Hệ sinh thái All-in-one: ‘Chìa khóa’ giúp doanh nghiệp TPCN vượt khó về đích

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang có sự biến đổi đầy thú vị, đặc biệt là xu hướng các doanh nghiệp liên kết tạo thành hệ sinh thái "tất cả trong một" (All-in-one) giúp tận dụng tối đa sức mạnh vốn có đồng thời hạn chế các rủi ro, từ đó cùng nhau vượt khó về đích.
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội TPCN Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội TPCN Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về thị trường thực phẩm chức năng:

Thưa ông, bối cảnh chung của thế giới và trong nước năm 2023 tác động thế nào tới ngành TPCN?

- Ngành TPCN không nằm ngoài ảnh hưởng khó khăn chung của kinh tế và các vấn đề về chính trị trên thế giới. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất là chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe giảm, sức mua TPCN giảm.

Tuy nhiên, trong năm này, các ngành kinh tế nói chung, ngành TPCN Việt Nam nói riêng lại có những thuận lợi lớn từ các chủ trương, chính sách tạo điều kiện “gỡ khó” cho doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước và các cấp quản lý đối với doanh nghiệp.

Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đã mở “cánh cửa” thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, gồm ngành TPCN Việt Nam.

Một thuận lợi nữa là việc Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều điều khoản quy định chi tiết về giới an an toàn trong TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK). Hay các dự thảo về tiêu chí giới hạn an toàn về về kim loại nặng, vi sinh, các chất gây ô nhiễm (dung lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất phóng xạ...).

Cũng trong năm 2023, Việt Nam đã nâng tầm quan hệ đối tác với nhiều nước, chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn về các lĩnh vực như là công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học.

Cùng với đó, các Hiệp ước thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký sẽ giúp việc xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài dễ dàng hơn. Ngành TPCN bước đầu có những sản phẩm xuất khẩu sang thị trường thế giới và thế giới đã biết đến Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn đối với ngành TPCN hiện nay?

- Thực tế, các doanh nghiệp trong ngành TPCN vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là khung pháp lý chưa thực sự hoàn thiện, chưa thực sự tạo ra một thị trường TPCN lành mạnh. Đơn cử, hiện nay Bộ Y tế mới đưa ra dự thảo thông tư về giới hạn an toàn và các chất cấm không được phép đưa vào TPCN, còn các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng lại chưa ban hành. Điều này sẽ gây rào cản nhất định khi doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường. Khi chưa có quy định chuẩn về chất lượng thì sẽ tiếp diễn vấn nạn quảng cáo nói quá, nói sai về công dụng. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, hàng hết hạn “tung hoành”… Nếu có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành TPCN, đặc biệt là TPBVSK và tiêu chuẩn này được giám sát thực hiện nghiêm thì sẽ loại bỏ được các loại hình làm ăn “chụp giật”, “làm giả ăn thật” như trên.

Khó khăn tiếp theo của ngành TPCN là ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất còn yếu. Đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong ngành TPCN còn ít, chưa tập trung, chưa tương xứng với sự phát triển và kỳ vọng của doanh nghiệp. Việc đào tạo nhân sự TPCN cũng còn yếu và còn thiếu. Các trường đào tạo liên quan tới y tế còn chưa có môn học chính thức về TPCN. Do đó, những người kinh doanh về lĩnh vực này còn hổng rất nhiều về kiến thức.

Một vấn đề nữa là hiện nay nhiều người vẫn có tâm lý “sính ngoại”, thích hàng xách tay nội địa nước ngoài, từ đó tạo cơ hội và tiếp tay cho các tư thương mang hàng về tiêu thụ tại Việt Nam, mục tiêu là trốn thuế. Theo tôi, vấn đề này tôi cần có sự can thiệp của pháp luật, có chế tài mạnh hơn đủ răn đe những người tiếp tay cho hàng không rõ nguồn gốc, hàng trốn thuế, hàng nhập lậu.

Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua những khó khăn này?

Hiệp hội TPCN Việt Nam cũng đã nhiều lần đề nghị với các cấp có thẩm quyền giải pháp giúp lành mạnh hóa thị trường TPCN, ví dụ như cách xử phạt khi quảng cáo không đúng về sản phẩm và gian lận thương mại. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có chế tài xử lý triệt để.

