Hệ thống pháp luật ổn định là mong muốn của chúng ta

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, hệ thống pháp luật ổn định, ít phải sửa đổi vẫn là mong muốn của chúng ta.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tính ổn định của hệ thống pháp luật tại phiên họp sáng 6/11 Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đây là cố gắng rất lớn của chúng ta và đánh giá chung của dư luận, nhân dân, các cơ quan là hệ thống pháp luật đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của đất nước.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua và quá trình thực hiện Nghị quyết 48, 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện pháp luật thì tuổi thọ trung bình của một đạo luật là trên 10 năm. 5 năm thường sửa đổi, bổ sung một số điều và 10 năm, chúng ta sửa đổi, bổ sung tổng thể.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. 

Trong thời gian vừa qua, có một số luật có tuổi thọ dưới 5 năm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những vấn đề chưa kịp cập nhật như Luật Đầu tư công, Luật Tố tụng hành chính. “Đấy là một thực trạng về tuổi thọ trung bình của một đạo luật trong bối cảnh đất nước đang phát triển, phát sinh nhiều nhu cầu”, Bộ trưởng Long cho hay.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tư pháp nhấn mạnh, hệ thống pháp luật ổn định, ít phải sửa đổi vẫn là mong muốn của chúng ta. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đã và đang thực hiện, trong đó Bộ trưởng Long nhấn mạnh đến các giải pháp như: tổng kết các Nghị quyết của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 48, 49 sẽ đề xuất ban hành một nghị quyết chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa tới về xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Đồng thời, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều quy định khắt khe hơn đối với tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng văn bản; nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành cũng như thẩm định của Bộ Tư pháp; tiếp tục có cơ chế xin ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, như trong thẩm định của Bộ Tư pháp rất coi trọng ý kiến của công luận, các chuyên gia, nhà khoa học kết hợp với kiểm tra văn bản sau ban hành.

Điều cuối cùng, Bộ trưởng Long mong muốn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát và công luận cũng nêu ý kiến chỉ ra điểm yếu để khắc phục, hoàn thiện.

Đọc thêm