Hiểm nguy “rình rập” phim trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những tai nạn đáng tiếc trên phim trường của nhiều ngôi sao, diễn viên đóng thế không chỉ có trên thế giới mà ngay tại Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tương tự.
Diễn viên Lý Hải đau đớn khi gặp tai nạn trên phim trường.
Diễn viên Lý Hải đau đớn khi gặp tai nạn trên phim trường.

Bài học từ tai nạn thương tâm ở Hollywood

Tuần qua, cả Hollywood chấn động trước vụ việc tài tử Alec Baldwin vô tình bắn chết đạo diễn Halyna Hutchins trên phim trường “Rust”.

Sự cố trên phim trường “Rust” cho thấy súng đạo cụ không vô hại như nhiều người lầm tưởng. Theo Bare Arms – một đơn vị chuyên sản xuất vũ khí đạo cụ tại Anh, có nhiều loại súng khác nhau được sử dụng khi quay phim. Ví như các loại súng bắn trên phim trường thường sử dụng đạn nổ.

Đây là loại có thuốc súng nhưng không có đầu đạn. Nhà sản xuất sẽ thường bịt phần đầu đạn bằng các chất liệu như bông, sáp. Khi bóp cò, súng vẫn có hiệu ứng giật, bốc khói như thật vì lượng thuốc nổ trong đạn. Tuy nhiên, thứ phóng ra khỏi nòng sẽ là bông, sáp, vụn vỏ đạn thay vì đầu kim loại.

Các chuyên gia khẳng định, đạn nổ hoàn toàn có thể gây sát thương. Cụ thể, những bụi bẩn và mảnh vỡ phóng ra từ những pha bắn đạn nổ có thể gây hại với người đứng gần, thậm chí dẫn đến án mạng. Tiếng ồn từ súng cũng có thể gây điếc. Trong lịch sử Hollywood, Lý Quốc Hào (con trai cố diễn viên Lý Tiểu Long) đã mất mạng vì bị viên đạn từ súng đạo cụ găm thẳng vào bụng trong phân cảnh đối mặt với tên côn đồ.

Sau đó, Hollywood đã thiết lập các quy định về an toàn súng đạn tại phim trường. Tuy nhiên, cái chết của Halyna Hutchins đã dấy lên phong trào phản đối súng thật trên phim trường hiện nay ở nước Mỹ. Một bản kiến nghị kêu gọi cấm sử dụng vũ khí trên phim trường và tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho các đoàn phim mới đây đã xuất hiện trên nền tảng change.org và thu thập được hơn 18.000 chữ ký. Người dân Mỹ không thể chấp nhận những tai nạn như vậy xảy ra trong thế kỷ XXI, dù chỉ là vô tình. Theo đó, họ yêu cầu các phim trường không được lạm dụng vũ khí, đặc biệt là những vũ khí nguy hiểm như súng đạn thật, đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối sự an toàn của diễn viên trước khi quay phim.

Alec Baldwin bên ngoài Đồn cảnh sát Santa Fe hôm 21/10, sau cái chết của đồng nghiệp Halyna Hutchins. (Ảnh: The New Mexican)

Alec Baldwin bên ngoài Đồn cảnh sát Santa Fe hôm 21/10, sau cái chết của đồng nghiệp Halyna Hutchins. (Ảnh: The New Mexican)

Những rủi ro tại phim trường Việt

Trong ngành phim ảnh Việt Nam, cũng đã có không ít trường hợp nghệ sĩ gặp phải tai nạn trong quá trình quay phim. Mặc dù không dùng súng đạn thật như phim trường Mỹ nhưng phim trường xưa nay ngoài máy móc, thiết bị quay còn rất nhiều đạo cụ có thể gây tai nạn cho bất cứ nghệ sĩ nào.

Trong số các diễn viên trên phim trường Việt, Lý Hải từng chia sẻ anh có lẽ là người thường xuyên bị gặp tai nạn nhất. Trong buổi công chiếu bộ phim “Lật mặt 2”, Lý Hải cho biết, bản thân anh đã 3 lần gặp tai nạn khi thực hiện các cảnh quay hành động. Lần đầu tiên, anh may mắn chỉ bị xước nhẹ. Lần hai, Lý Hải bị thương ở đầu. Nặng nhất là lần ba, khi anh thực hiện cảnh rượt đuổi motor phân khối lớn cùng Quốc Thuận. Do bị khuất tầm nhìn, lại gặp xe lưu thông ngược lại nên mất kiểm soát và ngã xuống đường. Tai nạn này đã khiến Lý Hải phải nhập viện, nam ca sĩ được chẩn đoán bị rạn xương sườn số 5 và số 6 cùng nhiều vết trầy xước trên người. Trong khi đó, Quốc Thuận may mắn chỉ bị xước nhẹ vì ngồi sau.

Mặt khác, trong số các diễn viên nữ, Ngô Thanh Vân nằm trong số ít dám tự mình thực hiện những cảnh hành động để đạt được hiệu ứng tốt nhất cho bộ phim. Bởi vậy, cô cũng không thể tránh khỏi việc bị thương trên phim trường. Khi “Hai Phượng” bấm máy, trong tuần đầu tiên, Ngô Thanh Vân đã bị thương nặng vì đầu gối đập vào mạn thuyền trong một cảnh quay bật nhảy giữa hai chiếc thuyền. Tai nạn đó đối với Ngô Thanh Vân đã khiến cô sợ hãi đến mức phải dùng hai từ “kinh khủng” để nói về nó. Cô đã rất sợ hãi và lo lắng mình sẽ bị dị tật ở chân, không thể tiếp tục sự nghiệp. May mắn, hai ngày sau đó nhờ tiêm thuốc giảm đau và nghỉ ngơi cô đã có thể tiếp tục quay trở lại phim trường.

Trong làng điện ảnh Việt, cũng từng có một tai nạn thương tâm vào năm 2015 gây chấn động dư luận. Đó là sự việc nam diễn viên đóng thế Nguyễn Giàu thiệt mạng khi tham gia bộ phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc”, do Ưng Hoàng Phúc sản xuất. Sự việc đáng tiếc xảy ra khi anh tập cảnh đánh nhau cùng 50 diễn viên khác, Nguyễn Giàu đã vừa đi vừa lùi và không may đã hụt chân ngã xuống đất từ trên cao. Cú ngã đã khiến anh bị chấn thương đầu, gãy xương hàm trái, phần khuỷu tay hai bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không lâu sau, diễn viên Nguyễn Giàu khi đó mới 25 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng.

Có thể thấy, để có được những cảnh phim hay, các diễn viên phải “dấn thân” và chịu nhiều nguy hiểm đến thế nào. Từ bài học của Hollywood, câu hỏi đặt ra là liệu có cần giới hạn các đạo cụ nguy hiểm trong phim trường để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra hay không?