Hành vi ném bom xăng để phản đối việc hàng xóm hát karaoke có phải là phạm tội hay không?

(PLVN) - "Trường hợp hành vi gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe của người khác thì có thể bị xem xét xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tội cố ý gây thương tích tùy thuộc vào hậu quả cụ thể theo quy định pháp luật", Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) - nhận định.
Hiện trường vụ ném "bom xăng".
Hiện trường vụ ném "bom xăng".


Sự việc một người đàn ông ném khoảng 15 quả bom xăng sang nhà hàng xóm rồi cố thủ trong nhà diễn ra tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang thu hút sự chú ý của nhiều người.

Khoảng 3h sáng 22/11, lực lượng chức năng khống chế thành công người này và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng bị bỏng xăng 15%. Qua xác minh, người này là Nguyễn Huy Ngọc (61 tuổi, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) - nhận định: Hành vi ném bom xăng để phản đối việc hàng xóm hát karaoke là hành vi hết sức nguy hiểm có thể gây hỏa hoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và đời sống của người dân sống gần khu vực đó, bởi vậy việc cơ quan chức năng sớm có mặt, khống chế bắt giữ đối tượng để xử lý là phù hợp với quy định của pháp luật, phòng ngừa những hậu quả thiệt hại đến người và tài sản có thể xảy ra.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì đối tượng có dấu hiệu mất kiểm soát về hành vi, biểu hiện của đối tượng cũng hết sức bất thường, chưa làm rõ nguyên nhân động cơ của sự việc. Bởi vậy cơ quan chức năng có thể thực hiện thủ tục pháp lý để trưng cầu giám định tâm thần đối với đối tượng này, xác định thời điểm trước trong và sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm, đối tượng này có nhận thức, điều khiển được hành vi của mình hay không. 
Trong trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy trước và trong khi thực hiện hành vi ném bom xăng, gây mất an ninh trật tự, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác đối tượng này mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng này sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nhưng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.
Còn trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi gây mất an ninh trật tự đối tượng này bị hạn chế khả năng nhận thức điều khiển hành vi do sử dụng rượu bia. Trước đó đối tượng này vẫn có khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì đối tượng này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Trường hợp hành vi gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe của người khác thì có thể bị xem xét xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tội cố ý gây thương tích tùy thuộc vào hậu quả cụ thể theo quy định pháp luật. Hành vi chống đối lực lượng chức năng là hành vi chống người thi hành công vụ. Bởi vậy cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ hay chưa.
Trường hợp chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng có thể xử phạt hành chính về hành vi này. Theo một số nguồn tin cho biết trước đó gia đình hàng xóm có tổ chức hát karaoke gây tiếng ồn. Việc này đã từng xảy ra nhiều lần gây mâu thuẫn giữa hai bên. Tình tiết này rất quan trọng để xác định nguyên nhân, động cơ sự việc.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân của hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ là do mâu thuẫn với hàng xóm từ việc hát karaoke thì cũng cần xem xét trách nhiệm của người hát karaoke.
Trường hợp hát karaoke gây mất an ninh trật tự, gây tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống của những khổ xung quanh thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý trật tự, an toàn xã hội. Trường hợp một số hộ gia đình, cá nhân tổ chức hát karaoke gây mất an ninh trật tự, mâu thuẫn trong khu dân cư thì cũng cần phải xem xét xử lý.
Việc chính quyền địa phương không xử lý kịp thời, không có những biện pháp can thiệp dẫn đến những mâu thuẫn như những vụ việc này là rất đáng chê trách. Về nguyên tắc thì trách nhiệm pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên dù gì thì hành vi ném bom xăng vào nhà người khác gây mất an ninh trật tự, sau đó còn chống đối lực lượng chức năng hành vi rất đáng lên án và cần phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật. Hành vi của đối tượng này là hết sức nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra cháy nổ, thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác, hậu quả là hết sức khó lường.
Bởi vậy cơ quan chức năng cần phải làm rõ mức độ nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng này, làm rõ ý thức chủ quan của đối tượng này và những hậu quả có thể xảy ra để thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa.
Trong trường hợp đối tượng bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì cần phải có những biện pháp can thiệp về y tế, ngăn ngừa để tránh việc đối tượng có thể thực hiện các hành vi nguy hiểm tiếp theo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, để cho những người dân sống xung quanh khu vực đó được an toàn.

Đọc thêm