Chưa nói đến chuyện cấp chứng minh nhân dân (CMND) theo mẫu mới, đối với những người vì lý do đặc biệt (làm mất, làm hỏng… CMND) cũng gặp vô cùng phiền toái khi đi làm lại CMND, Cơ quan Công an “dễ dàng” cấp cho họ một số CMND mới (mà không phải số cũ).
CMND mẫu mới |
Có chút tiền tiết kiệm, chị T.H.M. ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội bàn bạc với chồng gửi vào ngân hàng để dành lo việc cho con trai vào lớp 1. Khi đó, làm thủ tục gửi tiền, chị đăng ký với ngân hàng số CMND hiện tại đang dùng.
Tuy nhiên, trong một lần sơ sểnh, chị bị kẻ gian móc mất ví tiền, trong đó có cả giấy tờ xe và CMND. Vì thế, chị phải trở về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để xin làm lại CMND. Tuy nhiên, khi làm lại giấy tờ này, cán bộ Công an cũng không hỏi chị CMND cũ số bao nhiêu, có mất mát gì không… mà “vô tư” cấp cho chị một số mới toanh. Thấy không bị phiền hà, chị M. cũng hồ hởi đón nhận.
Đến hè 2012 vừa rồi, chị quyết định rút toàn bộ số tiền tiết kiệm để xin cho con trai vào lớp 1 của một trường quốc tế trên địa bàn. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của ngân hàng, chị phải xuất trình CMND. CMND cũ thì đã mất, CMND mới tuy cũng tên, địa chỉ, quê quán, đặc điểm nhận dạng đó… nhưng với mã số hoàn toàn mới, cán bộ ngân hàng không chấp nhận cho chị rút tiền.
Tương tự như trường hợp của chị M., ông N.S.T. là cán bộ hưu trí ở một phường của Hà Nội. Ông T. có một chiếc xe máy tay ga loại đắt tiền mà trước đây ông mua cho con gái đi học. Nay con gái đã ra nước ngoài và lại có việc cần tiền nên ông T. quyết định bán xe cho một người quen.
Tuy nhiên, ở thời điểm làm đăng ký xe, ông T. đăng ký bằng một CMND cũ. Sau khi cấp lại, không hiểu sao ông lại được cấp số CMND mới nên khi làm thủ tục mua bán, ông không thể sang tên vì không chứng minh được mình đúng là người có số CMND thể hiện trên đăng ký xe. Rình rang cuối cùng ông cũng bán được xe với giá rẻ hơn bình thường vì người mua nại ra lý do, với số CMND không khớp nên họ không thể làm thủ tục sang tên, đổi chủ.
Không ít người dân gặp phiền toái khi CMND mang số mới. Với số hiệu mới này, nhiều giao dịch của người dân không thể thực hiện hoặc thực hiện rất khó khăn khi họ không chứng minh được mình là mình mà không phải là người khác bằng việc thay đổi số CMND.
Mặc dù Nghị định 05/1999/NĐ-CP và Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05 về CMND quy định rõ các trường hợp cấp đổi và thủ tục cấp đổi CMND nhưng trên thực tế do sự chủ quan của người dân và việc có phần dễ dãi trong quy định cấp đổi của cơ quan chức năng khiến người dân gặp trở ngại trong những giao dịch thường ngày.
Mỗi lần giao dịch, xác nhận một lần?
Bên cạnh những rắc rối phiền toái phát sinh từ việc người dân “tự nhiên” được thêm một số CMND mới thì việc cấp CMND theo quy định mới nhất của Bộ Công an cũng gây nhiều phiền lụy.
Theo Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16/5/2012 quy định về mẫu CMND, số CMND gồm 12 chữ số thay cho 9 chữ số như mẫu CMND cũ đã được cấp trước đây. Cũng theo tinh thần Thông tư này, CMND (9 số cũ) nếu vẫn còn thời hạn thì vẫn còn giá trị sử dụng. Người dân nếu có yêu cầu đổi thì sẽ được thực hiện theo Thông tư mới.
Tuy nhiên, vấn đề mà người dân quan tâm nếu họ đổi CMND theo mẫu mới thì sẽ giải quyết ra sao đối với rất nhiều giấy tờ của người dân đều mang số CMND cũ (ví dụ đăng ký xe, tài khoản, sổ tiết kiệm tại ngân hàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà…).
Họ sẽ không thể thực hiện các giao dịch hàng ngày như đối với hai trường hợp vừa nêu. Hay đơn giản hơn chỉ là khi một người làm mất thẻ sim điện thoại, ra yêu cầu khôi phục, lấy lại sim, nhà mạng cũng không giải quyết, đơn giản khi chủ thuê bao đăng ký với nhà mạng là bằng một số CMND hoàn toàn khác.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú bày tỏ lo ngại trước việc cấp CMND số mới cho các trường hợp yêu cầu đổi. Ông cho biết, mặc dù Văn phòng Công chứng của ông chưa tiếp nhận nhiều loại việc này nhưng trù liệu sẽ hết sức khó khăn khi sổ đỏ của dân mang một số CMND khác, nay họ lại được cấp với số khác, nếu không chứng minh được người yêu cầu công chứng đúng là người có tên trên sổ đỏ thì công chứng viên không thể “chứng” vào hợp đồng. Tương tự là việc mua bán, sang tên tài sản, rồi rút tiền từ ngân hàng…
Để giải quyết các trường hợp trên, để việc sử dụng các giấy tờ, bằng cấp có liên quan đến số CMND cũ không gặp nhiều phiền phức, đồng thời để giải quyết các giao dịch đã được thiết lập trước đó với cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo hướng dẫn của ngành Công an, khi làm thủ tục cấp đổi CMND, người dân có thể yêu cầu cơ quan Công an cấp thêm Giấy xác nhận về số chứng minh cũ.
Tuy nhiên, việc xin giấy xác nhận của ngành Công an đối với nhiều người dân cũng là một thủ tục không đơn giản, phải đi lại, chờ đợi mất thời gian. Hơn thế, khi hàng loạt giấy tờ mang số CMND cũ, nghĩa là họ phải thực hiện rất nhiều công việc, giao dịch liên quan.
Trong khi đó, nếu chỉ trình giấy xác nhận thì không vấn đề gì, nhiều cơ quan khi giải quyết công việc còn đề nghị giữ lại luôn bản chính (hoặc phô tô có chứng thực) để làm “bằng chứng” chứng minh người thực hiện giao dịch đó đúng là người có số ghi trên CMND. Việc này đồng nghĩa người dân phải đi xin xác nhận nhiều lần, hoặc phải đi đến UB cấp xã chứng thực sao y.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, ngành Công an cần trù liệu những rắc rối phát sinh và tạo điều kiện tối đa khi người dân có yêu cầu xác nhận giữa CMND cũ – mới. Ở những địa phương chưa có điều kiện cấp theo mẫu mới thì việc cấp đổi lại cần thực hiện theo đúng quy trình, tránh sự dễ dãi, tùy tiện vô tình làm khó cho dân.
Hà Anh