Hãy giữ tim nóng đầu lạnh để nhận ra lọc lừa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rất nhiều người, chiếm được lòng tin của cộng đồng, huy động được tiền ủng hộ chỉ từ những câu chuyện được dàn dựng đầy thương cảm về những số phận con người.
Giang Thị Kim Cúc trong buổi Livestream.
Giang Thị Kim Cúc trong buổi Livestream.

Mới đây, sự việc nhân vật chuyên làm từ thiện Giang Kim Cúc bị cơ quan chức năng xử phạt do hành vi đăng thông tin sai sự thật đã khiến dư luận xôn xao.

Trước đó, Fanpage do nhân vật này lập ra đã đăng tải câu chuyện một người bà do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã rút ống thở của cháu khiến cháu nhỏ qua đời, không có tiền mai táng. Câu chuyện thương tâm gây nên nhiều luồng dư luận, trong đó đó nhiều người thương cảm, gửi tiền ủng hộ mai táng cháu bé. Có không ít người chửi bới, mạt sát người bà trong câu chuyện.

Tuy nhiên, mới đây, sau khi những người trong cuộc lẫn người chứng kiến sự việc lên tiếng, cơ quan công an vào cuộc xác minh thì đã rõ không hề có câu chuyện “bà ngoại rút ống thở của cháu”, phía Cúc cũng đã livestream nhận lỗi về câu chuyện không có thật này.

Trang Fanpage do Cúc lập ra có số lượng người theo dõi rất đông, trong số đó có không ít người hảo tâm đã ủng hộ các chương trình thiện nguyện của nhóm này. Trên trang cũng thường xuất hiện những câu chuyện thương tâm, cảm động, khiến người xem rơi nước mắt.

Sau sự việc bịa đặt trên cùng với một số sự cố không hay khác, cộng đồng mạng bắt đầu đặt vấn đề về tính xác thực của các câu chuyện. Như trước đó, nhóm này cũng đăng tải hình ảnh và câu chuyện về hai ông bà cụ lang thang, cụ ông không may qua đời vì Covid. Một số Mạnh thường quân có hỏi thông tin cụ thể và bà cụ để đến giúp đỡ nhưng không nhận được câu trả lời.

Sự việc “bà rút ống thở của cháu” khiến cộng đồng mạng liên tưởng đến câu chuyện bịa cách đây chưa lâu “bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ”. Người trong cuộc, các nạn nhân của vụ việc cũng đã lên tiếng phơi bày những sự thật đáng sợ. Đó là cách thức mà một nhóm người tạo nên những nhân vật ảo trên Facebook rồi tương tác lẫn nhau, kết bạn với các nhân vật nổi tiếng có thật để xây dựng niềm tin. Đó là cách mà họ tạo ra một nhóm từ thiện từ những “người ảo”.

Thời gian qua, đã không ít câu chuyện lấy nước mắt, truyền cảm hứng nhưng rốt cục là chuyện bịa. Nhiều cá nhân, nhóm từ thiện uy tín hoá ra chỉ là vỏ bọc cho hành vi chiếm đoạt tài sản. Rất nhiều người, chiếm được lòng tin của cộng đồng, huy động được tiền ủng hộ chỉ từ những câu chuyện được dàn dựng đầy thương cảm về những số phận con người.

Có lẽ, đã đến lúc cần nhận diện lại câu chuyện làm thiện nguyện. Đã đến lúc người dân cần được cảnh tỉnh để không bị dẫn dắt, đánh lừa cảm xúc. Những kế hoạch từ thiện phải rõ ràng, những khoản tiền chi thu phải minh bạch thì việc ủng hộ may ra mới đến được người cần.

Đọc thêm