Hiểm nguy rập rình cầu Bình Lợi

Với tuổi thọ 108 năm, cầu Bình Lợi (TP HCM) ngày ngày oằn mình đưa đón hàng chục chuyến tàu ngược xuôi, cũng như “cõng” trên mình vài chục ngàn xe gắn máy qua lại. Đã vậy, sự già nua khiến cầu luôn trong tình trạng nguy hiểm, do các phương tiện đường thủy có thể gây ra.

Với tuổi thọ 108 năm, cầu Bình Lợi (TP HCM) ngày ngày oằn mình đưa đón hàng chục chuyến tàu ngược xuôi, cũng như “cõng” trên mình vài chục ngàn xe gắn máy qua lại. Đã vậy, sự già nua khiến cầu luôn trong tình trạng nguy hiểm, do các phương tiện đường thủy có thể gây ra.

Xuống cấp và nguy hiểm…

Cầu Bình Lợi là cầu đường sắt bắc qua sông Sài Gòn nối quận Bình Thạnh với quận Thủ Đức được Pháp xây dựng từ năm 1902. Với chiều dài khoảng 800m, bên cạnh đường sắt có mặt cầu dành cho xe gắn máy lưu thông rộng gần 1,5m. 

rtfyu
Đi bộ trên đường ray là vi phạm trật tự an toàn giao thông

Giữa cầu được thiết kế một nhịp quay, có thể quay ngang 90 độ dọc chiều sông để tàu lớn qua lại. Là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, cũng  là đoạn đường sắt độc đạo cho những đoàn tàu Bắc – Nam đi qua, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu hoả qua cầu Bình Lợi và cõng trên mình hàng ngàn xe gắn máy lưu thông ra vào thành phố; Với tuổi thọ 108 năm, hiện cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân trong đó có chuyện xà lan đâm phải…

Ngày 26/11, chúng tôi có mặt trên cầu Bình Lợi: Mặt cầu được làm bằng thép có nhiều chỗ bị thủng dễ đâm thủng bánh xe, lan can rất thấp và thưa, nên khi gió lớn mũ, nón và túi sách của người lưu thông qua đây dễ bị rơi xuống sông; nhịp giữa dùng để quay dọc dòng sông 90 độ nay đã bị hỏng, không thể quay để tàu bè qua lại.

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy TP.HCM, đỉnh triều cường dâng cao ở mức 1,50m thì độ tĩnh không cho phép thông thuyền chỉ từ 1 đến 1,2m, gây khó khăn cho công tác điều tiết tàu thuyền … nên thường xảy ra ách tắc giao thông đường thủy. Nhiều xà lan phải neo đậu hai bên đầu cầu, chờ triều cường hạ thấp mới qua, đã gây ùn ứ giao thông.

Còn các công nhân quản lý cầu Bình Lợi cho biết: Thời gian qua khu vực này liên tục xảy ra tình trạng kẹt xà lan. Nếu tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến an toàn của cầu. Được biết, đã xảy ra nhiều vụ xà lan đâm, kẹt dưới gầm làm ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ vốn đã già nua của cầu Bình Lợi.

Mới đây, ngày 11/11 hàng chục xà lan không chui qua cầu được do triều cường dâng cao nên phải đậu bên gầm cầu, nước chảy mạnh khiến các xà lan đập vào thành, chân cầu làm rung chuyển cả cầu Bình Lợi, nguy cơ làm hư, sập cầu là rất cao.

Vụ lớn nhất ngày 15/4 xà lan SG 4991 trọng tải 1000 tấn, lưu thông từ hướng Bình Dương về Sài Gòn đã kẹt cứng dưới gầm;  Sở cảnh sát PCCC thành phố phải huy động gần 100 cán bộ chiến sĩ đến để “giải cứu” cây cầu.   

Cần sửa chữa và bảo quản

Anh Ba Hoàng (nhà gần cầu) cho biết: Cây cầu xuống cấp quá rồi, xe lửa chạy qua cầu rung lên, tình trạng người dân bị bể bánh xe do lỗ thủng sắt trên mặt cầu xảy ra thường xuyên. Giờ cao điểm ngày nào cũng bị kẹt xe.

Theo anh Hoàng thì cần sửa chữa lớn và bảo quản tốt cầu Bình Lợi, không để xà lan va vào thành cầu thường xuyên làm yếu cây cầu. Anh Tư Trà (ở gần ban quản lý cầu) trăn trở: Cần quản lý tốt cây cầu huyết mạnh trên tuyến đường sắt Bắc - Nam này, đấy anh xem, người ta vô tư đi bộ trên đường ray giữa cầu, rất nguy hiểm đến tính mạng và cây cầu nếu tàu phải dừng lại tránh cán vào họ, hai đầu cầu có chốt bảo vệ nhưng thường bỏ trống(?)

Để giảm áp lực cho cầu Bình Triệu và cầu Bình Lợi, và giải quyết ùn tắc trên sông Sài Gòn, đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy, UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm cho nâng cao đoạn đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng (đoạn qua cầu Bình Lợi).

Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng kiến nghị Cục Đường thủy nội địa sớm phối hợp với Cục Đường sắt triển khai điều tiết giao thông thủy tại cầu đường sắt Bình Lợi, và cùng các cơ quan liên quan, nghiên cứu phương án neo đậu phương tiện thủy, trên sông Sài Gòn trong khi chờ qua cầu Bình Lợi, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra do các phương tiện nôn nóng vượt qua, nên bị vướng dưới gầm cầu hoặc đội cầu gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông./.

Hồng Cơ

Đọc thêm