Đang bình yên, đủ vợ đủ chồng, đất đai “thẳng cánh cò bay” cuộc sống của gia đình bà Nhữ Thị Hiền (SN 1942, ngụ xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thay đổi sau khi vợ chồng bà chọn nhầm “phò mã đào mỏ”.
|
Bà lão tiếc nuối về sai lầm không nghe lời chồng |
Ngôi nhà nằm trong một lô đất rộng mênh mông trước đây vốn là một trong số nhiều lô đất do vợ chồng bà tạo dựng. Bà Hiền kể, vợ chồng bà là cán bộ công nhân viên nhà nước về hưu. Đồng lương quá ít ỏi không thể nuôi nổi 5 miệng ăn, cuộc sống quá khó khăn nên năm 1984 cả gia đình đi vùng kinh tế mới lập nghiệp. Lúc ấy xã Tóc Tiên hãy còn là nơi hoang vu hẻo lánh, đi gần chục cây số mới có một nóc nhà, được cái đất đai thì nhiều vô kể. Đất không phải mua, cũng chẳng ai bán, nhà nào có sức khai hoang nhiều thì được nhiều, khai hoang ít thì có ít.
Vốn siêng năng, chịu khó nên chỉ mấy năm sau vợ chồng bà đã có gần chục ha đất. Là người thông minh, sáng tạo, khi xã chưa có điện, người chồng đã biết ngăn suối làm máy phát điện để phục vụ gia đình, làng xóm và kinh doanh, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Những năm sau này, người dân di cư ngày một nhiều, đất đai có giá, gia đình họ bỗng trở thành “đại gia” giàu có nhất vùng. Những người hàng xóm kể rằng sự giàu có của gia đình bà Hiền lúc ấy là niền ao ước, khâm phục của nhiều người, cũng khiến những thanh niên “siêng ăn nhác làm” thèm muốn. Họ tìm mọi cách để “lọt” được vào gia đình giàu có này.
Một trong những cách dễ dàng nhất là tiếp cận với những người con gái đang tuổi cập kê, trừ cô chị Nguyễn Thị Lân (SN 1972) bị bệnh tâm thần, khôn khôn dở dở, lúc tỉnh táo tỏ ra hiểu chuyện, còn lúc giở bệnh thì “nhặt lá đá ống bơ”.
Một chàng trai sinh năm 1973, ngụ cùng xã lúc ấy chọn “mục tiêu” tấn công cô em. Với con mắt từng trải, ông bố nhận ra ngay thanh niên này chỉ là kẻ “đào mỏ” nên cương quyết phản đối. Tuy nhiên “phụ nữ yêu bằng tai”, lời nói như “rót mật vào tai” của chàng trai lại làm xiêu lòng cả bà mẹ.
Sự phản đối của ông bố không những vô tác dụng mà còn khiến ông bị cô lập ngay trên “sân nhà”. “Lệnh ông không bằng cồng bà”, chẳng bao lâu chàng trai đã là rể trong nhà. Nhà không có con trai, lại biết lấy lòng mẹ vợ, chàng trai được “nhạc mẫu” xem như con đẻ, mọi việc lớn nhỏ đều có tiếng nói.
Vẫn giữ quan niệm cũ, ông bố vợ ghét con rể ra mặt, nhiều lần phản đối cách vợ tin con rể thái quá. Phía chàng rể cũng chẳng ưa gì “nhạc phụ” nhưng đối tượng lại khôn khéo đi tỉ tê, xỏ xiên với vợ và mẹ vợ khiến tình cảm cha - con - vợ - chồng ngày một rạn nứt. Chẳng biết chàng rể nói những gì mà gia đình đang hòa thuận bỗng chia thành hai “chiến tuyến”, bà mẹ và các con một phe, phe bên kia chỉ có người chồng và sự đồng cảm mong manh của cô con bị bệnh tâm thần khi điên khi tỉnh.
Có người nói ông từng bị vợ hắt hủi, con rể dọa đánh, phải ăn mì tôm thay cơm. Sau một thời gian căng thẳng, bà Hiền cương quyết đòi li dị chồng, hai lần đại diện tổ, ấp hòa giải bất thành liền “đường ai nấy đi”. Ông chồng nhận 1 ha đất, số còn lại là của vợ và các con nắm giữ. Người trưởng ấp chua chát nói: “Lúc đi, ông chồng còn tiên đoán: “Không lâu nữa gia đình này sẽ bại sản vì thằng con rể””.
Sau khi chia tay chồng, bà mẹ chia đất cho các con. Tổng cộng khi ấy còn lại 8 ha đất, người con tâm thần và bà mẹ mỗi người 1 ha, hai cô con gái còn lại mỗi người 3 ha. Năm 2003, bà bán đất của mình, mua lại một phần đất của vợ chồng con rể. Tuy nhiên phần đất mua của vợ chồng con rể, bà không xây nhà mình trên đó mà lại xây trên phần đất của… con với suy nghĩ: “Cứ mua rồi thì xây thôi, ai biết vạt nào của mình, vạt nào của nó”.
