Thật khó chịu và giật mình khi đang lưu thông bỗng thấy hòn đá nằm chình ình hay những cành cây, khúc gỗ ngổn ngang trên mặt đường. Nhiều người do thiếu quan sát đã tông vào gây tai nạn, thậm chí có trường hợp tử vong.
Những “biển báo” gây họa
Những “biển báo” không giống ai này được lái xe sử dụng trên dọc tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến tỉnh lộ khi xe bị hỏng máy là vi phạm luật và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhưng chưa có cơ quan nào quy định cụ thể khi xe bị hỏng, chết máy dọc đường phải có bảng hiệu gì để báo hiệu.
Sự tùy tiện này không chỉ làm mất đi vẻ mỹ quan trên đường mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông bởi sau khi sửa xong phương tiện nhiều chủ xe đã bỏ mặc, không dọn những nhành cây, cục đá… nằm ngổn ngang trên đường.
“Biển báo” không giống ai này được lái xe sử dụng khi xe hỏng trên đường
Tại Điểm d, Điểm g, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; Khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe theo quy định thì bị phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, nhưng xem ra quy định này khó xử phạt. Bởi nếu không sử dụng các vật liệu đó để báo hiệu cho người đi đường biết để tránh thì lái xe không biết phải làm gì để cảnh báo an toàn cho người tham gia giao thông vì trên xe không có thiết bị nào khác.
Tình trạng lái xe dùng các chướng ngại vật để làm biển báo hiệu xảy ra khá phổ biến. Ở các nước trên thế giới, mỗi xe khi tham gia giao thông đều có bộ biển báo này đi kèm nhưng ở ta thì tuyệt đại đa số không có xe nào được trang bị.
Sáng kiến hay cần được nhân rộng
Tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế dài hơn 120km, có hai đèo dốc rất nguy hiểm là Phước Tượng và Phú Gia, do vậy tình trạng xe hỏng và chết máy cũng như tai nạn giao thông liên tục xảy ra. Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sáng kiến làm ra loại biển báo có phản quang ghi dòng chữ “xe hỏng” để đặt khi phát hiện xe hỏng trên đường. Tuy nhiên, các biển này chỉ được đặt tại những nơi nào khi CSGT phát hiện có xe hỏng, còn những nơi CSGT không có mặt thì lái xe vẫn sử dụng các vật liệu sẵn có ven đường để làm biển báo.
Trung tá Trần Mạnh Lực, Đội phó Đội Tuần tra kiểm soát - Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Việc các lái xe tùy tiện sử dụng các vật liệu như đá, cành cây để cảnh báo cho người đi đường biết phía trước có xe bị hỏng là vi phạm luật giao thông. Chúng tôi đã xử phạt một số trường hợp và nhắc nhở.
Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất với Chính phủ nên quy định thống nhất cho mỗi xe khi lưu thông cần phải trang bị bộ cảnh báo này. Hiện chúng tôi đã tự thiết kế biển cảnh báo cho riêng đơn vị để đặt mỗi khi phát hiện xe bị hỏng những không thể trang bị rộng rãi vì chưa có văn bản nào buộc các lái xe phải mua bộ biển báo này.
Để làm đẹp bộ mặt mỹ quan trên đường cũng như sự an toàn cho người tham gia giao thông, Chính phủ cần có biện pháp bắt buộc đối với các chủ xe cơ giới khi tham gia lưu thông trên đường cần trang bị theo xe mỗi bộ biển báo để khi gặp sự cố xảy ra dùng để đặt trước và sau xe để báo cho người tham gia giao thông biết để tránh.
Nên chăng các cơ quan quản lý cần thống nhất trang bị cho mỗi loại phương tiện một bộ cảnh báo để sử dụng khi xe bị hỏng. Có như vậy, nó không chỉ hạn chế tại nạn giao thông mà là một nét đẹp trong văn hóa giao thông.
Quang Tám