Hành trình từ lò mổ đến mái ấm bình yên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc hai cơ sở kinh doanh chó lấy thịt ở Thái Nguyên tự nguyện đóng cửa được xem là một dấu hiệu tích cực đối với nỗ lực loại bỏ việc tiêu thụ thịt chó, mèo tại Việt Nam. Điều này cũng mang đến cơ hội sống thứ hai cho hơn 50 chú chó trong cuộc giải cứu lần này.
Hơn 50 chú chó được chuyển lên xe giải cứu, chuẩn bị đưa về trạm cứu hộ. (Ảnh trong bài: PV)
Hơn 50 chú chó được chuyển lên xe giải cứu, chuẩn bị đưa về trạm cứu hộ. (Ảnh trong bài: PV)

HSI và chiến dịch giải cứu chó

Trở lại Thái Nguyên vào một ngày tháng 6 mưa phùn, đây đã là lần thứ tư phóng viên có cơ hội quay lại nơi đây để thực hiện một điều vô cùng đặc biệt. Đó là cùng tổ chức Humane Society International (HSI) tại Việt Nam tham gia vào hành trình đóng cửa hai cơ sở kinh doanh chó lấy thịt và giải cứu hơn 50 chú chó. Đây là thành quả đến từ nỗ lực chung giữa chính quyền và tổ chức HSI nhằm nâng cao phúc lợi động vật đồng hành, giảm thiểu tình trạng buôn bán thịt chó ở Thái Nguyên, góp phần giảm trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Đại diện HSI cho biết, chủ của hai cở sở, nơi những chú chó được mua từ các khu vực lân cận và được vỗ béo trong nhiều tuần trước khi bị giết thịt, có kế hoạch chuyển đổi sinh kế sang bằng việc mở cửa hàng cung cấp nông sản và một cơ sở trồng trọt quy mô nhỏ. Sau thời gian suy nghĩ, quyết tâm chuyển đổi, những người chủ của 2 cơ sở này đã chủ động liên hệ đội giải cứu đến đưa đàn chó đi để bỏ nghề, bắt đầu một cuộc sống mới.

Khởi hành, địa điểm chúng tôi đến là nhà của anh Trần Lê Hậu (TP Phổ Yên), đi theo đoàn, ngoài các thành viên, chuyên gia của tổ chức HSI còn có Cục Thú y tỉnh Thái Nguyên và Đồng Nai, Chi cục Chăn nuôi, Khoa Chăn nuôi Thú y - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và các phóng viên báo chí. Ngay khi cả nhóm bước chân vào đã thấy anh Hậu ngồi chờ sẵn, bàn ghế, nước uống và hoa quả được bày ra để tiếp đón. Có lẽ anh Hậu coi chúng tôi là những người khách quý đến thăm nên mới nồng nhiệt chào đón như vậy.

Việc đầu tiên khi đến nơi, chúng tôi không vội ngồi nghỉ mà đi men theo con đường nhỏ để tiến vào quan sát mô hình trại chó của gia đình anh Hậu. Mùi của động vật là những gì đầu tiên tôi cảm nhận thấy, ngày hôm ấy trời mưa ẩm ướt nên mùi lại càng rõ rệt. Tiếp theo là thanh âm chó sủa, những chú chó gồm cả chó bé lẫn chó lớn thấy người lạ liền nhao nhao lên sủa và gầm gừ, đứa nào, đứa nấy nhảy kiễng chân thò mặt ra. Có khoảng 5 - 6 chú chó bị nhốt trong cùng một chuồng, gọi là chuồng nhưng không phải chuồng chó như mọi người hay nghĩ mà giống như chuồng nuôi lợn xây bằng xi măng, bên trong mỗi chuồng đặt máng ăn tự động cho lợn.

Sau khi tham quan một lượt, chúng tôi có dịp ngồi xuống trò chuyện với anh Hậu, anh cho biết đã làm công việc nuôi chó lấy thịt khoảng 6 năm, có những đợt cơ sở anh chăn nuôi đến 100 chú chó, thu nhập trung bình một tháng rơi vào khoảng 30 - 40 triệu đồng. Đối với gia đình anh Hậu, thu nhập nói trên rất tốt nhưng đến nay anh không còn muốn tham gia nghề nữa. Được biết, sau khi chuyển đổi, anh Hậu mở một cửa hàng cung cấp vật tư nông nghiệp tại địa phương, cung cấp hạt giống và phân bón cho trồng trọt. Tuy hiện nay mô hình kinh doanh mới thu nhập chưa cao nhưng anh vẫn quyết định đổi nghề.

Về lý do, anh Hậu cho biết: “Mặc dù việc kinh doanh, buôn bán chó thịt rất có lãi từ khi tôi mới bắt đầu nhưng tôi không còn muốn tham gia vào hoạt động này nữa. Trong quá trình nuôi tôi nhận thấy có nguy cơ mắc các bệnh về động vật, nguy hiểm nhất là bệnh dại có thể lây cho gia đình hoặc cộng đồng. Thứ nữa, hàng ngày vuốt ve, ôm nó, nó ở gần mình xong một vài bữa nó lớn bắt nó bán cho người ta thịt cảm thấy rất thương nên thôi quyết định không làm nữa”.

Tại trạm cứu hộ, hàng trăm chó, mèo được trao cơ hội sống thứ hai.

Tại trạm cứu hộ, hàng trăm chó, mèo được trao cơ hội sống thứ hai.

