Chụp mũ “đệ tử Năm Cam” bắt giam oan doanh nhân
Năm 2003, khi xảy ra vụ ám sát đàn chị giang hồ Dung Hà, Tổng Cục cảnh sát Bộ Công an khởi tố vụ án Năm Cam và đồng bọn phạm tội theo kiểu “xã hội đen” liên quan đến những vụ thanh trừng đẫm máu tại TP Hồ Chí Minh lúc đó. Những người liên quan đến Năm Cam đều bị đặt vào tâm ngắm điều tra, xử lý.
Khi đó Ban chuyên án vụ án Năm Cam nhận được tố cáo về một “nhóm” đệ tử của Năm Cam đã phạm tội kiểu xã hội đen trong một vụ gây rối trật tự công công xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương (khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương) vào năm 2000. Người bị tố cáo là “đệ tử” của Năm Cam có các ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng và Phạm Văn Hướng vốn là những doanh nhân có vị thế ở đất Bình Dương. Lúc đó Tướng Nguyễn Việt Thành, Trưởng Ban Chuyên án đã bút phê vào góc đơn chuyển cho Ban chuyên án làm rõ và báo cáo.
Công ty Gas Bình Dương ông Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Viết Tạo, Phạm Văn Hướng thành lập, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Đồng An do công ty của ông Bùi Mạnh Lân đầu tư. Năm 2000, ông Nguyễn Viết Tạo và các thành viên khác của Công ty Gas Bình Dương có tranh chấp nên đã kiện nhau ra tòa án để giải quyết.
Trong lúc tòa án thụ lý vụ kiện thì gày 18/9/2000, ông Đỗ Cao Bằng cùng một số người đến trụ sở Công ty Gas Bình Dương để giữ tài sản Công ty, không cho ông Tạo “tẩu tán”. Ông Tạo cũng báo cho Công an xã Bình Hòa và Công an huyện Thuận An đến để giải quyết sự việc. Theo biên bản lập cùng ngày, đây là việc tranh chấp các thành viên của công ty, không có xảy ra xô xát.
Trong Biên bản, ông Bùi Mạnh Lân, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh là chủ khu công nghiệp Đồng An cũng ghi rõ, khi nghe tin báo có hiện tượng gây mất trật tự trong khu công nghiệp, tại trụ sở Công ty Gas Bình Dương, ông đã đến nhưng không thấy có hiện tượng gây rối ở đây. Vì vậy, ngay lúc đó cơ quan chức năng cũng đã giải tán những người có mặt để tránh sự việc gây mất trật tự công cộng xảy ra.
Sự việc rất rõ ràng như vậy nhưng 3 năm sau, năm 2003, khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Năm Cam và đồng bọn, ông Nguyễn Văn Tạo đã tố cáo các ông Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng và Bùi Mạnh Lân là “chân rết” của Năm Cam đã gây ra vụ “gây rối trật tự công cộng” ngày 18/9/2000.
Khi được Ban Chuyên án giao nhiệm vụ, cán bộ dưới quyền của tướng Nguyễn Việt Thành là Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ trưởng CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã thực hiện việc xác minh và báo cáo kết quả điều tra ban đầu, với nội dung Công ty Hưng Thịnh thuê “xã hội đen” chiếm giữ tài sản của Công ty Gas Bình Dương và cho rằng, ông Đỗ Cao Bằng và Phạm Văn Hướng thuê “xã hội đen” là đàn em của Năm Cam chiếm giữ, phá hoại tài sản của Công ty Gas Bình Dương, nên đã đề nghị CQĐT Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản
Ông Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ trưởng CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang lúc đó chính là người đề xuất “tiến hành bắt khẩn cấp” các đối tượng có liên quan. Tất cả các báo cáo, kế hoạch này đều có bút phê chi tiết của ông Nguyễn Việt Thành, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Việt Thành tại cuộc họp ngày 22/3/2003 về việc ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Đỗ Cao Bằng và 4 đối tượng có liên quan, sau đó giao các đối tượng “về giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang”.
Ngày 29/4/2003, CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang ký lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân, với lý do ông Lân cùng đồng bọn gây rối trật tự công cộng tại Công ty gas Bình Dương. Lúc đó, tướng Nguyễn Việt Thành đã đánh giá việc bắt giữ các chủ doanh nghiệp trên là triệt phá “băng nhóm tội phạm nguy hiểm” và đây là cần thiết vì để tiếp tục tấn công, trấn áp mạnh mẽ bọn tội phạm nguy hiểm, hoạt động có tổ chức; ngăn chặn sự ngóc đầu dậy của đàn em Năm Cam, bảo vệ tốt công tác dẫn giải và bảo vệ phiên tòa xét xử.
