Hé lộ tình tiết mới vụ phạm nhân bị ép giao 700 triệu cho điều tra viên

Việc có sự chỉ đạo của “Ban chuyên án” trong việc điều tra viên Kiên nhận giữ và chi số tiền 700 triệu trên là có thật. Bút tích của một số cá nhân trong Ban chuyên án này còn thể hiện rõ trên một số văn bản đề xuất của ĐTV Kiên. ĐTV Kiên đã thừa nhận thì việc nhận giữ và chi số tiền 700 triệu trên “không nằm trong vụ án Hiếp dâm; Chứa mại dâm”. Vì sao Ban chuyên án lại “có ý kiến” đối với một vụ việc ngoài “chuyên án” mà mình chỉ đạo?

[links()]Sau khi PLVN phản ánh vụ việc Điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Đức Kiên - Công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã “tạm giữ” 700 triệu đồng của một phạm nhân khi đang bị tạm giam, rồi “nhận ủy quyền” để “phân phát” số tiền trên cho một số cá nhân ngoài xã hội, Cục Điều tra – VKSND Tối Cao đã vào cuộc xác minh…

Ông Nguyễn Văn Đông- chồng bị cáo Yến trao đổi với phóng viên
Ông Nguyễn Văn Đông- chồng bị cáo Yến trao đổi với phóng viên

Có dấu hiệu “xâm phạm hoạt động tư pháp”

Vụ việc xảy ra vào tháng 4/2011, khi ĐTV Kiên được phân công điều tra vụ án “chứa mại dâm”, “hiếp dâm”, “bắt giữ người trái pháp luật”…mà Nguyễn Thị Yến (SN 1968, trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn) là 1 trong những bị can của vụ án. Số tiền 700 triệu là tiền bán nhà của bị can Yến, không hề liên quan đến vụ án nhưng ĐTV Kiên vẫn đứng ra “tiếp nhận” và “tạm giữ” số tiền này (do chị Lê Thị Thơm- người mua nhà- mang đến công an huyện giao nộp).

Hiện nay, trong khi ĐTV Kiên khẳng định việc bị can Yến giao nộp 700 triệu trên là tự nguyện thì bản thân chị Yến (hiện đang thụ án) khẳng định đã bị ép buộc, vì lúc đó Yến và 1 số người nhà đang nằm dưới “quyền sinh, quyền sát” của ĐTV Kiên. Chính chị Thơm cũng khẳng định “phải giao số tiền mua nhà của chị Yến cho công an thì mới lấy được chữ ký chị Yến để hoàn tất giấy tờ sang tên nhà đất”. Thực tế, lúc 17h ngày 7/4/2011, chị Thơm đã giao 700 triệu cho ĐTV Kiên tại Công an huyện Nam Đàn và  ĐTV Kiên cũng lập “biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu” (700 triệu) của bị can Yến.

Chỉ 1 thời gian ngắn sau đó, ĐTV Kiên đã “nhận ủy quyền” của bị can Yến để chi trả tiền cho hàng loạt người bên ngoài xã hội, trong đó có khoản 300 triệu chi cho 1 người họ hàng bên vợ của ĐTV Kiên - anh Nguyễn Anh Tuân.

Điều đáng nói là giữa anh Tuân và gia đình Yến không hề có quan hệ vay mượn, nợ nần gì (cả hai cùng là bị hại trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Thái Bình). Gần 400 triệu còn lại được trả cho bị hại trong vụ “Hiếp dâm” và một số chủ nợ khác, 52 triệu được trả cho chồng bị can Yến trước khi bị can này bị “chuyển trại”.

Cũng như việc “nhận giữ tiền” thì trong việc này, ĐTV Kiên cũng bị tố là đã “cưỡng ép”, “dọa dẫm” phạm nhân chi tiền trái ý muốn trong điều kiện họ đang bị “biệt giam”.

