Hiểm họa từ khai thác cát ở Vân Canh, Bình Định

Hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh, đoạn chảy qua xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định), khiến dòng chảy bị thay đổi, gây ra tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa và thiếu hụt nước trong mùa khô...

Hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh, đoạn chảy qua xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định), khiến dòng chảy bị thay đổi, gây ra tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa và thiếu hụt nước trong mùa khô...

Hàng loạt tiêu cực

Xã Canh Vinh hiện có 4 mỏ khai thác cát đang hoạt động, tập trung tại thôn An Long 2 và Hiệp Vinh 2. Tất cả những mỏ này đều được UBND tỉnh Bình Định cấp phép với nội dung quy định cụ thể về diện tích, khu vực, độ sâu, khối lượng khai thác và một số quy định khác về bảo vệ môi trường.

Tuy giấy phép quy định chặc chẽ như vậy, nhưng thực tế hầu như các chủ mỏ chỉ thực hiện một cách qua loa. Khiến việc khai thác cát gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường và đời sống của người dân sống gần đó. 

Máy xúc hoạt động tại các mỏ khai thác cát sẽ khiến dầu, nhớt loang ra nước làm suy thoái môi trường sống của các loài động, thực vật thủy sinh.

Một số người dân cho biết, hoạt động khai thác cát làm lòng sông bị biến dạng, dòng chảy thay đổi nên vào mùa mưa, tình trạng sạt lở đất hai bên bờ sông trở nên nghiêm trọng. Còn vào mùa khô, mực nước sông xuống thấp, một số giếng nước của các hộ có nhà dọc hai bên bờ sông bị khô dẫn đến thiếu nước sinh hoạt. Các trạm bơm đặt tại khu vực này cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự dẫn đến thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn thường xảy ra.

Theo giấy phép, các chủ mỏ khai thác cát không được khai thác quá độ sâu 2m, nhưng theo quan sát của chúng tôi, tại một số khu vực khai thác, nhiều hố có độ sâu hơn rất nhiều so với quy định. Người dân, nhất là các cháu nhỏ, nếu chẳng may rơi vào những hố sâu này thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng. Vào đầu năm 2010, tại một mỏ khai thác cát thuộc thôn Hiệp Vinh 2, đã xảy ra một vụ chết đuối. Nguyên nhân là do nạn nhân bị rơi xuống hố sâu tại khu vực khai thác cát. Ngoài ra, tại mỗi mỏ khai thác cát, thường có 1 đến 2 máy xúc túc trực để hốt cát; quá trình hoạt động, dầu máy chảy ra ngoài, loang trong nước, làm suy thoái môi trường sống của các loài động, thực vật thủy sinh. 

Chưa hết, một số doanh nghiệp vận tải tới mua cát thường sử dụng ô tô chở cát vượt quá tải trọng; làm rơi vãi, chảy nước trên tuyến đường ĐT 638 khiến mặt đường hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. 

Ông Huỳnh Văn Tài (trú thôn An Long 2), bức xúc:“Rất nhiều xe chở cát không dùng bạt che chắn; cát vừa mới xúc dưới sông lên là chở đi ngay nên tình trạng rơi vãi, chảy nước xuống đường thường xuyên xảy ra. Nhiều đoạn đường thuộc tuyến ĐT 638 bị xuống cấp, hư hỏng nặng có phần trách nhiệm lớn của đội xe chuyên vận chuyển cát từ các mỏ khai thác trên sông Hà Thanh”.

Cần được xử lý nghiêm

Ông Trần Văn Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, cho biết: Việc cấp phép, cũng như thanh, kiểm tra hoạt động của các mỏ khai thác cát thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh, huyện. Do đó, khi người dân có ý kiến về việc những tác động xấu đến môi trường và đời sống, UBND xã chỉ có thể tiếp thu và báo cáo lên cấp trên chứ không đủ thẩm quyền giải quyết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó trưởng Phòng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Vân Canh: Nhìn chung, các đơn vị khai thác cát đều thực hiện đúng những nội dung quy định trong giấy phép do UBND tỉnh cấp. Quá trình khai thác cũng xảy ra một số tác động đến môi trường nhưng không đáng kể.

Những hộ bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô do ảnh hưởng hoạt động khai thác thì được huyện hỗ trợ tiền chống hạn hàng năm. Ngoài ra, hàng năm, các doanh nghiệp khai thác cũng hỗ trợ một khoản kinh phí để phục vụ cho việc cải tạo trạm bơm. Việc cấp phép khai thác được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Theo đó, các doanh nghiệp khai thác phải thực hiện khâu đánh giá tác động môi trường; lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường khu vực khai thác; ký quỹ bảo vệ môi trường và một số thủ tục khác. UBND huyện thường xuyên phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, nhắc nhở những chủ mỏ khai thác cát thực hiện đúng các cam kết về bảo vệ môi trường. 

Dù việc cấp giấy phép khai thác cát xây dựng trên sông Hà Thanh được cơ quan chức năng thực hiện khá chặt chẽ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên hoạt động khai thác cát tại đây chưa phải đã tuyệt đối an toàn, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Do đó, các cơ quan liên quan, chủ mỏ cần tìm ra giải pháp hiệu quả và tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường.

Văn Lực 

Đọc thêm