Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ vai trò người đứng đầu hành pháp

Nhiều nhà khoa học cho rằng, Hiến pháp 1992 sửa đổi phải tiếp tục, không những phân công quyền lực rành mạch, mà còn phải nhận rõ tầm quan trọng và vai trò kiểm soát hoạt động của Chính phủ, nhất là của người đứng đầu Chính phủ, phải nhận thấy vai trò trọng tâm của bộ máy hành pháp..., đặc biệt, phải thấy rõ vị trí, vai trò của người đứng đầu hành pháp… theo kinh nghiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.

Tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946 là một trong những mô hình rất được quan tâm khi sửa đổi Hiến pháp 1992.

Tọa đàm “Mô hình tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp năm 1946 – những giá trị lịch sử và đương đại” do Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức hôm qua (4/10) tại Hà Nội là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia thảo luận, đánh giá về vấn đề quan trọng này, đề xuất những góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 đáp ứng yêu cầu của tiến trình xây dựng NNPQ XHCN.

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia thảo luận, đánh giá về vấn đề quan trọng,  đề xuất những góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 đáp ứng yêu cầu của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp  quyền xã hội chủ nghĩa
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia thảo luận, đánh giá về vấn đề quan trọng, đề xuất những góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 đáp ứng yêu cầu của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Mỗi Hiến pháp chỉ phù hợp với một thời kỳ

Việc tìm ra mô hình cơ cấu tổ chức nhà nước phù hợp cho đất nước luôn là mong muốn của các nhà lập hiến, nhưng mọi mô hình chỉ đúng ở mức độ tương đối, nghĩa là “không có khuôn mẫu nào cho việc tổ chức và hoạt động của mọi Nhà nước”. Thậm chí, trong từng giai đoạn lịch sử, mỗi Nhà nước chỉ thích nghi với một mô hình nhất định.

Ngay từ những ngày đầu dựng nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ ràng là phải lãnh đạo Quốc hội thông qua một bản Hiến pháp, mà trong đó phải vạch ra một mô hình Nhà nước phù hợp với hiện tại và tương lai của đất nước. “Đó chính là tính pháp quyền của việc tổ chức nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh” - GS.TS.Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội) nhận xét.

Cùng với bản Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp năm 1946 là “2 sản phẩm bất hủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta”. Hiến pháp 1946 đã qui định tổ chức nhà nước “Việt Nam Dân chủ cộng hòa” không giống hoàn toàn bất cứ một mô hình tổ chức nhà nước nào trên thế giới. Đây là mô hình đặc thù của Nhà nước Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người tìm ra, phù hợp với điều kiện của nước Việt Nam non trẻ, vừa thoát khỏi chế độ thực dân nửa phong kiến, muốn xây dựng độc lập chủ quyền của quốc gia.

Hiến pháp 1992 khi qui định về “phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực đã vận dụng những yếu tố hợp lý của các học thuyết liên quan vào tổ chức quyền lực nhà nước, phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, đến nay, xem xét thực trạng phân công, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta theo Hiến pháp 1992”- GS.TS.Trần Ngọc Đường phân tích, “chủ thể phân công quyền lực nhà nước qui định chưa phù hợp, không thể hiện được nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” vì quyền lập hiến – thể hiện trọn vẹn nhất nguyên tắc này – hiện thuộc về Quốc hội.

Các qui định về Quốc hội còn “chịu ảnh hưởng của nguyên tắc tập quyền” để Quốc hội có toàn quyền và đứng trên các nhánh quyền lực khác. Hiến pháp hiện hành qui định Chính phủ mới là cơ quan hành chính cao nhất làm cho việc phân công quyền lực nhà nước không đầy đủ, hạn chế khả năng sáng tạo của Chính phủ, không qui định rõ cơ quan nào là cơ quan tư pháp nhưng lại giao cho VKSND nhiệm vụ “kiểm sát các hoạt động tư pháp”…

Hành pháp phải thúc đẩy bộ máy nhà nước hoạt động

Phân tích những qui định của Hiến pháp 1946 về tổ chức quyền lực nhà nước, PGS.TS.Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về phân lập quyền lực (là sự phân lập và phối hợp một cách chặt chẽ, nhịp ngàng giữa lập pháp và hành pháp) còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng NNPQ hiện nay ở nước ta.

Vì thế, tán thành với quan điểm của PCS.TS.Nguyễn Đăng Dung, nhiều nhà khoa học cho rằng, Hiến pháp 1992 sửa đổi phải tiếp tục, không những phân công quyền lực rành mạch, mà còn phải nhận rõ tầm quan trọng và vai trò kiểm soát hoạt động của Chính phủ, nhất là của người đứng đầu Chính phủ, phải nhận thấy vai trò trọng tâm của bộ máy hành pháp trong việc thúc đẩy toàn bộ bộ máy nhà nước hoạt động thông qua một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là hoạch định chính sách quốc gia; đặc biệt, phải thấy rõ vị trí, vai trò của người đứng đầu hành pháp… theo kinh nghiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.

Đề xuất cụ thể hơn vào việc sửa đổi các qui định về phân công, phân nhiệm, kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp 1992 liên quan đến chức năng, quyền hạn của Quốc hội, TAND, VKSND, HĐND và UBND, GS.TS.Trần Ngọc Đường đề nghị nghiên cứu qui định về chủ thể của quyền lập hiến, hạn chế tính hình thức trong chức năng của Quốc hội, không qui định cho Quốc hội thẩm quyền giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước vì phần đông Đại biểu Quốc hội là không chuyên trách, chuyển cơ chế kiểm sát hoạt động tư pháp (VKSND thực hiện) sang cơ chế mang tính tài phán để đảm bảo nguyên tắc tối thượng của nền tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…

Huy Anh

Đọc thêm