Viết tiếp hành trình giải cứu chó mèo cùng chương trình 'Mô hình chuyển đổi'

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Mới đây, “Mô hình chuyển đổi” triển khai tại Thái Nguyên đã giúp đóng cửa cơ sở thứ 4 và thứ 5 kinh doanh chó, mèo lấy thịt, giải cứu hơn 50 chú chó; đưa tổng số chó, mèo được giải cứu lên hơn trăm cá thể. Chương trình tiếp tục mang “sứ mệnh” nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành, đẩy lùi bệnh dại tại hai tỉnh Thái Nguyên và Đồng Nai...

Nhằm ủng hộ chiến dịch Ngừng kinh doanh, buôn bán, giết mổ thịt chó mèo của Humane Society International (HSI) tại Việt Nam, ông Phạm Dũng và anh Trần Lê Hậu, chủ của hai cở sở kinh doanh chó, mèo lấy thịt tại Thái Nguyên đã liên hệ HSI Việt Nam. Hai ông mong muốn tham gia chương trình “Mô hình chuyển đổi – Models for change”, từ đó nhận được sự vận động, hỗ trợ để đóng cửa cơ sở chăn nuôi - nơi những con chó được mua từ các khu vực lân cận và được vỗ béo trong nhiều tuần trước khi bị giết thịt.

Cơ sở chăn nuôi chó lấy thịt của anh Trần Lê Hậu (Ảnh-HSI).
Cơ sở chăn nuôi chó lấy thịt của anh Trần Lê Hậu (Ảnh-HSI).

Ngày 5/6, HSI Việt Nam cùng với các cán bộ chuyên môn trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã tiến hành giải cứu hơn 50 con chó tại hai cơ sở trên.

Tại cơ sở chăn nuôi của anh Trần Lê Hậu, số lượng chó còn khoảng 30 con, gồm cả chó trưởng thành và chó con nuôi theo kiểu công nghiệp. Anh Hậu cho biết có những đợt cơ sở anh chăn nuôi đến 100 con chó, thu nhập trung bình một tháng rơi vào khoảng 30-40 triệu đồng.

Sau khoảng 6 năm làm công việc nuôi chó thịt, anh Hậu mong muốn dừng lại để mở một cửa hàng cung cấp vật tư nông nghiệp tại địa phương, cung cấp hạt giống và phân bón cho trồng trọt. Tuy hiện nay mô hình kinh doanh mới thu nhập chưa cao nhưng anh vẫn quyết định đổi nghề. “Mặc dù việc kinh doanh buôn bán chó thịt rất có lãi từ khi tôi mới bắt đầu nhưng tôi không còn muốn tham gia vào hoạt động này nữa. Tôi biết sự nguy hiểm của bệnh dại và các bệnh khác và tôi không muốn điều đó xảy ra với gia đình hoặc cộng đồng của mình," anh Hậu chia sẻ.

Tương tự, ông Phạm Dũng, chủ cơ sở nuôi chó lấy thịt đã được 7 năm có kế hoạch chuyển đổi sinh kế sang việc mở cửa hàng cung cấp nông sản. Chia sẻ với HSI Việt Nam, ông Dũng cho biết sau thời gian dài tham gia cung cấp chó cho các nhà hàng và lò mổ đã gây nhiều vấn đề về tâm lý cho ông và khiến ông cảm thấy vô cùng hối hận.

Những con chó được mua từ các khu vực lân cận và được vỗ béo trong nhiều tuần trước khi bị giết thịt (Ảnh-PV).

Những con chó được mua từ các khu vực lân cận và được vỗ béo trong nhiều tuần trước khi bị giết thịt (Ảnh-PV).

Ông Dũng bày tỏ: “Tôi mong muốn từ bỏ nghề buôn bán thịt chó và chuyển sang trồng trọt. Việc trồng cây và kinh doanh liên quan đến sản phẩm trồng trọt sẽ tôi cảm thấy bình yên hơn nhiều so với việc nuôi chó lấy thịt và chắc chắn sẽ giúp tinh thần của tôi được cải thiện tốt hơn, khi biết rằng mình không còn gây ra bất kỳ sự đau khổ nào cho những chú chó đáng thương nữa. Ngoài vấn đề về tinh thần, việc chấm dứt nuôi chó thịt cũng giúp bản thân tôi và gia đình tránh được nguy cơ mắc bệnh dại nguy hiểm nên tôi và cả gia đình đều rất vui vì quyết định này”.

Các chuyên gia HSI di chuyển các chú chó được giải cứu lên xe (Ảnh-PV).

Các chuyên gia HSI di chuyển các chú chó được giải cứu lên xe (Ảnh-PV).

Đàn chó được trao cơ hội sống thứ hai, lên xe về Trạm cứu hộ (Ảnh- PV).

Đàn chó được trao cơ hội sống thứ hai, lên xe về Trạm cứu hộ (Ảnh- PV).

Theo HSI, hầu hết chó bị giết để lấy thịt ở Việt Nam là được nuôi từ các hộ gia đình nhỏ lẻ, chó bị đánh cắp hoặc chó hoang bị bắt trên đường phố bằng mồi độc, súng điện, kìm hoặc dây thừng. Một số khác được buôn lậu bằng xe tải và xe buýt từ các nước xung quanh như Campuchia. Tại các điểm "nóng" về thịt chó, những con chó con bị vận chuyển bởi những lái buôn bằng xe máy trong các lồng sắt chật hẹp, di chuyển hàng giờ đồng hồ từ vùng này qua vùng khác đến và đi từ những cơ sở như của ông Dũng và anh Hậu để vỗ béo, nhiều con chó bị mất nước, ngạt thở, say nắng, thậm chí tử vong trên đường di chuyển.

