Kế hoạch “ve sầu thoát xác” không hoàn hảo của kẻ côn đồ

(PLO) - "Chạy" được hồ sơ pháp y xác định mắc bệnh AISD, Lê Trọng Thanh được tạm đình chỉ thi hành án tù.  Sau đó, Thanh và gia đình lập kế hoạch giả chết hoàn hảo, xin được giấy chứng tử nộp cho trại giam. Nhưng hai năm sau, kế hoạch “ve sầu thoát xác” bại lộ, Thanh bỗng “sống dậy” dùng súng suýt bắn  người.

Bị cáo Thanh trước vành móng ngựa.
Bị cáo Thanh trước vành móng ngựa.
Quậy tưng trong thời gian “chờ chết” 
Cái tên Thanh “Bắc kỳ” thuộc hàng “có số má” trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng và TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang). Năm 2006, Thanh vừa tròn 18 tuổi, trong một trận “huyết chiến” Thanh đã chém một thanh niên phường Mỹ Bình (TP.Long Xuyên) khiến nạn nhân bị thương tật 16%. Trong thời gian đang bị điều tra về tội Cố ý gây thương tích, năm 2007, Thanh lại dùng dao đâm chết một quân nhân. 
Do gia đình có điều kiện đã đứng ra bồi thường và dàn xếp ổn thỏa nên rốt cục Thanh cũng được phía nạn nhân đơn xin giảm hình phạt. Nhờ vậy, dù phạm liên tiếp 2 tội nhưng Thanh chỉ bị tuyên 30 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 13 năm tù về tội “Giết người”; tổng cộng phải chấp hành 15 năm 6 tháng tù.
Ngày 18/6/2008, Thanh bị đưa về Trại giam Thạnh Hòa (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) để thi hành án. Trong thời gian này, Thanh bị bệnh đau dạ dày nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An điều trị. 
Tại đây, Thanh và gia đình đã cạy cục nhờ bà Trần Tuyết Mai (SN 1973, ngụ ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An) “chạy” hồ sơ, thủ tục giả bị nhiễm HIV/AIDS để được hoãn thi hành án tù với giá 80 triệu đồng. 
Việc trót lọt, ngày 23/10/2010, Thanh được TAND tỉnh Long An ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù do nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, nhiễm trùng cơ hội, nói nôm na là được trại giam trả về nhà để “chờ chết”. Tính đến khi được tạm đình chỉ án tù, Thanh mới “bóc lịch” được 3 năm 6 tháng tù, vẫn còn nợ án 12 năm tù.
Được hoãn tù nhưng Thanh không ra trình diện chính quyền theo quy định của pháp luật. Thực tế, thanh niên này vẫn “khỏe như vâm”, thời gian đầu còn ý tứ “án binh bất động” để che mắt dư luận nhưng sau đó thì quậy tưng. 
Thanh còn lấy việc bản thân từng can án giết người mà vẫn được hoãn tù, nhởn nhơ ngoài xã hội để “lấy le” với đám giang hồ vặt. Dù vậy, Thanh cũng ý thức được rằng “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” nên sớm muộn gì cũng bị phát hiện, sẽ bị bắt đi thi hành án. Vậy nên “bệnh nhân” này ranh ma nghĩ kế hoạch giả chết hoàn hảo nhằm “xóa nợ” bản án tù.
Thanh tiếp tục liên hệ với bà Trần Tuyết Mai - người đã “chạy” hồ sơ nhiễm HIV cho mình lần trước để nhờ làm thủ tục khai tử chính mình. 
Bà Mai đã làm tờ đơn gửi trưởng ấp với nội dung: Ngày 26/2/2011, bà có đứa em là Lê Trọng Thanh ngụ TP.Long Xuyên (An Giang) mất tại nhà bà Mai ở số 359/5 ở ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An; được gia đình đưa về quê hỏa táng vào lúc 14h 30 ngày 27/2/2011 tại Ban Công trình đô thị Long Xuyên. 
Bà Mai đã xin địa phương xác nhận để bà làm thủ tục đưa về Long Xuyên bổ sung giấy khai tử cho Thanh và được công an xã Bình Thạnh xác nhận.
Ngày 27/2/2011, em ruột Thanh đến Ban Công trình đô thị Long Xuyên (nay là Công ty TNHH MTV môi trường đô thị An Giang) ký hợp đồng hỏa táng cho anh trai là Lê Trọng Thanh mất ngày 26/2/2011 tại Long An, với giá dịch vụ là 2 triệu đồng. 