Tôi thấy các doanh nghiệp TPCN còn rất lúng túng trước những khó khăn. Theo tôi, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, đi sâu vào các sản phẩm, các ngách thị trường mà doanh nghiệp mình có thế mạnh. Thực tế hiện nay rất hiếm doanh nghiệp làm kiểu đại trà, họ sẽ tự cơ cấu lại để thích ứng. Đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu từ truyền thống chuyển dần sang phi truyền thống, chuyển từ bán cho nhà thuốc, bệnh viện sang maketing đa kênh gồm bán hàng online, bán qua câu lạc bộ, bán trực tiếp… Đó là cách để doanh nghiệp vượt khó nhanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có xu hướng liên kết thành chuỗi giá trị, hay nói cách khác là liên kết thành một hệ sinh thái “all-in-one” để tận dụng tối đa nội lực của từng doanh nghiệp, hạn chế tối đa những rủi ro. Bắt tay nhau, xây dựng hệ sinh thái “all-in-one” đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp mới có thể khắc phục được hết những khó khăn hiện nay và phát triển bền vững.

Theo ông, nhóm sản phẩm TPCN nào được người tiêu dùng ưa chuộng?

Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng TPCN đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây người dùng TPCN chú trọng vào việc hỗ trợ điều trị, tức là khi có bệnh mới dùng thêm TPCN để hỗ trợ điều trị, thì hiện nay xu hướng của người tiêu dùng chuyển sang dùng các TPCN để chủ động nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường thải độc, để làm đẹp, hỗ trợ vận động... Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn dùng TPCN để hỗ trợ phòng ngừa bệnh ngay từ đầu chứ không chờ đến khi có bệnh mới dùng.

Một xu hướng nữa là người tiêu dùng sẽ đi sâu vào tìm giải pháp dinh dưỡng, trong đó có sử dụng TPCN cho cả gia đình và mỗi cá nhân.

Theo dự báo, kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn khó khăn, ông nhận định ngành TPCN sẽ thế nào?

- Ngành TPCN sẽ không thể tránh khỏi khó khăn của nền kinh tế nói chung. Để tiếp tục duy trì và phát triển trong điều kiện này, các doanh nghiệp phải hướng tới người tiêu dùng, cá nhân hóa sản phẩm bắt kịp với các xu hướng của thế giới.

Ngoài ra, tôi vẫn nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại, đầu tư vào công nghệ, số hóa quy trình sản xuất, đảm bảo thân thiện với môi trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm TPCN của Việt Nam ra thế giới.

VAFF có kiến nghị gì để thúc đẩy sự phát triển ngành, hướng tới cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập?

- Để ngành TPCN Việt Nam có thể phát triển bền vững cần sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền, các doanh nghiệp, của cơ quan truyền thông và người tiêu dùng. Với tư cách là đại diện cho các doanh nghiệp TPCN, VAFF đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, VAFF kiến nghị nhà nước tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại ra thế giới. Ngành TPCN có thể đóng góp an sinh xã hội rất lớn, đặc biệt ở những vùng đồng bào khó khăn. Rất mong nhà nước cần có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, trồng dược liệu ở vùng sâu, vùng xa…

Thứ hai, VAFF kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để các doanh nghiệp tự lựa chọn, có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, công nghệ nhất định trong sản phẩm. Ví dụ như khi công bố sản phẩm TPBVSK thì phải có tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm hoạt chất chứ không chỉ có là các tiêu chuẩn về an toàn.

VAFF cũng kiến nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Thương mại, Cục Xúc tiến và các ban, ngành liên quan cần tổ chức tập huấn về các nghị định, các hiệp định thương mại tự do và rào cản kỹ thuật. Đề nghị Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Ủy ban Codex Việt Nam) có những cái buổi tập huấn cho các doanh nghiệp của Hiệp hội về những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.

Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan truyền thông chính thống cần “vào cuộc” mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngăn ngừa những thông tin rác, những thông tin sai sự thật, quảng cáo quá sự thật, hay bán hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng xã hội.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc thêm