Hiệp Hòa (Bắc Giang): “Ép” án vì tình tiết mù mờ

Như PLVN đã phản ánh, trong 2 ngày 1-2/12/2011, TAND huyện Hiệp Hòa đã đưa ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi TAND huyện Hiệp Hòa ra phán quyết đối với vụ án này, dư luận đã nghi ngờ đây có thể là một vụ án oan, sai mà nguyên nhân chính là vì các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua nhiều chứng cứ khách quan và thủ tục tố tụng.

Ngày 27/3, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” của bị cáo Ngọ Thành Tới…

Như PLVN đã phản ánh, trong 2 ngày 1-2/12/2011, TAND huyện Hiệp Hòa đã đưa ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi TAND huyện Hiệp Hòa ra phán quyết đối với vụ án này, dư luận đã nghi ngờ đây có thể là một vụ án oan, sai mà nguyên nhân chính là vì các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua nhiều chứng cứ khách quan và thủ tục tố tụng.

Bản án “ép” đối với Ngọ Thành Tới vẫn được tuyên sau khi Thẩm  phán Chủ tọa khẳng định “chưa đủ cơ sở kết tội cho bị cáo Tới”
Bản án “ép” đối với Ngọ Thành Tới vẫn được tuyên sau khi Thẩm phán Chủ tọa khẳng định “chưa đủ cơ sở kết tội cho bị cáo Tới”

Công an, kiểm sát, người bị hại bất nhất

Bản thân Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Trần Văn Tám cũng nhận thấy chưa đủ cơ sở kết tội cho bị cáo Tới vì “cơ quan tố tụng có vi phạm khi xác định hiện trường vụ án không có kiểm sát viên và thành phần khác theo qui định tại khoản 2 Điều 150 Bộ luật tố tụng Hình sự. Vật chứng là hai mẩu gạch thu tại hiện trường không được niêm phong ngay.

Lời khai của người bị hại và nhân chứng Thanh để buộc tội Tới thì bất nhất. Các nhân chứng khác xác nhận Tới không đánh anh Tuấn”. Do vậy, Thẩm phán Tám đã bảo lưu ý kiến của mình khi 2 HTND xác định Tới phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Bản Kết luận Điều tra số 29KLĐT/CQĐT ngày 16/4/2010 cho rằng: Ngọ Văn Hùng có hành vi dùng côn đánh vào vai anh Tuấn nhưng theo cơ quan điều tra thì đó chỉ là “phần mềm nên đề nghị Trưởng Công an huyện Hiệp Hoà xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khoẻ người khác.

Còn với Ngọ Thành Tới đã có hành vi dùng gạch đã nung chín được coi là hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho anh Nguyễn Văn Tuấn với tỷ lệ tổn hại sức khoẻ là 45%, thương tích để lại cố tật. Hành vi trên của Ngọ Thành Tới đã cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Khoản 3 Điều 104 BLHS.

Cáo trạng số 36/KSĐT (ngày 17/5/2010) của VKSND huyện Hiệp Hoà lại xác định, Tới đang nói chuyện với người quen thấy Hưng và Hùng đang đánh nhau với thanh niên thôn Ngọ Khổng nên đã quay lại dùng gạch đánh vào lưng anh Nguyễn Văn Thanh, làm anh Thanh bỏ chạy.

Sau đó, Tới nhặt viên gạch vỡ túm tóc anh Tuấn, cầm gạch đập thẳng vào hốc mắt phải của Tuấn. Như vậy, Ngọ Thành Tới đã xuất hiện sau khi có sự xuất hiện của Thanh nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chấp nhận lời khai của Nguyễn Văn Thanh nhìn thấy Tới dùng gạch đập vào mắt Tuấn.

Bản kết luận điều tra cũng không thể hiện Ngọ Thành Tới đứng ở vị trí nào khi xảy ra đánh nhau. Tuy nhiên, cáo trạng xác định khi xảy ra xô xát Ngọ Thành Tới đứng cách chỗ đánh nhau là 40m. Từ khoảng cách đó thì không thể có việc Ngọ Thành Tới dùng gạch đập vào mắt Nguyễn Văn Tuấn mà việc gây thương tích cho anh Nguyễn Văn Tuấn chính là hành vi của Ngọ Văn Hùng.

