Tập trung thực hiện các chỉ tiêu
Nhìn chung, Quý I/2019, toàn Hệ thống THADS đã khẩn trương triển khai toàn diện, đồng bộ, kịp thời các mặt công tác ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm công tác, đặc biệt đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS.
Tổng số phải thi hành là trên 525 nghìn việc; đã thi hành xong trên 125 nghìn việc trong số có điều kiện, đạt tỉ lệ 38,06% (tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2018). Về tiền, tổng số phải thi hành trên 174 nghìn tỷ đồng; đã thi hành xong trên 7 nghìn tỷ đồng trong số có điều kiện, đạt tỉ lệ 7,49% (tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2018).
Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng số thụ lý Quý I/2019 tăng cả về việc và tiền nhưng số việc và tiền có điều kiện thi hành đều giảm so với cùng kỳ năm 2018, kết quả THADS chưa có nhiều đột phá nhất là kết quả về tiền (chỉ tăng 0,49%).
Một số địa phương kết quả THADS đạt thấp so với bình quân chung của toàn quốc; còn một số sai sót, vi phạm của Chấp hành viên (CHV), công chức thi hành án. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số Thủ trưởng cơ quan THADS trong thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn chưa được sát sao, quyết liệt.
Trong bối cảnh án tín dụng ngân hàng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Lê Thị Kim Dung đã thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả thi hành án của các vụ việc này.
Về khách quan, tuy có hỗ trợ tích cực trong việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng ngân hàng nhưng một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 lại gây ra khó khăn cho cơ quan THADS khiến quá trình thi hành án chậm trễ. Ngoài ra, còn do sự phối hợp chưa chặt chẽ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế.
Về chủ quan, do Thủ trưởng một số đơn vị, cơ quan chưa chỉ đạo, kiểm tra sát sao, nhất là đối với các vụ việc có giá trị lớn; hoạt động của Tổ xử lý nợ xấu của một số địa phương chưa phát huy hiệu quả; CHV còn thiếu kiên quyết, để xảy ra vi phạm.
Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong thi hành án tín dụng ngân hàng để kịp thời báo cáo, tháo gỡ. Các đơn vị cần tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục tiến hành kiểm tra, phúc tra thực hiện kết luận của lãnh đạo tại một số địa phương đồng thời cần xây dựng kế hoạch của tổ xử lý nợ xấu để triển khai hiệu quả, đề cao vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu quả phối hợp…
Còn Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2 Nguyễn Văn Tường nhận định việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua còn chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều tồn tại. Lãnh đạo một số đơn vị chưa sát sao, không nắm được tình hình công việc; công tác thẩm định giá, bán đấu giá còn một số vi phạm; cơ quan uỷ thác thi hành án còn thiếu trách nhiệm trong cung cấp thông tin, chậm xử lý tài sản cơ quan điều tra đã kê biên.
Do đó Tổng cục THADS cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn hệ thống, trọng tâm là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; định kỳ làm việc với các cơ quan thi hành án có lượng án lớn, nhiều vướng mắc.
Đồng thời tăng cường phối hợp, đề cao vai trò của cấp uỷ địa phương; thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng “khoán trắng” cho CHV...
Thực hiện nghiêm quy định về kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản
Cũng liên quan tới việc thi hành án kinh tế, tham nhũng, Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh cho rằng nhận thức của CHV còn chưa đầy đủ nên chưa có tác động kịp thời để thu hồi tài sản cho Nhà nước; chưa kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để xử lý; còn tình trạng CHV không nghiên cứu kỹ hồ sơ, không cập nhật các quy định pháp luật...
Từ đó, ông Doanh nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường kiểm tra về việc ký hợp đồng thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, dễ phát sinh các sai phạm. Ngoài ra, ông Doanh kiến nghị Tổng cục THADS cần xây dựng quy trình cho phép đo vẽ, kê biên, thẩm định giá tài sản là nhà đất khi đương sự không mở cửa, trốn tránh và chống đối quyết liệt.
Nhận định lượng việc và tiền quý I/2019 tăng so với cùng kỳ, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi yêu cầu toàn Hệ thống phải tăng tốc, các Cục trưởng, Chi cục trưởng phải quan tâm xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ của đơn vị.
Theo đó, các cơ quan THADS cần quán triệt và tiếp thu đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Trong đó yêu cầu: “Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát”. Đồng thời tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Các Cục, Chi cục tập trung quyết liệt, chỉ đạo, đôn đốc, xây dựng kế hoạch, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Thực hiện nghiêm các quy định về kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, bảo đảm tính khách quan trong công tác này.
Các cơ quan THADS cần tiếp tục triển khai vận hành Phần mềm quản lý THADS tại địa phương; thường xuyên rà soát, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành để hoàn thiện phần mềm.
“Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và kinh tế số được coi là một trong những mục tiêu trọng điểm hiện nay, do đó, nếu Hệ thống THADS không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì sẽ trở nên lạc hậu và bị đào thải”, ông Khôi nhấn mạnh.