Thời gian sau, vợ chồng con rể bán đất, vì bà đã làm nhà trên đất của con nên phải đổi đất, ký giấy bán. Trong khi đó phần đất được đổi, tức diện tích đất tại ngôi nhà bà ở vẫn đứng tên con gái. Một thời gian sau, vợ chồng con gái lại thế chấp ngân hàng luôn phần đất này, cô con gái lại tỉ tê với mẹ: “Dọn sang nhà của vợ chồng con mà sống”.
“Mưu đồ” chưa bị dừng lại khi sau đó chàng rể tiếp tục năn nỉ người chị vợ “dở người” cho mượn sổ đỏ để thế chấp lấy tiền làm ăn. Thấy bà mẹ cương quyết phải đối, chàng rể dỗ ngọt “con chỉ mượn một tháng, sẽ trả lãi 8 triệu đồng” khiến bà lại xiêu lòng. Khi ấy đã sợ bị lừa đảo, bà còn kiên quyết “muốn mượn thì phải lên chính quyền làm chứng, có nhà nước chứng nhận rồi thì chẳng sợ bị lừa, bị mất”.
Làm giấy tờ “mượn sổ” xong, bà tin con nên còn chẳng xem lại nội dung giấy là gì. Khoảng 15 ngày sau, cô con gái điên dở bỗng tỉnh táo lại lạ thường, đòi mẹ đưa giấy ra xem lại. Ai ngờ nói là “mượn sổ đỏ trong một tháng”, nhưng văn bản do Phòng công chứng Phú Mỹ (huyện Tân Thành) lập ngày 1/4/2011 lại viết: “Bên A (cô gái dở điên - PV) ủy quyền cho bên B (con rể - PV) thay thế bên A xác lập, ký kết và thực hiện tất cả các giao dịch (chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê)... Được quyền thay mặt bên A ký kết hợp đồng vay tiền....”.
|
Người phụ nữ bị tâm thần này vẫn được phòng công chứng cho… xác lập giao dịch |
Đã vậy, nội dung văn bản còn ghi cô gái điên dở còn phải để bên nhận thế chấp xử lý tài sản nếu người được ủy quyền không có tiền trả nợ. Vậy là đã rõ, gã con rể đã “giăng bẫy” “chiếm đoạt” đất của chị vợ. Bà tỉnh trí hỏi con gái hôm đó công chứng viên nói thế nào, cô gái cho biết: “Họ nói con ngồi ngoài ghế chờ, lúc xong thì gọi con vào ký. Em rể nó chỉ con ký theo lời nó đọc thì con làm theo. Mà con có hiểu gì đâu mà đọc”.
Tá hỏa chạy sang hỏi con rể, kẻ “đào mỏ” vẫn ngon ngọt trấn an “chỉ làm theo thủ tục, chứ sổ đỏ vẫn ở trong nhà, hết tháng sẽ trả lại”. Rồi đòi gắt quá thì con rể dọa nạt, thách thức “nếu muốn thì cứ kiện, tôi nắm đằng chuôi, cứ chứng minh “nó” (ý nói chị vợ - PV) bị tâm thần đi rồi hãy tính”.
“Há miệng mắc quai”, bà ngậm ngùi “thôi thì biết đâu nó không cạn tàu ráo máng, cứ chờ vài bữa nữa xem sao”. Quả thật mấy ngày sau con rể lại có một “kế hoạch mới”, lại soạn thêm một hợp đồng góp vốn xây dựng kinh doanh nhà nghỉ, bảo mẹ con bà góp vốn. Số tiền bà góp vào là 2 tỉ đồng, tương đương giá trị tiền mảnh đất bà đã mua của vợ chồng con rể trước đó, còn cô chị dở điên góp vốn là phần đất em rể đã mượn sổ đỏ.
Cú “góp vốn” này khiến bà trắng tay, nhà nghỉ làm ăn thua lỗ đã đóng cửa từ năm 2011. “Thế là mất hết đất, mất nhà, mai mốt không biết mẹ con chui rúc vào đâu, ngân hàng cũng đã báo sẽ xử lý tài sản thế chấp rồi”, bà lão thở dài não nề.
Chìa giấy chứng nhận tâm thần của cô con gái dở người ra, bà tiếp tục thở dài: “Có chứng cứ, nhưng kiện cáo cũng có được gì đâu”. Giờ bà có ước, thì ước sao mình được quay trở lại ngày xưa, nghe lời khuyên chí tình của chồng để không đặt hết niềm tin, tài sản vào con rể khiến trắng tay ngày cuối đời.
Thạc sĩ luật Nguyễn Thế Anh (Hà Nội) bình luận: “Trong vụ việc nêu trên, nên phân tách ra làm hai trường hợp để nhận định. Trong giao dịch giữa bà Hiền và con rể, chưa rõ con rể có lừa đảo mẹ vợ hay không vì bà Hiền chưa đưa ra chứng cứ chứng minh cụ thể. Trong giao dịch giữa người chị vợ và em rể, vì đã có chứng cứ xác định người chị bị mất năng lực hành vi dân sự nên giao dịch đã xác lập bị coi là vô hiệu. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập; các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền… Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. |
Hương Trà