Chuyến giải cứu do HSI Việt Nam tổ chức đã đem đến cơ hội sống thứ hai cho hơn 50 chú chó tại hai cơ sở chăn nuôi tập trung. Ngay sau khi được giải cứu, chúng được vận chuyển đến trạm cứu hộ động vật thuộc Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Tại đây, các cá thể sẽ được tiêm phòng bệnh dại và được chăm sóc y tế, phục hồi sức khỏe trước khi được nhận nuôi tại địa phương.

Sau khi chuyển đến Trạm cứu hộ, đàn chó được phân loại, tiêm phòng bệnh dại, chăm sóc y tế và phục hồi sức khỏe (Ảnh-PV).

Sau khi chuyển đến Trạm cứu hộ, đàn chó được phân loại, tiêm phòng bệnh dại, chăm sóc y tế và phục hồi sức khỏe (Ảnh-PV).

Bà Lola Webber, chuyên gia cấp cao về Thịt chó và mèo của HSI, cho biết: “Dự án Mô hình chuyển đổi của chúng tôi là một trong những nỗ lực rất quan trọng nhằm hướng tới lệnh cấm buôn bán trên cả nước sở tại, song song với các chiến dịch tiêm phòng cho chó, thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc ngừng hoạt động buôn bán tàn nhẫn và nguy hiểm này. 50 chú chó con mà chúng tôi giải cứu từ hai cơ sở này đã rất may mắn khi thoát khỏi nạn buôn bán thịt chó tàn bạo và chúng tôi mong muốn được nhìn thấy chúng bắt đầu một cuộc sống mới đầy tình yêu thương.”

Bà Lola Webber mong muốn được nhìn thấy đàn chó bắt đầu một cuộc sống mới đầy tình yêu thương (Ảnh-PV).

Bà Lola Webber mong muốn được nhìn thấy đàn chó bắt đầu một cuộc sống mới đầy tình yêu thương (Ảnh-PV).

Trước đó, vào tối 4/6, HSI đã Khai mạc Khoá tập huấn Nâng cao năng lực triển khai các dự án phúc lợi động vật đồng hành và kiểm soát bệnh dại cho các đối tác địa phương tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ của Dự án “hợp tác thúc đẩy phúc lợi đồng vật đồng hành và tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo trên địa bàn Thái Nguyên”, đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên phê duyệt, với HSI là đơn vị tài trợ và Chi cục Chăn nuôi, Thú Y và Thuỷ sản làm chủ dự án. Chương trình có sự tham dự của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Cục Thú y tỉnh Thái Nguyên và Đồng Nai cũng như Chi Cục Chăn nuôi.

Khoá tập huấn Nâng cao năng lực triển khai các dự án phúc lợi động vật đồng hành và kiểm soát bệnh dại cho các đối tác địa phương tại Việt Nam (Ảnh-HSI).

Khoá tập huấn Nâng cao năng lực triển khai các dự án phúc lợi động vật đồng hành và kiểm soát bệnh dại cho các đối tác địa phương tại Việt Nam (Ảnh-HSI).

Tại buổi khai mạc, ông Vũ Đức Hảo - phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về hiệu quả của dự án: “Trong thời gian qua được sự quan tâm của tổ chức HSI, sự đồng tình ủng hộ của UBND tỉnh Thái Nguyên, tổ chức HSI đã thực hiện thành công dự án thí điểm chuyển đổi từ hộ kinh doanh giết mổ chó mèo sang loại hình kinh tế khác và kết quả của hoạt động hỗ trợ đã đạt được hiệu quả nhất định.”

Ông Vũ Đức Hảo - Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về sự hiệu quả của dự án (Ảnh-HSI).

Ông Vũ Đức Hảo - Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về sự hiệu quả của dự án (Ảnh-HSI).

Thông qua khoá tập huấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên mong muốn, các chuyên gia của HSI với những kinh nghiệm chuyên sâu về chuyên môn thú y, công tác cứu hộ và quản lý trạm cứu hộ sẽ chuyển tải, đào tạo lực lượng nòng cốt nhằm triển khai dự án tại tỉnh Thái Nguyên và Đồng Nai đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, ông đề nghị các học viên tích cực học hỏi, tăng cường trao đổi và nâng cao kiến thức, góp phần tăng hiệu quả triển khai dự án trên địa bàn, qua đó bảo vệ sức khỏe cho đàn chó mèo nuôi cũng như bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con người.

HSI với “sứ mệnh” nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành, đẩy lùi bệnh dại (Ảnh-PV).

HSI với “sứ mệnh” nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành, đẩy lùi bệnh dại (Ảnh-PV).

Tại đây, HSI cũng trình bày mối liên hệ mật thiết giữa việc buôn bán thịt chó và sự lây lan của bệnh dại chết người đã được xác định rõ ràng và lấy đó làm động lực thuyết phục để chấm dứt hoạt động buôn bán này tại Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, HSI đã ký thoả thuận ba năm với chính quyền Đồng Nai và Thái Nguyên, bao gồm chương trình "Mô hình chuyển đổi" – giúp các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo chuyển đổi sinh kế, chương trình tiêm phòng dại, quản lý vận chuyển đàn chó và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc ngừng tiêu thụ thịt chó và mèo, đồng thời vận động thực thi pháp luật về hoạt động chống buôn bán chó, mèo.