Hành vi cản trở lối đi chung bị xử lý thế nào?

(PLVN) -  Bà Hoàng Thanh Thủy, trú tại Hà Nội cho biết, năm 2020 bà có mua một mảnh đất tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội và đã làm thủ tục xin giấy phép xây dựng để xây nhà ở. Tuy nhiên, khi bắt đầu tiếp nhận chuyển nhượng thì hàng xóm đã chặn ngách đi chung với ý định không cho xe chở xây dựng đi qua và không cho gia đình bà mở cửa ra ngõ.

Theo bà Thủy, bà đã làm đơn lên UBND phường và chính quyền địa phương cũng đã đứng ra hòa giải nhiều lần giữa hai bên. Tại buổi làm việc, UBND phường cũng khẳng định nhà bà Thủy có quyền mở cửa ra ngõ theo đúng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp nhưng những gia đình hàng xóm vẫn cố tình ngăn cản gây rối. Vậy, hành vi bịt lối đi chung của hàng xóm bà Thủy sẽ bị xử lý thế nào?

Theo Luật sư, trường hợp bị bịt lối đi chung, bà Thủy có thể khởi kiện ra tòa. Ảnh minh họa

Luật sư Phạm Ngọc Đạt (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rất rõ về quyền về lối đi qua của người dân. Cụ thể, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

Chính vì thế, trong trường hợp các gia đình hàng xóm có hành vi bịt lối đi chung thì bà Thủy có thể làm đơn phản ánh đến chức năng có thẩm quyền giải quyết cụ thể là UBND phường sở tại. UBND phường phải tiến hành hòa giải và làm biên bản kết quả hòa giải theo quy định tại Điều 201 Luật Đất đai 2013. Nếu hòa giải không được, UBND phường có thể ra quyết định xử phạt đối với các đối tượng có hành vi gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

Cụ thể, theo Điều 16 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, cơ quan chức năng sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Các đối tượng vi phạm cũng phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì bà Thủy có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lấn chiếm đất thuộc phần ngõ đi chung. Theo quy định tại Điều 35, Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015, đối với tranh chấp liên quan đến lấn chiếm lối đi chung thì tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp. Nếu việc bịt ngõ có gây ra thiệt hại và chứng minh được thiệt hại đó thì bà Thủy cũng có thể yêu cầu tòa án giải quyết việc bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.

Đọc thêm