Hệ lụy pháp lý khi thú nuôi “gây án”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Các vụ việc chó dữ tấn công người gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người vẫn luôn là mối quan tâm, bức xúc của dư luận nhiều năm nay khi đã có quy định pháp lý nhưng tình trạng này vẫn tương đối phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho cộng đồng. Dư luận cho rằng cần truy cứu trách nhiệm pháp lý của chủ vật nuôi tới cùng, xử lý triệt để các trường hợp chủ nuôi dù vô tình hay cố ý để thú nuôi “gây án”.
Để chó cắn người, chủ chó có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự. (Ảnh minh họa)
Để chó cắn người, chủ chó có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự. (Ảnh minh họa)

Vướng lao lý do để chó cắn người

Đối với những vụ việc như chó dữ tấn công du khách người Anh tại TP Nha Trang khiến du khách này phải nhập viện, hay vụ việc chủ chó đánh người ở chung cư Saigon Riverside tại TP Hồ Chí Minh đều xảy ra vào tháng 2/2023, dư luận đều bức xúc mong muốn cơ quan chức năng sẽ xử lý hình sự các chủ sở hữu vật nuôi để tăng tính răn đe. Nguyên nhân chủ yếu là bởi một bộ phận chủ sở hữu vật nuôi ý thức kém, thường xuyên để thả rông chó, thậm chí chó to, chó dữ không được rọ mõm, tại những nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn cộng đồng.

Khi được góp ý, nhiều chủ chó không những không rút kinh nghiệm mà thậm chí còn có hành vi chửi bới, hung hăng, côn đồ đối với người khác. Mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật, hoạt động tuyên truyền về việc không để chó thả rông nơi công cộng ngày càng được đẩy mạnh, nhưng nhiều chủ chó vẫn có thái độ coi thường pháp luật, lơ là trong quản lý vật nuôi của mình, dẫn đến hậu quả xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây bức xúc dư luận.

Một trường hợp khác mặc dù không phổ biến nhưng vẫn xảy ra trên thực tế là tình trạng cố ý thả chó dữ cắn người vì mâu thuẫn cá nhân. Gần đây nhất là phiên toà ngày 20/6/2023, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt tù ba bị cáo liên quan trong vụ đánh nhau vào ngày 29/05/2022, sau đó một người đã về nhà và thả chó dữ qua tấn công đối thủ.

Theo cáo trạng, sau khi bị hai bị cáo Tâm và Ngọc đánh, bị cáo Thảo đã có hành vi về nhà mở cửa chuồng thả 2 con chó, một pitbull và một béc giê chạy qua nhà Ngọc để cho chó cắn Ngọc ở vùng đầu, cổ, mặt và tay chân, gây tỉ lệ thương tích 29%. Tuy hậu quả chết người chưa xảy ra nhưng hành vi thả chó dữ tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả chết người. Do đó, toà phán quyết, các bị cáo Tâm và Ngọc nhận hình phạt 9 năm tù, bị cáo Thảo nhận hình phạt 10 năm tù, cùng về tội “Giết người”.

Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc chó tấn công người, chó cắn chết người xảy ra, gây bức xúc, hoang mang cộng đồng và dư luận. Nhưng thông thường nếu hậu quả gây ra không quá nghiêm trọng, thì các chủ chó thường chỉ đối mặt với xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Riêng một số vụ việc nghiêm trọng như chó dữ giống Alabai, nặng 50kg tuột khỏi xích và tấn công du khách tấn công du khách người Anh tại TP Nha Trang khiến anh phải nhập viện.

Ngay sau vụ việc, địa phương đã nhanh chóng phối hợp với ngành thú y, chủ nuôi chó thống nhất tiêm thuốc mê sau đó tiêu hủy con chó nói trên để bảo đảm không gây nguy hiểm cho người dân xung quanh. Các cơ quan chức năng đang thực hiện điều tra, làm rõ vụ việc theo đúng trình tự pháp luật. Nếu cơ quan công an xem xét và ra quyết định không có yếu tố hình sự, địa phương sẽ xử phạt hành chính theo quy định.

Nhìn chung, mặc dù có căn cứ pháp lý, các vụ việc khởi tố hình sự đối với chủ chó tấn công người vẫn chưa nhiều, khiến nhiều ý kiến nghi vấn đặt ra đối với các hình phạt hiện nay đã đủ sức răn đe đối với các chủ nuôi chó dữ nhưng vô ý thức, lơ là trong việc trông nom, kiểm soát thú nuôi của mình. Bởi dù hậu quả nghiêm trọng hay không, tình trạng thả rông chó không rọ mõm, không quản lý chó dữ đã và đang gây ra những “cơn ác mộng kinh hoàng” cho cộng đồng nhiều năm nay.

