Cách đây ít lâu, chúng tôi đã được nhân viên trang web spyphonevn.com giới thiệu các dịch vụ theo dõi điện thoại từ xa, bao gồm: thống kê cuộc gọi, ghi âm cuộc gọi, sao lưu tin nhắn, định vị vị trí, xem quá trình di chuyển, lịch sử duyệt web, thống kê danh bạ, sao lưu hình ảnh, sao lưu video, ghi âm xung quanh, nghe live…
Kinh doanh bất chấp đạo đức
Theo lời nhân viên này, Spyphone - phần mềm theo dõi điện thoại được thiết kế để sao lưu dữ liệu điện thoại, giám sát nhân viên, quản lý con cái, trẻ em hoặc những người thân trên một thiết bị di động hoặc điện thoại thông minh mà bạn sở hữu hoặc có sự đồng ý thích hợp để theo dõi.
Khi thấy chúng tôi thắc mắc về việc “được yêu cầu thông báo cho chủ sở hữu và người sử dụng các thiết bị theo dõi rằng họ đang bị theo dõi”, nhân viên này nói rằng khách hàng được yêu cầu chủ động thông báo, nhưng không giải đáp trong trường hợp khách hàng không thông báo thì đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ ứng xử như thế nào.
Sáng qua, trên website spyphonevn.com, phần giới thiệu phần mềm nghe lén điện thoại từ xa – được gọi là “chức năng nổi bật nhất của phần mềm spyphone” - mô tả giúp khách hàng “tham gia vào cuộc đàm thoại mà chiếc điện thoại mục tiêu đang thực hiện cuộc gọi đến hoặc cuộc gọi đi, nhận thông báo, ghi âm tất cả các cuộc gọi hay videocall một cách bí mật mà không thể bị phát hiện” với giá chỉ 5 – 6 triệu đồng tùy điện thoại, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng này, được bảo hành trong suốt quá trình sử dụng.
“Dù website này ghi là phần mềm có mục đích là sao lưu dữ liệu cá nhân, khách hàng đảm bảo sử dụng đúng mục đích vì quyền lợi cá nhân và chịu trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích, nhưng chẳng mấy ai minh bạch mà lại muốn sử dụng phần mềm nghe lén, cũng không có cơ chế giám sát sự tự giác của khách hàng. Điều này hết sức nguy hiểm” - ông Nguyễn Thành, chuyên gia công nghệ thông tin nói.
Vi phạm luật nào?
Cty TNHH Việt Hồng (110 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội phát hiện sản xuất phần mềm “gián điệp” theo dõi thông tin khách hàng dùng smartphone, đã vi phạm nhiều quy định của Luật Công nghệ thông tin (CNTT).
Theo đó, các hành vi thu thập thông tin riêng của người sử dụng, lưu trữ tại máy chủ, hành vi ngăn chặn khả năng của người sử dụng điện thoại di động xóa bỏ, hạn chế phần mềm này, hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số, làm mất khả năng nhận biết sự xuất hiện của phần mềm này trong máy đã vi phạm Điều 71 về chống vi rút máy tính và phần mềm gây hại.
Điều này quy định: “Tổ chức, cá nhân không được tạo ra, cài đặt, phát tán vi rút máy tính, phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác để thực hiện một trong những hành vi sau đây: 1. Thay đổi các tham số cài đặt của thiết bị số; 2. Thu thập thông tin của người khác; 3. Xóa bỏ, làm mất tác dụng của các phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được cài đặt trên thiết bị số; 4. Ngăn chặn khả năng của người sử dụng xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng những phần mềm không cần thiết; 5. Chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số; 6. Thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số; 7. Các hành vi khác xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng”.
Trong khi đó, hành vi làm mất an toàn, bí mật thông tin riêng của người sử dụng đã vi phạm Khoản 2 điều 72 về bảo đảm an toàn, bí mật thông tin, cụ thể: “Tổ chức, cá nhân không được thực hiện một trong những hành vi sau đây: a) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; b) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; c) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; d) Bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; đ) Hành vi khác làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng”.
Ngoài ra, việc thực hiện quảng cáo các dịch vụ theo dõi là dịch vụ bị cấm kinh doanh vi phạm Khoản 4 điều 5 Nghị định 72 về quản lý kinh doanh dịch vụ internet và thông tin trên mạng và khoản 1 điều 8 Luật Quảng cáo.
Điều 125 Bộ Luật Hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”: 1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 - 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 - 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm.