Mở cửa từ sáng 5/1 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cuộc triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui” đem tới nhiều khám phá thú vị cho người xem khi muốn hiểu hơn về loại hình diễn xướng dân gian vốn có từ rất xa xưa. Sự kiện này được coi là một bước phát triển mới trong quá trình đánh giá và nhìn nhận hầu đồng khi lần đầu tiên xuất hiện chính thức tại một địa chỉ văn hóa quốc gia.
|
Bàn thờ Mẫu |
Khi hầu đồng thành “sự kiện văn hóa”
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Viêt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Trong thờ Mẫu, dân gian tin rằng Mẫu là vị thần tối cao được hóa thân thành Tứ vị Thánh mẫu: Mẫu thiên, Mẫu địa, Mẫu thoải, Mẫu thượng ngàn để cai quản bốn vùng trời đất. Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ đền cao phủ lớn đến điện tư gia kết hợp với các vị thánh ở mỗi miền khác nhau.
Những người theo Mẫu tâm niệm Mẫu là mẹ của mọi người, Mẫu luôn che chở, phù hộ cho con người gặp nhiều thuận lợi để vượt qua thiên tai, vận hạn, bệnh tật... đem đến cho họ cuộc sống bình yên, sung túc. Hiện nay, tín ngưỡng này hiện đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trong cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài và là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội.
Cuộc triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam kết hợp với Quỹ Ford và Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Phát triển Văn hóa tổ chức nhằm đưa đến những thông tin đầy đủ hơn về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt Nam trong cuộc sống.
Bốn chủ đề của triển lãm gồm: Mẫu – Tâm - Đẹp - Vui tương ứng với bốn màu đặc trưng của Tứ phủ: Màu đỏ (Thiên phủ - miền Trời), màu trắng (Thoải phủ - miền Nước), màu vàng (Địa phủ - miền Đất) và màu xanh (Nhạc phủ - miền Rừng). Cũng tại cuộc triển lãm, Ban tổ chức đã giới thiệu hàng trăm phim tư liệu, ảnh, mẫu vật sưu tầm về tục thờ mẫu Việt Nam - vốn được coi là “bệ đỡ” của hầu đồng.
Bên cạnh việc trình diễn một số giá đồng cơ bản trong ngày khai mạc, phía tổ chức cũng đưa ra một số kết quả phỏng vấn hàng trăm chủ thể văn hóa là các ông, bà đồng và người dân theo Mẫu sinh sống ở phía Bắc. Đại bộ phận những người được phỏng vấn đều đánh giá rất tích cực về tính thẩm mỹ và ý nghĩa tâm linh của loại hình diễn xướng này.
Cách đây không lâu, vào đầu năm 2011, một cuộc thuyết trình kèm theo hầu đồng cũng đã được tổ chức tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Sự kiện văn hóa này đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận cũng như truyền thông khiến ngày hôm đó đông nghịt người. Điều đó có thể cho thấy sức hút lớn của hầu đồng tới một bộ phận dân chúng và những người quan tâm.
|
Ảnh trưng bày tại triển lãm |
Cần có sự nhìn nhận đúng
Là một tín ngưỡng mang tính tâm linh của dân tộc, song thời gian gần đây, tục thờ Mẫu, hầu đồng đã bị nhiều người thương mại hóa, ảnh hưởng xấu tới những giá trị tốt đẹp vốn có. Trong các giá hầu, nhiều người lợi dụng việc hầu đồng để mua thần, bán thánh hay việc người dự hầu sử dụng quá nhiều vàng mã, đồ lễ hay tiền bạc... gây lãng phí và làm xấu đi giá trị thực chất của việc hầu đồng.
Từng bỏ nhiều công sức nghiên cứu về loại hình diễn xướng dân gian này (sở dĩ gọi là diễn xướng dân gian vì trong khi hầu đồng, âm nhạc - hát văn - có vai trò vô cùng quan trọng. Lời ca, tiếng hát của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ, vừa thay nhau hát trong một vấn hầu, thường kéo dài 4- 8 tiếng đồng hồ), GS.TS.Đình Quang - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm, lên đồng là một hoạt động tín ngưỡng có tác dụng giải phóng con người. Khi lên đồng người ta được nghe hát, được hít ngửi hương thơm của hoa, được nhảy múa cùng những nhịp điệu tươi vui, được làm đẹp...
Với nhiều người, nhất là những ông bà đồng ở nông thôn, khi lên đồng, hầu đồng họ như được lột xác thành những nhân vật khác, tạm thoát bỏ cái thực tại còn nghèo đói, thấp kém, nhiều mặc cảm. Người lên đồng tin rằng có thần thánh, có hồn, đây cũng là vấn đề của nhân loại chứ không phải là sản phẩm riêng biệt của những người “mê tín” ở Việt Nam.
Trong giới cô đồng, nhiều người trong số họ có khả năng giao tiếp với thế giới thần thánh, với cõi Âm (cũng có những người chỉ lợi dung để biểu diễn đồng). Điều này khoa học chưa đủ sức chứng minh đúng sai, thực hư. Nhà nước không nên vì những người lợi dụng lên đồng mà cấm một hoạt động văn hóa rất đặc thù của người Việt. Không thể nhầm lẫn giữa hành đạo và tín ngưỡng. Hành đạo có thể sai, còn tín ngưỡng thì không thể ngăn cấm, xóa bỏ.
GS.TS.Ngô Đức Thịnh, một người tâm huyết nghiên cứu về hầu đồng suốt bao nhiêu năm qua thì cho rằng: “Hiện nay hiện tượng lên đồng, các vấn đề liên quan đến Shaman giáo càng hồi sinh mạnh mẽ trong xã hội hiện đại khi mà nhịp điệu sống luôn căng thẳng. Lên đồng đang là một giải pháp giải tỏa những dồn nén, stress.
Chỉ trong vòng 6 năm từ 1997 đến 2003, hội nghị khoa học thường niên tại Mỹ về nhân học đã tăng từ 1 lên 17 tiểu ban liên quan đến vấn đề Shaman. trong đó có một tiểu ban riêng về Lên đồng Việt Nam sau đổi mới. Ở Hàn Quốc, chính phủ có một nghị định bảo vệ các thầy Mansin (giống như Shaman, ông bà đồng ở Việt Nam, hay Sư công của Trung Hoa…) như là một báu vật. Người Hàn cho rằng sẽ không hiểu văn hóa Hàn nếu bỏ qua không nghiên cứu về Mansin”.
Theo lời ông, một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa trong nước đang xúc tiến tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về lên đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như xây dựng một bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam về chuyên đề này. Đến lúc đó, lên đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ còn tạo ra những đột phá lớn hơn nữa chứ không dừng lại ở việc “vào” bảo tàng như hiện nay.
Uyên Lê