Sau đó, gia đình Thanh mang hòm, đồ lễ theo phong tục địa phương và làm thủ tục, nghi lễ hỏa táng cho cái hòm rỗng rồi đưa cốt tro đi địa táng. Gia đình Thanh ở xã Mỹ Hòa Hưng cũng làm lễ tang cho Thanh y như thật, lập bàn thờ, người thân khóc lóc thảm thiết. 
Đến ngày 2/3/2011, mẹ ruột của Thanh đến UBND xã Mỹ Hòa Hưng làm tờ khai tử cho Thanh vì bị bệnh AIDS chết ngày 26/2/2011 và được cấp giấy chứng tử. Gia đình Thanh cũng nộp giấy chứng tử cho Trại giam Thạnh Hòa để được đình chỉ thi hành án tù với lý do bị án đã chết.
Giấy xác nhận Thanh đã chết.
 Giấy xác nhận Thanh đã chết.
Tái phạm nguy hiểm
Khi mới được “khai tử”, Thanh trốn chui lủi, sau đó thấy không ai nghi ngờ gì nên bắt đầu mon men mò về gặp vợ con ở xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên). Khoảng tháng 12/2012, Thanh mua một khẩu súng Rulo loại bắn đạn thể thao kèm 9 viên đạn với giá 6 triệu đồng. Thanh cất giấu khẩu súng tại nhà mẹ vợ ở xã Mỹ Khánh. 
Theo hồ sơ, khoảng 01 giờ khuya ngày 16/4/2013, Thanh điều khiển xe gắn máy và mang theo một khẩu súng Rulo giấu trong người, rồi đi tìm Lê Trọng Cường (em ruột của Thanh). Khi đến khu vực chợ Bà Khen, Thanh gặp Lê Hồ Lãm, Võ Trường Giang và Nguyễn Hoài Phong ngồi uống bia. Lãm gọi Thanh vào quán uống chung. 
Do có mâu thuẫn từ trước, nên trong lúc uống bia, Thanh và Giang cãi nhau, Giang đứng lên rút cây dao bấm cầm trên tay, Thanh liền móc khẩu súng Rulo trong túi áo khoác ra chĩa thẳng nòng súng về phía Giang, nhưng được Lãm đứng dậy che nòng súng và can ngăn.
Hoảng sợ, Giang lùi lại và bỏ chạy, thấy vậy Thanh cất khẩu súng trong người và  nói: “Đêm nay tao tha chết cho mày”, rồi  lên xe bỏ về. Sau đó, Thanh đem súng giấu ở gốc cây gáo, gần nhà vợ. Đến ngày 17/5/2013, Thanh bị bắt giữ, thu giữ khẩu súng và 5 viên đạn chưa sử dụng.
Ngày 19/8/2014, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Trọng Thanh về tội “Đe dọa giết người” và “Mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Đe dọa giết người” vì có đủ cơ sở để gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. 
Ở đây, Thanh đe dọa không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động dùng súng là vũ khí nguy hiểm, có thể gây sát thương cao, có khả năng tước mạng người trong tích tắc. Chưa kể, bản thân Thanh là đối tượng có nhân thân xấu, đang “nợ” 12 năm tù về tội “Giết người”. 
Từ nhận định trên, Tòa tuyên phạt Thanh 4 năm tù về tội “Đe dọa giết người”, 6 tháng tù về tội “Mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”; cộng với bản án 12 năm tù do Tòa án quân sự Trung ương tuyên trước đó, buộc Thanh phải chấp hành chung là 16 năm 6 tháng tù.
Thạc sỹ Trần Duy Bình (TAND tỉnh An Giang) bình luận: Cần phải kiểm sát, rà soát lại quy trình hoãn tù cho bị án này, nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực thì phải xử lý nghiêm. Chính sách nhân đạo của pháp luật chỉ phát huy tác dụng cao nhất khi được thực thi nghiêm minh và công bằng; nếu bị lạm dụng, áp dụng tùy tiện rất dễ phản tác dụng, đi ngược lại chính sách hình sự nhân đạo, gây hậu quả nguy hại.
Từ vụ án Lê Trọng Thanh, phải siết chặt quản lý để tránh tình trạng hoãn tù tùy tiện gây hậu quả nguy hại khôn lường. Bên cạnh việc kiểm soát chặt các điều kiện được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án tù ngay từ “đầu vào”, liên ngành tố tụng phải kết hợp chặt chẽ với nhau để theo dõi, giám sát, sát sao và nghiêm túc các trường hợp được hoãn tù trở về xã hội. Nếu phát hiện bị án ở ngoài có biểu hiện gian dối, giả bệnh, hoặc có hành vi vi phạm thì phải kiên quyết bắt lại ngay. 

Đọc thêm