Tại cơ sở chăn nuôi của anh Trần Lê Hậu, hơn 30 chú chó được các chuyên gia của tổ chức HSI tiếp cận và giải cứu rất bài bản. Đồng thời, các sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên được các chuyên gia hướng dẫn cách thuần phục những chú chó sao cho tránh bị cắn, thuận lợi cho công tác giải cứu. Đàn chó được đưa vào những chiếc chuồng chó đúng nghĩa rồi chuyển lên xe giải cứu, chuẩn bị đưa về trạm cứu hộ.

Khi đến với địa điểm thứ hai, tại gia đình ông Phạm Dũng (TP Thái Nguyên) chúng tôi cũng có những cảm nhận tương tự ở địa điểm thứ nhất. Có lẽ vì là chăn chó lấy thịt nên phúc lợi động vật ở những nơi này không được chú trọng. Tại đàn chó nhà ông Dũng, khoảng 20 chú chó, chủ yếu là chó con cũng đã được tổ chức HSI giải cứu.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, ông Dũng kể, hơn bảy năm trước ông bắt đầu dấn thân vào nghề chăn nuôi chó lấy thịt, nguyên do cũng vì đồng tiền. Có thời điểm số lượng đàn chó nhiều nhất lên đến cả trăm con. Ngày tháng cứ trôi, sau thời gian dài tham gia cung cấp chó cho các nhà hàng và lò mổ đã gây nhiều vấn đề về tâm lý cho ông và khiến ông cảm thấy vô cùng hối hận.

Ông Dũng bày tỏ: “Tôi mong muốn từ bỏ nghề buôn bán thịt chó và chuyển sang trồng trọt. Việc trồng cây và kinh doanh liên quan đến sản phẩm trồng trọt sẽ tôi cảm thấy bình yên hơn nhiều so với việc nuôi chó lấy thịt và chắc chắn sẽ giúp tinh thần của tôi được cải thiện tốt hơn, khi biết rằng mình không còn gây ra bất kỳ sự đau khổ nào cho những chú chó đáng thương nữa. Ngoài vấn đề về tinh thần, việc chấm dứt nuôi chó thịt cũng giúp bản thân tôi và gia đình tránh được nguy cơ mắc bệnh dại nguy hiểm nên tôi và cả gia đình đều rất vui vì quyết định này”.

Nơi được trao cơ hội sống thứ hai

Thuộc chương trình “Mô hình chuyển đổi”, đây đã là cơ sở kinh doanh thứ 4 và thứ 5 được HSI Việt Nam giúp đóng cửa nhằm chấm dứt buôn bán thịt chó, giúp cộng đồng chuyển đổi sinh kế khỏi hoạt động buôn bán thịt chó nguy hiểm và vô nhân đạo. Trước đó, kể từ cuối năm 2022, HSI đã đóng cửa ba cơ sở kinh doanh chó và một cơ sở kinh doanh mèo lấy thịt, giúp cho hàng trăm cá thể chó, mèo được giải cứu.

Cũng giống như những lần trước, sau khi được giải cứu, đàn chó được vận chuyển đến trạm cứu hộ động vật thuộc Khoa Chăn nuôi Thú y - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Tại đây, các cá thể sẽ được sinh viên, giảng viên, chuyên gia y tế của trường tiến hành tiêm phòng bệnh dại và được chăm sóc y tế, phục hồi sức khỏe trước khi được nhận nuôi tại địa phương.

Về điều kiện nhận nuôi, TS. Phan Thị Hồng Phúc, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y cho biết: “Khi đến trạm cứu hộ người nhận nuôi sẽ có cuộc phỏng vấn nhỏ để xem họ nhận nuôi bằng tâm thế yêu thương động vật hay không. Qua đó có phiếu khảo sát, tìm hiểu về gia cảnh, vị trí của chủ mới như điều kiện sân chơi, khoảng cách đảm bảo,… Khi đáp ứng đủ các yếu tố, cần cam kết của chủ mới, trong quá trình nhận nuôi cán bộ của trạm vẫn thường xuyên tương tác, liên hệ với chủ mới để theo dõi, quan sát các vấn đề sức khoẻ có thể xảy ra với chó, mèo và kịp thời hỗ trợ”.

Nói về một trong những lần nhận nuôi đáng nhớ nhất, bà Thẩm Hồng Phượng - Giám đốc Quốc gia của HSI tại Việt Nam nhớ về trường hợp của một anh người khuyết tật, anh có một chú chó làm bạn nhưng buồn thay chú chó của anh bị thất lạc. Anh đã bỏ công, bỏ việc để đi tìm chú chó của mình và khi nghe đến trạm cứu hộ anh hy vọng sẽ tìm được chú chó. Anh đã đứng hàng giờ trước cổng trạm, sau đó được biết trạm sẽ cho nhận nuôi chó, dù có thể không phải chú chó bị thất lạc anh vẫn đăng ký với mong muốn có thêm một người bạn.

“Ngay lập tức chúng tôi cảm nhận được đây là một người yêu chó thật lòng và lưu lại số liên hệ, đến khi chó đủ sức khoẻ, đủ điều kiện chuyển giao cho anh. Đến bây giờ chúng tôi vẫn liên lạc với anh, thỉnh thoảng đến thăm để biết tình trạng sức khoẻ của chú chó”, bà Thẩm Hồng Phượng chia sẻ.

Có thể nói, những chuyến giải cứu do HSI Việt Nam tổ chức đã đem đến cơ hội sống thứ hai cho hàng trăm chó, mèo. Không chỉ vậy, cùng với sự đồng hành của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên toàn bộ chó, mèo đã có được mái ấm bình yên của riêng mình, nơi mà các em có thể yên tâm vui đùa, chạy nhảy và được yêu thương bởi chủ mà không cần lo lắng về việc sẽ bị bắt để làm món ăn ở bất kỳ nhà hàng hay quán ăn nào.

Đọc thêm