Hệ thống pháp luật Việt Nam: chuyển mạnh về lượng và chất

Trong thời gian 5 năm qua, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã có trọng tâm, trọng điểm hơn

Trong 5 năm từ 2005 – 2009, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, tạo sự bứt phá đối với sự phát triển của đất nước.

Chuyển biến mạnh cả lượng và chất

Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là NQ48).

Thể chế hóa NQ48, Ủy ban thường vụ Quốc vụ đã ban hành Kế hoạch số 900/UBTVQH11 đề ra các nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cho các cơ quan với lộ trình chi tiết từ 2007 – 2012. Thời gian qua, tuy có những khó khăn nhất định nhưng việc xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã tập trung, bám sát vào các ưu tiên được xác định trong Kế hoạch số 900.

Cụ thể là, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN… Đây cũng chính là những lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sự bứt phá đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Hội thảo sơ kết việc triển khai Kế hoạch 900 thực hiện NQ48 được tổ chức vào hôm qua (14/7), Ban Chỉ đạo sơ kết do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng Ban, đã nhấn mạnh: Từ khi Nghị quyết 48 được ban hành, công tác xây dựng và thực thi pháp luật đã có những chuyển biến thực sự mạnh mẽ về số lượng văn bản ban hành, về hình thức và chất lượng nội dung văn bản.

Trong 5 năm 2005 - 2009, số lượng các luật, pháp lệnh mà Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua đã đáp ứng khoảng 70% số lượng các văn bản pháp luật mà Kế hoạch 900 đề ra cho giai đoạn 2005 – 2012.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH Đinh Xuân Thảo cho rằng, nội dung các luật, pháp lệnh này đã điều chỉnh được phần lớn các quan hệ cơ bản của đời sống xã hội.

Đáng chú ý là việc ban hành và thực thi chúng tác động tích cực đến sự phát triển mọi mặt của nước ta, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Quá kéo dài tình trạng “chờ” hướng dẫn!

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng việc triển khai Kế hoạch 900 vẫn còn không ít hạn chế, bất cập.

Theo ông Thảo, việc trình kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh trong một số trường hợp chưa thực sự đầy đủ căn cứ thực tiễn, thiếu báo cáo về bảo đảm nguồn lực tài chính để thi hành luật, nhất là đối với các dự án chứa đựng chính sách, chế độ mới, đòi hỏi kinh phí thực hiện lớn. Hay trong triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, có một số cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trình dự án không đúng tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án không cao.

Thậm chí, có không ít trường hợp Chương trình vừa được thông qua nhưng đã có đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi hình thức văn bản.

Hoan nghênh những thành quả đạt được trong triển khai Kế hoạch 900, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhận xét, có nhiều nội dung, điều luật qua quá trình chuẩn bị của Chính phủ, các tổ chức và qua thảo luận của Quốc hội chưa định hình được, không thể quy định cụ thể trong luật nên đã ban hành một số luật bị gọi là “luật khung, luật ống”. “Chúng ta hết sức không hài lòng là để kéo dài tình trạng nhiều điều luật chưa được hướng dẫn”, ông Yểu bày tỏ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho rằng, một trong những ưu tiên của Nghị quyết 48 là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Nhưng đến nay, chúng ta lại chưa có cơ chế cho nhân dân thực hiện quyền giám sát.

Điều đó đồng nghĩa với việc phải hiện thực hóa thể chế kiểm soát quyền lực của nhân dân đã giao cho các cơ quan khác bằng cách tăng cường các luật liên quan đến quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân như trưng cầu dân ý, biểu tình…

Hoàng Thư

Đọc thêm