nước | Allusive Panorama" diễn ra tại Huế.

Sự kiện này cũng được diễn ra đồng thời với khoảng thời gian Huế vinh dự đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, kết hợp với Festival Huế 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố Huế (26/03/1975 - 26/03/2025) và chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo TS Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tại Huế, sự kiện là cơ hội cho công chúng quan tâm tới lịch sử và nghệ thuật ở Huế mở rộng phạm vi nhìn nhận về vua Hàm Nghi, một nhân vật lịch sử có cả vai trò chính trị và văn hóa.

Buổi tọa đàm đã đi sâu vào cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước bị lưu đày sang Algeria.
Buổi tọa đàm đã đi sâu vào cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước bị lưu đày sang Algeria.

Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, là Hoàng đế thứ 8 của Vương triều Nguyễn. Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành và ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên chống Pháp xâm lược.

Vua Hàm Nghi vì lòng yêu nước và tinh thần chống thực dân Pháp đã bị bắt và lưu đày sang Algiers (Algeria) vào ngày 25/11/1888 khi mới 17 tuổi. Dù bị giam hãm nơi đất khách, ông không ngừng tìm kiếm lối đi cho tâm hồn mình. Tại đây, từ năm 1889, ông theo học hội họa với họa sĩ Marius Reynaud, rồi tiếp tục trau dồi nghệ thuật điêu khắc từ năm 1895.

Lấy nghệ danh Tử Xuân, vua Hàm Nghi phát triển phong cách sáng tác mang dấu ấn của Trường Mỹ thuật Paris, biến nghệ thuật thành phương tiện thể hiện tâm tư và bản lĩnh của một vị vua mất nước.

Vua Hàm Nghi là một trong hai họa sĩ Việt đầu tiên được đào tạo sáng tác theo phương pháp hàn lâm Tây phương, đóng vai trò tiên phong của mỹ thuật hiện đại trong nước. Tranh của ông là sự kết hợp giữa tài năng hội họa và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương lẫn sự phản kháng ngầm trước những áp bức, trong thời gian bị Pháp lưu đày.

Tại tọa đàm, các khách mời đã có cơ hội nghe các diễn giả chia sẻ về bối cảnh lịch sử và sự lưu đày, điều kiện sống và giám sát tại Algeria của ông, thời gian học hội họa và kết nối nghệ thuật cũng như di sản nghệ thuật mà Vua Hàm Nghi đã để lại cho lịch sử nghệ thuật của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Buổi tọa đàm đã đi sâu vào cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước bị lưu đày. Tại nơi lưu vong, ông đã biến hội họa thành niềm đam mê và phương tiện để thể hiện khát vọng tự do.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng mang đến cho khán giả những câu chuyện về quá trình nghiên cứu, thực hiện triển lãm và những góc nhìn đa chiều từ góc độ liên ngành.

Tiến sĩ Amandine Dabat, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

Tiến sĩ Amandine Dabat, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

Trước đó, vào ngày 24/3, tại Điện Kiến Trung - Đại Nội Huế, triển lãm hội họa đặc biệt mang tên “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” đã chính thức khai mạc. Đây là triển lãm mỹ thuật đầu tiên tại Việt Nam của cựu hoàng Hàm Nghi, với 21 tác phẩm hội họa lần đầu trở về cố hương. Triển lãm quy tụ các bức tranh phong cảnh sơn dầu nguyên bản do vua Hàm Nghi sáng tác trong những năm bị lưu đày, với quy mô lớn nhất cho tới nay.

Một số bức tranh của vua Hàm Nghi tại triển lãm "Trời, non, nước" ở Huế.
Một số bức tranh của vua Hàm Nghi tại triển lãm "Trời, non, nước" ở Huế.

Diễn ra từ 24/03 đến 06/04, triển lãm không chỉ tái hiện hành trình nghệ thuật của một tâm hồn xa xứ, mà còn là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, nơi hội họa kể lại những ký ức bị thời gian vùi lấp.

Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: “Chuyến hồi cố hương của các tác phẩm nghệ thuật được sáng tác bởi vua Hàm Nghi tại điện Kiến Trung không chỉ là một cuộc hội ngộ đầy xúc cảm giữa nghệ thuật và lịch sử, mà còn là lời tri ân sâu lắng gửi đến vị vua bị lưu đày nhưng không lạc mất hồn quê”.

Đọc thêm