Cần xử lý hình sự nhằm tăng tính răn đe

Hiện trường vụ việc con chó tấn công du khách người Anh tại TP Nha Trang. (Ảnh: Pháp luật TP HCM)

Hiện trường vụ việc con chó tấn công du khách người Anh tại TP Nha Trang.

(Ảnh: Pháp luật TP HCM)

Theo các chuyên gia pháp lý, mỗi vụ việc để chó cắn người lại có những hoàn cảnh, nguyên nhân khác nhau. Để xử lý trách nhiệm hình sự chủ vật nuôi trong những vụ việc như thế này thì cơ quan điều tra phải đánh giá toàn diện tính chất, mức độ và động cơ của chủ vật nuôi.

Đơn cử, trong trường hợp không tiêm phòng, không quản lý chó nơi công cộng để chó cắn người dẫn đến hậu quả chết người thì chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định an toàn nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp sơ suất trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người, có thể căn cứ tội “Vô ý làm chết người” để khởi tố chủ vật nuôi, với mức phạt tù cao nhất lên tới 10 năm tương ứng với hậu quả là chết 2 người trở lên. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp chủ chó bị xử lý về các tội như “Cố ý gây thương tích”; tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”; hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”.

Ngoài ra, chủ nuôi cũng phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể, theo Bộ luật Dân sự 2015, đối với các trường hợp chó dữ tấn công người khác gây tổn hại sức khỏe, tài sản thì tùy theo mức độ tổn hại mà chủ nuôi chó phải bồi thường cho người bị hại theo luật định, đơn cử như: “Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”… Trong trường hợp dẫn đến hậu quả chết người, chủ nuôi chó phải bồi thường thiệt hại do súc vật mình nuôi gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự về “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm”.

Ngoài ra, chủ vật nuôi còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Với trường hợp chủ chó đánh người ở chung cư Saigon Riverside tại TP Hồ Chí Minh, nếu nạn nhân bị tấn công có đơn đề nghị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”, đồng thời kết quả giám định thương tích cho thấy có tỷ lệ thương tích thì dù thương tích dưới 11% cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Nếu bị truy cứu theo tội “Cố ý gây thương tích” thì chủ chó có thể đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong các trường hợp chó tấn công người không gây hậu quả chết người, nạn nhân thường chỉ yêu cầu bồi thường chứ không yêu cầu xử lý hình sự dù đã có căn cứ pháp lý. Những lý do có thể kể đến là do “cả nể tình làng nghĩa xóm”, “ngại phiền phức”, “ngại mất mặt”, “e ngại cả chú chó và chó dữ”… nên các bên liên quan không muốn đưa vụ việc ra cơ quan chức năng xử lý mà yêu cầu bồi thường, bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút,…

Những cách thức xử lý như vậy vẫn chưa thoả đáng đối với phần đông dư luận bởi tình trạng chó thả rông vẫn diễn ra rất phổ biến ở khắp các vùng nông thôn, đô thị, đặc biệt là những nơi đông người. Thậm chí, nhiều chủ chó còn đổ lỗi cho nạn nhân vì không cẩn thận nên mới chó cắn. Nhiều bậc phụ huynh cũng lo lắng chính con cái của mình có thể trở thành nạn nhân của những con chó dữ không được kiểm soát. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có mức xử lý phù hợp để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Thiết nghĩ, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đàn vật nuôi thì chính chủ nuôi cũng phải thực hiện nghiêm túc để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người khác. Trong trường hợp có dấu hiệu vật nuôi có thể gây nguy hiểm đến cộng đồng, người dân cần phối hợp, trình báo với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa những hậu quả chưa đáng có.

Đến nay, dư luận cho rằng, để có thể khắc phục triệt để tình trạng chó thả rông tiềm ẩn nguy cơ tấn công người và sự vô ý thức của một bộ phận chủ nuôi chó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, siết chặt thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm, đặc biệt cần truy cứu trách nhiệm pháp lý của chủ nuôi tới tận cùng trong nhiều trường hợp nghiêm trọng để tạo tính răn đe trong xã hội, cảnh báo những chủ vật nuôi khác phải nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý vật nuôi trong cộng đồng.

Đọc thêm