Được biết, Cục Điều tra - VKSND Tối cao (cơ quan có thẩm quyền điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp) đã vào cuộc, các Điều tra viên đã làm việc với ĐTV Kiên, lãnh đạo Công an huyện Nam Đàn, với phạm nhân Yến và một số người biết sự việc này.

Có “ý kiến chỉ đạo” của Ban chuyên án?

Cũng trong thời gian các Điều tra viên của Cục Điều tra, VKSND Tối cao đang tích cực xác minh vụ việc trên tại Nam Đàn thì trong một diến biến khác, cơ quan này cũng đã khởi tố một trung tá, ĐTV của CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang do ĐTV này đã có hành vi “ép” bị can (trong vụ án “hậu Năm Cam”) phải giải quyết một việc dân sự, lấy tiền của đương sự để gửi tiết kiệm lấy lãi, chiếm hưởng cá nhân.

Xét ở góc độ nào đó, hai vụ việc đều có tính chất vụ lợi, mang động cơ cá nhân; đều có hành vi làm trái công vụ (ép bị can, giữ tiền không liên quan đến vụ án…) gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho bị can và gia đình họ

Tuy nhiên, phát biểu trên một tờ báo, Thượng tá Lê Khắc Thuyết- Trưởng Công an huyện Nam Đàn cho rằng:“Toàn bộ số tiền này không có tiêu cực mà làm theo đúng chỉ đạo của ban chuyên án” và “ĐTV Kiên là một ĐTV năng nổ, nhiệt tình, thẳng thắn”.

Việc có sự chỉ đạo của “Ban chuyên án” trong việc ĐTV Kiên nhận giữ và chi số tiền 700 triệu trên là có thật. Bút tích của một số cá nhân trong Ban chuyên án này còn thể hiện rõ trên một số văn bản đề xuất của ĐTV Kiên (ĐTV Kiên đã cho chúng tôi xem những văn bản này trong buổi làm việc ngày 7/11/2012). Nhưng như chính ĐTV Kiên đã thừa nhận thì việc nhận giữ và chi số tiền 700 triệu trên “không nằm trong vụ án Hiếp dâm; Chứa mại dâm”. Vậy tại sao Ban chuyên án lại “có ý kiến” đối với một vụ việc ngoài “chuyên án” mà mình chỉ đạo? Và ai dám chắc là ý kiến của Ban chuyên án là hoàn toàn đúng luật?

Còn ĐTV Kiên “năng nổ, nhiệt tình” là điều đã được thể hiện khá rõ. Chỉ có điều, sự “nhiệt tình” này có đi quá giới hạn hay không khi mà ĐTV này đã can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự và tiền bạc của một bị can đang bị mình quy kết tội phạm? Việc “năng nổ” quá giới hạn này có vi phạm pháp luật hay không dư luận đang chờ kết luận của Cục Điều tra, VKSND Tối cao.            

Trao đổi với PLVN, Luật sư Dương Kim Sơn (Cty Luật TGT và Cộng sự) cho rằng: “ĐTV dùng ảnh hưởng của mình để can thiệp vào một quan hệ dân sự của bị can trong vụ án do mình đang điều tra là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tự thỏa thuận của các đương sự, vi phạm Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự khi gặp gỡ người nhà bị can, trích xuất bị can ra khỏi phòng giam để giải quyết việc dân sự với nhiều người; tự ý giữ tiền của bị can mà không gửi vào kho bạc…Chưa kể đến việc ủy quyền, chi tiền… trên đều không đúng quy định vì không có chứng thực của người có thẩm quyền và một mình chị Yến không thể định đoạt số tài sản chung của vợ chồng…Trường hợp ĐTV mà can thiệp để có lợi cho người thân như trên là đã mang dấu hiệu của tội “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, nếu tố cáo của chị Yến về việc bị bỏ đói, bỏ rét, dọa dẫm…trong nhà tạm giam là đúng thì vụ việc còn có dấu hiệu của tội “dùng nhục hình”, “bức cung”.

Khoa Lâm

Đọc thêm