Tướng Nguyễn Việt Thành, người hùng phá án vụ án Năm Cam khi còn đương chức. |
Oan sai xảy ra, lãng quên cam kết chịu trách nhiệm
Sau khi bắt tạm giữ đối với ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng, những người thực hiện việc bắt giữ đã báo cáo vụ việc với VKSND tối cao và đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam đối với hai ông. Nhưng đến ngày 28/5/2003, khi đã hết thời hạn tạm giữ theo quy định, VKSND tối cao vẫn từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam vì lý do “ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng không đồng phạm với ông Đỗ Cao Bằng gây rối trật tự công cộng”. Thế nhưng, Cơ quan điều tra vẫn không trả tự do cho ông Lân và ông Hướng.
Mặc dù hết tháng 5/2003, VKSND tối cao không phê chuẩn lệnh tạm giam nhưng ông Nguyễn Văn Nên vẫn giam giữ trái pháp luật đối với ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng, đồng thời tiếp tục đề nghị VKS tối cao phê chuẩn lệnh giam giữ đối với ông hai doanh nhân này.
Với việc CQĐT nhiều lần đề nghị phê chuẩn lệnh giam và có sự “bảo lãnh” của tướng Nguyễn Việt Thành nên ngày 11/6/2003, VKS tối cao phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Bùi Mạnh Lân và không phê chuẩn lệnh giám đối với ông Phạm Văn Hướng.
Mặc dù Nguyễn Văn Nên biết rõ ngày 11/6/2003 VKS tối cao từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Hướng và ngày 12/6/2003, đích thân điều tra viên của C16 Bộ Công an đã đến Công an tỉnh Tiền Giang giao quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Phạm Văn Hướng, nhưng Nguyễn Văn Nên vẫn lập báo cáo ngày 13/6/2003 gửi ông Nguyễn Việt Thành với nội dung CQĐT Công an Tiền Giang chưa thực hiện việc “tha” ông Hướng mà phải chờ ý kiến của tướng Thành. Ông Nên cũng viết thư tay gửi cộng sự Nguyễn Tuyến Dũng, nhắc lại nội dung trao đổi với tướng Nguyễn Việt Thành là “sẽ trao đổi với C16 để có văn bản kiến nghị VKSTC đề nghị phê giam Phạm Văn Hướng phục vụ điều tra mở rộng án”. Vì vậy, ông Phạm Văn Hướng không được trả tự do.
Ngày 7/8/2003, CQĐT Bộ Công an có Bản kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố các ông Bùi Mạnh Lân và các "đồng phạm" về tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, ngày 27/8/2003, VKS tối cao đã có quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giam đối với ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng và được Kiểm sát viên đích thân phúc cung và yêu cầu tống đạt ngay các quyết định này cho các bị can, nhưng Nguyễn Văn Nên vẫn lập báo cáo đến ông Nguyễn Việt Thành, cho rằng ông Bùi Mạnh Lân “CQĐT đang mở rộng án làm rõ việc chiếm đoạt 8 tỷ đồng của Epco từ năm 1997 đến nay, đồng thời có liên quan vụ chiếm đoạt 23.383m2 đất của bà Huỳnh Thị Thu nếu giải quyết cho Bùi Mạnh Lân tại ngoại sẽ gây khó khăn cho việc điều tra mở rộng án” và ông Nên đã "kháng lệnh" của VKS tối cao.
Ngày 16/8/2003, VKSND tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án “gây rối trật tự công cộng” tại Công ty Gas Bình Dương. Theo VKS tối cao đánh giá, vụ việc “gây rối” tại Công ty Gas Bình Dương xảy ra từ 2000 không để lại “hậu quả” vì đã được ngăn chặn; mức độ thiệt hại không lớn, sự việc xảy ra nguyên nhân là do tranh chấp về kinh tế giữa các thành viên trong Công ty Gas Bình Dương đã được TAND tỉnh Bình Dương giải quyết xong. Vụ việc này không phải là tội phạm theo kiểu “xã hội đen” và càng không có cơ sở xác định những doanh nhân bị bắt là ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng là “đệ tử” của Năm Cam.
Sau đó, vụ án Năm Cam cũng kết thúc với bản án tử hình dành cho trùm xã hội đen chủ mưu vụ thích sát Dung Hà. Một loạt quan chức cao cấp liên quan cũng thân bại danh liệt, trong đó có Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy, Phó Viện trưởng VKS tối cao Phạm Sỹ Chiến. Thế nhưng, số phận của những người bị bắt giam oan thì không ai nhớ và lời cam kết “chịu trách nhiệm trước pháp luật” nếu ông Lân và ông Hướng bị oan của tướng Nguyễn Việt Thành cũng bị lãng quên, thay vào đó, tướng Nguyễn Việt Thành được thăng một cấp quân hàm.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.../.