Lý giải việc Vinalines mua và nhập ụ nổi không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đối với “tàu biển”, đại diện VKS phát biểu: “Không nên bàn nhiều, tranh cãi nhiều về ụ nổi hay tàu biển, ai cũng hiểu rồi. Vấn đề là Nhà nước quản lý cái ụ nổi này như thế nào?. Chẳng lẽ nó vào Việt Nam mà không có chế tài để quản lý à?”.
Đại diện VKS cho rằng, ụ nổi khi nhập, sử dụng ở Việt Nam thì bị quản lý, điều chỉnh bằng luật Hàng hải. Viện tiêu chuẩn chất lượng khoa học Việt Nam đã trả lời, ụ nổi được quản lý theo những quy phạm pháp luật về tàu biển. Ụ nổi này phải tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng của tàu biển, quy định tại Nghị định 49/2006. Các bị cáo mua, nhập ụ nổi không đủ tiêu chuẩn, chưa có quyết định phê duyệt là đã cố ý làm trái, không thể bảo là “thiếu trách nhiệm” vì trước đó, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo rõ phải làm các thủ tục.
Bác bỏ lời chối tội của 3 bị cáo nguyên là Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, đại diện VKS cho rằng, các bị cáo này đã không làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình.
“Là lính canh, ngăn cản hàng hóa không đạt chất lượng xâm nhập vào Việt Nam nhưng các bị này không tuân thủ các quy định, bỏ qua các Giấy phép cần thiết. Nếu bảo đó là ụ nổi hoạt động bình thường thì tại sao bây giờ lại thành đống sắt vụ như vậy, không thể sửa chữa, khắc phục và Vinalines đang muốn bán thanh lý để thu hồi vốn. Thiệt hại rõ rồi, không chỉ như trong Cáo trạng mà đến nay phải hơn rồi. Mỗi tháng phải chi thêm 1 tỷ đồng tiền bến bãi, bảo vệ”, đại diện VKS phát biểu.
Lý giải về thủ tục tương trợ tư pháp, đại diện VKS cho biết: “CQĐT đã làm nhưng chưa được phía nước ngoài trả lời. Nhưng vì tiến độ vụ án và vụ án cũng đã đủ cơ sở, đủ chứng cứ. Vụ án này không chỉ chấm dứt ở đây mà sẽ còn tiếp tục làm rõ. Tuy Việt Nam và Singapore chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp nhưng hiện đã có Hiệp định tương trợ tư pháp trong ASEAN rồi. Việt Nam và Singapore đều đã tham gia”.
Làm rõ về khoản tiền tham ô 1,666 triệu USD, đại diện VKS cho biết: “Chứng từ chuyển tiền từ Cty AP (Singapore) cho Cty Phú Hà ghi rõ ràng là tiền liên quan đến ụ nổi 83M. Còn trước đó, giữa Cty AP và Cty Global Success (Nga) ký hợp đồng thỏa thuận bán ụ nổi tới Việt Nam và thỏa thuận ăn chia số tiền bán ụ nổi, trong đó có nội dung chuyển 1,666 triệu USD cho bên thứ 3 về Việt Nam. Đây là tài liệu do Liên bang Nga xác định, chuyển cho Việt Nam. Nó phù hợp lời khai nhận của Trần Hải Sơn về việc thỏa thuận với ông God chuyển tiền về Việt Nam qua tài khoản với Cty Phú Hà. Thế thì không phải tiền lại quả thì là gì?".
Bổ sung thêm một số tình tiết khác, KSV cho rằng, thực tế thì tiền đã chuyển về. Lời khai của Sơn phù hợp với lời khai của các nhân chứng khác về việc chuyển tiền, chuyển khoản, đi đưa tiền cho Dũng, Phúc…, nên đủ cơ sở xác định Dũng, Phúc đã nhận mỗi người 10 tỷ. Điều này phù hợp với lời khai của Dũng về việc bị cáo này có quan hệ mật thiết với ông Goh và được ông này có nhờ giúp bán ụ nổi cho Vinalines, phù hợp với việc Dũng nhận được tiền, mang đi mua 2 căn nhà. Số tiền lớn này, với công chức như Dũng không thể có được.
Phát biểu kết luận, KSV còn đề nghị “hành vi bỏ trốn của Dương Chí Dũng phải bị coi là 1 tình tiết tăng nặng khi xác định hình phạt”.