Thực tế cho thấy, sau thời gian các Cty môi giới hay phát triển bất động sản mọc lên nhiều “như nấm sau mưa”, hiện nhiều Cty chỉ còn lại giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, có những Cty đóng cửa vì nợ nần. Từ đầu tháng 7, thị trường có một số tín hiệu mới. Đó là một số chủ đầu tư còn “sống sót” bắt đầu chuyển từ thế phòng thủ sang thế chủ động tung hàng hóa, thăm dò thị hiếu sản phẩm, tổ chức mở bán trở lại. Nhưng đó cũng chỉ là tín hiệu, còn thực chất ra sao rất khó nắm bắt.
Một nguồn dữ liệu thống kê là các trang rao bán nhà đất, cho thấy trong quý II các lượng tin rao bán bất động sản có dấu hiệu tăng nhẹ 1 - 3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng không thể thống kê được giao dịch thành công, cũng như không thể xác định nổi có sự nhiễu loạn trong đăng thông tin rao bán hay không.
Muốn phá băng bất động sản, trước tiên phải giải quyết vấn đề tâm lý, nghĩa là cần lấy lại được niềm tin khách hàng. Suốt năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, nhiều người mua đã bị các cú sốc: sản phẩm vướng pháp lý vẫn bán ra thị trường, một số vụ bội tín, hủy bỏ cam kết ưu đãi hỗ trợ đẩy người mua vào thế khó khăn; làm khủng hoảng niềm tin đối với thị trường bất động sản một cách trầm trọng. Hiện đà bán bất động sản vẫn diễn ra một chiều, người bán nhiều, người mua đã ít lại chưa mặn mà, thanh khoản chưa cải thiện; nên người muốn mua vẫn còn tâm lý chờ “bắt đáy” nhà đất.
Còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới thị trường nhà đất, như lãi suất cho vay cố định (không thả nổi) hỗ trợ người mua; gỡ vướng pháp lý dự án và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt pháp lý các dự án còn đang vướng. Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân, cũng là một yếu tố ảnh hưởng thị trường.
Còn một vấn đề nữa tất cả cần hết sức lưu tâm, đó là nhu cầu mua để ở thực và khả năng mua của nhóm đối tượng này. Đây mới là trọng tâm của câu chuyện thị trường nhà đất xưa nay và mãi sau này. Thị trường nhà đất, xét về bản chất, chỉ có thể vận hành một cách lành mạnh hiệu quả bền vững và tạo ra các hiệu quả hiệu ứng tốt nhất cho xã hội, nếu đáp ứng nhu cầu ở thật, buôn bán kinh doanh sản xuất thật. Đó là lý do thời gian gần đây, một số DN bất động sản chuyển hướng sang lĩnh vực nhà ở xã hội, dù lợi nhuận có thể không nhiều, nhưng cho ra sản phẩm thật, phục vụ con người thật, phục vụ xã hội. Đó được đánh giá là một hướng đi đúng đắn.
Còn nếu cứ tiếp tục kỳ vọng “tan băng” để những người ôm nhà đất đầu cơ có cơ hội buôn bán nhà đất kiếm lời dễ dàng; thì quả là quá sớm để kỳ vọng điều đó; thậm chí có thể gọi là điều viễn tưởng. Thị trường nhà đất nhất định sẽ sớm “tan băng”, nhưng “tan băng” theo kiểu phục vụ nhu cầu ở thực và sản xuất kinh doanh buôn bán thực; chứ không dễ “tan băng” với nhóm đối tượng “thổi giá”, đòi “1 vốn 4 lời”, làm nhiễu loạn thị trường.