Vừa qua, tại Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, giáo sư Alisa Freedman (đại học Oregon, Mỹ) có buổi trình bày khá thú vị về vấn đề hiện đại hóa văn hóa, văn học Nhật Bản với hai đối tượng tưởng như không liên quan nhau: “Văn hóa, văn học Nhật Bản đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa hệ thống giao thông”.
Ở Nhật Bản, khi hệ thống xe điện phát triển đến mức trở thành phương tiện giao thông chính thì nó không chỉ xuất hiện như một đề tài của văn chương mà còn là không gian riêng của quá trình sáng tác – thưởng thức văn chương.
Người Nhật không chỉ in ấn sách với kích thước nhỏ gọn phù hợp với việc đi lại trên xe điện mà còn tổ chức cả một không gian sáng tác trong môi trường sử dụng xe điện. Đã xuất hiện loại hình tiểu thuyết chuyên dành cho người đi xe điện. Trong đó, hành khách chính là độc giả đồng thời cũng chính là tác giả. Những trang web văn học dành riêng cho loại hình này được thiết lập để hành khách có thể đọc, đồng thời đăng tác phẩm của mình cho người khác đọc.
Những tác phẩm loại này có đặc trưng thi pháp riêng chứ không hoàn toàn giống với tiểu thuyết thông thường. Chẳng hạn, văn chương loại này hướng đến kể sự việc hơn là tản mạn miêu tả; cấu tạo câu ngắn, gọn; các biểu tượng cảm xúc (emotion) được sử dụng phổ biến thay cho ngôn từ… Loại hình văn học này đã có tác phẩm đoạt giải cấp quốc gia và khi in thành sách cũng đạt best-seller.
Mở rộng ra, văn hóa của người Nhật hiện đại cũng thay đổi theo. Xe điện hình thành nên tác phong đúng giờ của người Nhật. Không gian xe điện không chỉ là việc đi lại mà còn là nơi mua sắm (ở các nhà ga), là nơi hẹn hò của tình nhân đôi lứa (cũng ở các nhà ga). Hoặc hỏi đường, địa chỉ, thay vì chỉ vị trí thì người được hỏi sẽ chỉ nhà ga…
Các học giả Việt Nam trao đổi với Gs. Alisa Freedman. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Alisa Freedman là giáo sư tại Khoa văn học Châu Á và Trung tâm Châu Á học thuộc Đại học Oregon (University of Oregon). Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là văn học Nhật Bản hiện đại, văn hóa đại chúng Nhật Bản, văn hóa thanh niên, phương tiện truyền thông thị giác, văn hóa kỹ thuật số, nghiên cứu đô thị và giới tính.
Sử dụng phương pháp nghiên cứu văn hóa học (cultural studies) kết hợp nghiên cứu lịch sử và phân tích văn học, Gs. Alisa Freedman khảo sát các tác phẩm văn học hư cấu, báo chí và văn hóa đại chúng đầu thế kỉ XX để khám phá xem hệ thống giao thông hiện đại (một nhân tố thiết yếu của tiến trình hiện đại hóa) đã tác động đến hàng loạt sự thay đổi của xã hội, phong trào nghệ thuật và văn học ở Tokyo thời kì đó như thế nào.
Theo lý giải của bà, không gian của xe điện thì chật hẹp mà những con người xa lạ lại phải ngồi chung với nhau cả giờ đồng hồ. Khi ở cạnh nhau với cự ly rất gần như vậy, người ta không thể cứ nhìn chằm chằm vào cơ thể nhau được. Vì vậy phải có hướng nào đó để giải quyết. Giải pháp được lựa chọn nhiều là đọc sách. Trước kia là đọc sách bản in, nay đọc sách online. Từ đọc sách đến viết truyện là một khoảng cách không xa đối với người có năng lực sáng tác.
Hành khách sử dụng hệ thống xe điện ở Nhật Bản luôn đông đúc nhưng họ không ồn ào cười nói huyên thuyên như ở nhiều quốc gia khác. Nếu không đọc sách, nghe nhạc thì họ có thể làm việc trên thiết bị di động của mình. Điều kiện làm việc trên không gian xe điện cũng làm thay đổi cấu trúc viết thư của người Nhật. Cách viết thư (email), không còn chào hỏi dài dòng đủ lễ nghi như trước.
Kết quả nghiên cứu của Gs. Alisa Freedman không chỉ đóng góp cho lý luận mà còn góp phần rất thiết thực cho việc vận hành hệ thống xe điện sắp được đưa vào sử dụng ở Việt Nam.