Hệ lụy "đủ đường" khi con gái lấy tên đệm cha làm họ

Khi con gái sinh ra, người dân xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cách Bờ Hồ chỉ hơn chục km, lấy tên đêm của bố để đặt họ. Bé mới sinh là con trai vẫn được mang họ bố bình thường. Hưng Yên từng xảy ra những trường hợp tương tự. Có lẽ khi người dân ở các vùng này không nghĩ đến những hệ lụy với con em mình khi chúng lớn lên và trưởng thành...

Xã hội ngày càng văn minh thì những tưởng qua rồi cái thời hủ tục “con gái không được mang họ cha”,  nhưng gần đây dư luận bỗng  lại “nóng” lên hiện tượng này, mà chuyện xảy ra ngay tại Hà Nội…

Việc lấy tên đệm của cha  làm họ là không đúng với quy  định của pháp luật
Việc lấy tên đệm của cha làm họ là không đúng với quy định của pháp luật

Con không mang họ bố là do… tập tục

Theo phản ánh trên một tờ báo điện tử, tập tục con gái lấy tên đệm của cha làm họ hiện vẫn còn tồn tại ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cách Bờ Hồ chỉ hơn chục km. Do làng xã từ xa xưa đã có những dòng họ lớn, dòng họ này phát triển thành các chi, mỗi họ có thể có đến 6,7 chi. Vì thế khi con gái sinh ra, các chi này sẽ được dùng để đặt họ cho con gái. Ví dụ, bố là Nguyễn Viết X thì con gái sinh ra sẽ có họ là Viết, bố là Nguyễn Chí Y thì họ con gái sẽ là Chí… Tuy nhiên, đối với con trai, thì vẫn mang họ bố bình thường.

Ông Phạm Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội thừa nhận: đúng là có chuyện lấy tên đệm của cha làm họ cho con gái, tuy nhiên đó là từ thời “xa xưa”, cách đây nhiều năm. Người dân ở đây đặt như vậy theo tục lệ địa phương và theo hương ước làng xã.

Tuy nhiên, ngay sau khi Hà Nội hợp nhất, Sở Tư pháp đã có kiểm tra và chỉ đạo, kết hợp với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nên việc này đã chấm dứt, thực tế không phát sinh thêm những trường hợp mới. Nếu có còn là do tồn tại của lịch sử. “Sở Tư pháp cũng quán triệt đến cán bộ hộ tịch, người có thẩm quyền ký đăng ký khai sinh (lãnh đạo UBND cấp xã) không giải quyết các trường hợp lấy tên đệm của cha làm họ cho con gái”, ông Phương cho biết thêm.

Không chỉ ở Hà Nội, trước đây ở Hưng Yên cũng đã xảy ra những trường hợp tương tự. Rất nhiều học sinh làm hồ sơ thi đại học gặp rắc rối khi mà họ của mình không giống họ của cha đẻ, ngành công an cũng khó khăn trong khi làm chứng minh nhân dân vì dữ liệu hộ tịch không thống nhất…

Không còn cách nào khác, cả trăm, ngàn người dân “tá hỏa” đi xin cải chính để trở về “họ gốc” đích thực của mình, với những thủ tục rất phức tạp, mệt mỏi. Bộ Tư pháp cùng các cấp, ngành và tư pháp địa phương đã phải vào cuộc một cách rốt ráo, khẩn trương để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là trước khi kỳ thi đại học bắt đầu. Có lẽ từ “kinh nghiệm xương máu” của Hưng Yên, nhiều làng xã đã dần bỏ được phong tục kỳ lạ này.

Tuyệt đối không giải quyết những trường hợp “đổi họ”

Có lẽ khi người dân ở các vùng lấy tên đệm của cha làm họ cho con gái, họ không nghĩ đến những hệ lụy vô cùng rắc rối cho con em mình khi chúng lớn lên và trưởng thành. Bởi lẽ giấy khai sinh là giấy tờ gốc mà mọi thứ giấy tờ khác phải tuân theo. Nếu đã mang họ X. trong giấy khai sinh thì tất cả học bạ, chứng minh thư, hộ khẩu… và các loại giấy tờ tùy thân khác cũng đều phải mang họ X.

Nếu một khi phải “cải” giấy khai sinh đương nhiên cũng phải điều chỉnh tất cả các loại giấy tờ này. Và đây là việc làm không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian, công sức. Đó chỉ là một trong muôn ngàn rắc rối.

Còn nhiều rắc rối hơn, theo Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên Nguyễn Hùng Tráng thì đó là các trường hợp người con có thể bị mất quyền thừa kế vì không chứng minh được mình là con của người đã chết, hay như việc cha bảo lãnh cho con ra nước ngoài, việc hưởng các chế độ của nhà nước trong học tập, công tác… đều có thể gặp rắc rối vì đơn giản cơ quan chức năng sẽ đặt câu hỏi tại sao con lại không mang họ của cha hoặc mẹ?. Nếu không có cơ sở chứng minh thì người dân đương nhiên phải chịu thiệt thòi do việc này mang lại.

Phân tích về pháp lý, Giám đốc Tráng cho rằng, việc lấy tên đệm của cha làm họ là không đúng với quy định của pháp luật, vì pháp luật quy định con có quyền mang họ của cha/mẹ. Nếu muốn mang họ của người khác thì phải làm thủ tục nhận con. Ông Tráng cũng khẳng định, về nguyên tắc, cán bộ có thẩm quyền không được phép đăng ký cho những trường hợp “tự tiện” đổi họ như vậy.

Còn theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương, các trường hợp đã “trót” mang họ là tên đệm của cha, nếu người dân có nguyện vọng thì UBND cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được làm thủ tục cải chính.

Và quan trọng hơn, dần tiến tới “xóa bỏ” tục lệ này cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền pháp luật về hộ tịch, phải làm cho người dân hiểu nếu họ cứ “đổi họ” như vậy thì sẽ tự chuốc lấy những phiền toái cho bản thân và cho con em mình.

Bình An

Đọc thêm