Hiện đại hóa cảng container ở miền Trung: VIMC có đủ “lực” đầu tư Cảng Liên Chiểu?

(PLO) - Cảng Đà Nẵng đang sở hữu nhiều thiết bị để trở thành cảng biển container lớn nhất miền Trung. Nhưng TP Đà Nẵng đang chủ trương để Tiên Sa dần trở thành cảng tàu du lịch. Vì thế, việc đầu tư khu bến cảng tổng hợp ở Liên Chiểu đang trở nên cấp bách và cũng là ưu tiên chiến lược của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trong tương lai.
Sau khi đầu tư giai đoạn khởi động, Cảng Liên Chiểu có thể tiếp nhận tàu container sức chở tới 8.000 TEUs

Có thể đón tàu 100.000 tấn 

Cảng biển Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA). Đến nay, Công ty CP Cảng Đà Nẵng (thành viên VIMC) đang quản lý khai thác bến cảng Tiên Sa với hơn 1.500m cầu tàu.

Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Tiên Sa - Đà Nẵng đã liên tục tăng trưởng. Từ chỗ chỉ tiếp nhận được khoảng 200.000 tấn hàng hóa, đến cuối năm 2018, Cảng này đã tiếp nhận khoảng 1.800 lượt tàu hàng với hơn 8,5 triệu tấn hàng hóa thông qua và khoảng 109 lượt tàu du lịch, với 200.000 lượt khách.

Cùng với sự tăng trưởng hàng hóa thông qua Cảng Tiên Sa và các cảng trong khu vực Thọ Quang là sự gia tăng phương tiện vận tải trên tuyến qua TP Đà Nẵng, tạo nên những áp lực không nhỏ về giao thông cho khu vực TP. Do đó, Đà Nẵng có chủ trương sớm triển khai đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu để từng bước giảm lượng hàng hóa đi qua nội đô và chuyển dần công năng Cảng Tiên Sa thành cảng tàu du lịch. 

Trao đổi với PLVN, ông Trần Lê Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho hay, liên quan đến việc đầu tư xây dựng cảng bến mới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để VIMC (thông qua Công ty CP Cảng Đà Nẵng) đề xuất với UBND TP Đà Nẵng trực tiếp đầu tư xây dựng bến cảng và khu dịch vụ hậu cần logistics ở khu vực Liên Chiểu.

Theo đó, giai đoạn khởi động do Công ty CP Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư với quy mô 2 bến, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn giảm tải, 50.000 tấn đủ tải; thời gian thực hiện từ nay đến năm 2024; dự kiến đưa vào khai thác sử dụng năm 2023.

Đầu tư theo phương thức nào?

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi UBND TP Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1) gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần A là các hạng mục công trình dùng chung, gồm: đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kết nối, giao thông... Hợp phần này sẽ sử dụng dụng nguồn ngân sách nhà nước khoảng trên 3.400 tỷ đồng. 

Hợp phần B được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân (gần 4.000 tỷ đồng), là các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp khai thác bến, gồm bến cập tàu, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng và mạng kỹ thuật, thiết bị khai thác trên bến...  Theo đó, giai đoạn khởi động năm 2022 khu bến mới này đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu container có sức chở từ 6.000 - 8.000 TEUs, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 17 triệu tấn hàng/năm.

Quy mô đầu tư các hạng mục công trình chính của hợp phần B gồm 1 bến container chiều dài 320m cho tàu 4.000 TEU; 1 bến tổng hợp dài 260m cho tàu 50.000 DWT cùng hệ thống đường bãi và mạng kỹ thuật đồng bộ. “Nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng phần cầu cảng và sau đó sẽ di chuyển dần một số thiết bị từ Tiên Sa về Liên Chiểu để đảm bảo việc khai thác liên tục”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng thông tin.

Cũng theo ông Trần Lê Tuấn, tốc độ tăng trưởng cảng này năm 2018 là hơn 7%. Thị trường hàng hóa ở Đà Nẵng đã chạm con số 5 - 6 triệu tấn; các tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… dồn về Đà Nẵng khoảng 5 - 6 triệu tấn/năm. “Từ kết quả thăm dò thị trường cộng với uy tín, kinh nghiệm nhiều năm khai thác cảng container, chúng tôi tin tưởng Cảng Đà Nẵng đủ khả năng huy động nguồn lực tài chính để thực hiện Hợp phần B Dự án Cảng Liên Chiểu”, vị đại diện Công ty CP Cảng Đà Nẵng khẳng định.

Liên quan Dự án trên, mới đây VIMC cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị đầu tư cảng bến tại đây. Theo đó, VIMC cho biết, phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - VIMC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu đã được đăng tải trên bản công bố thông tin chào bán đấu giá cổ phần lần đầu của VIMC. Dự án này cũng được xác định là một lợi thế quan trọng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là một trong những yếu tố đảm bảo thành công cổ phần hóa “Tổng” này. 

“Với kinh nghiệm làm chủ đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa, Cảng Đà Nẵng thực hiện đầu tư dự án tại khu bến Cảng Liên Chiểu sẽ hiệu quả hơn các nhà đầu tư khác, tránh tình trạng xung đột về đầu tư, khai thác giữa Cảng Tiên Sa và Cảng Liên Chiểu. Cảng Đà Nẵng cũng là công ty cổ phần có vốn doanh nghiệp nhà nước chiếm 75%. Việc đầu tư xây dựng cảng biển do các doanh nghiệp có vốn nhà nước làm chủ đầu tư sẽ mang lại lợi ích hàng năm và là tài sản được hình thành thuộc sở hữu của Nhà nước”, VIMC chứng minh năng lực với Bộ GTVT. 

Những hạn chế khi khai thác ở Cảng Tiên Sa

“Việc hạn chế sản lượng khai thác hàng hóa thông qua khu bến Tiên Sa bằng đường bộ không quá 10 triệu tấn/năm và hướng tới việc chuyển đổi công năng của Cảng này, dự báo sẽ có những ảnh hưởng lớn đến quá trình đầu tư, khai thác của Cảng Đà Nẵng. Mỗi năm, sản lượng hàng hóa thông qua giảm khoảng 8,5 triệu tấn, doanh thu giảm hàng trăm tỷ đồng”.

Đọc thêm