Trong khi Nguyễn Văn Thanh lại khai khi Thanh xuất hiện và lao đến giằng co với Tới đang đánh em mình chứ không phải Thanh đánh nhau với Hưng và Hùng như cáo trạng nêu, thì Bản Kết luận điều tra số 01 (ngày 09/3/2011) Ngọ Văn Hùng khai, lúc Tới đến thì anh Tuấn đã bị Hùng đánh đang ngồi ôm đầu ở dìa tường, lúc Tới đến thì Hùng bị thanh niên thôn Ngọ Khổng đánh nên đã bỏ chạy. Còn từ lúc Tới đến về sau thế nào thì Hùng không biết. Như vậy tất cả các lời khai của người làm chứng đều không ai nhìn thấy Ngọ Thành Tới đánh Nguyễn Văn Tuấn.

Giám định không xác định được hung khí

Biên bản Giám định pháp y số 600/KLGĐ (ngày 25/8/2010) Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: “Vết sẹo nằm ngang dưới đuôi lông mày phải trên mi mắt… trên cơ thể anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1992) … do vật tày có cạnh tác động tạo nên”. Đến ngày 10/2/2011, Phòng Giám định pháp y (Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bắc Giang) có công văn số 239/GĐPY (trả lời Quyết định số 16/QĐ (ngày 28/2/2011) của cơ quan cảnh sát điều tra CA huyện Hiệp Hòa trưng cầu giám định bổ sung, yêu cầu xác định cơ chế hình thành dấu vết trên mắt phải của Nguyễn Văn Tuấn do gạch hay côn gỗ hai khúc gây nên) kết luận: “thương tích trên mắt phải của Tuấn do vật cứng tác động trực tiếp vào mắt phải. Không xác định là do gạch hay côn gỗ gây nên”.

Điều đáng nói là Biên bản khám nghiệm hiện trường thu giữ tang vật không có đại diện của VKSND nên không xác định được 2 mẫu gạch được phía Công án cho là hung khí mà Tới đã sử dụng và niêm phong gửi đi giám định có nguồn gốc từ đâu. Nhưng Kết luận giám định số 900/KL-PC54 (ngày 19/10/2011) của Phòng Kỹ thuật Hình sự CA tỉnh Bắc Giang chưa thể xác định hay có thể thấy không hề có mối liên hệ nào giữa tang vật vụ án (hai mẩu gạch được cơ quan CSĐT CA huyện niêm phong gửi giám định), Ngọ Thành Tới và Nguyễn Văn Tuấn trong vụ việc được cho là “cố ý gây thương tích” như kết luận điều tra của CA huyện và cáo trạng của VKSND huyện Hiệp Hòa…

Với những vấn đề còn mù mờ, thiếu thống nhất như vậy nhưng TAND huyện Hiệp Hòa vẫn “ép” Ngọ Thành Tới vào tội “cố ý gây thương tích” với mức án 6 năm tù khiến dư luận đặt câu hỏi về tính nghiêm minh của pháp luật và sự công tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng...

LS.Nguyễn Hoàng Việt (ĐLS TP.Hà Nội): Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc với bị cáo, gia đình bị cáo, người làm chứng và tham gia xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm, tôi khẳng định, không đủ căn cứ để kết tội bị cáo Ngọ Thành Tới theo điều luật mà VKS đã viện dẫn và HĐXX đã căn cứ. Điều đó thấy rất rõ qua sự mâu thuẫn giữa kết luận điều tra và Cáo trạng, sự không đồng nhất trong lời khai của người bị hại và người làm chứng từ đầu quá trình điều tra cho đến cả khi xét xử tại phiên sơ thẩm.

Những vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hiệp Hòa, đặc biệt trong quá trình điều tra, đánh giá thu thập chứng cứ không tiến hành đối chất để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, bỏ qua việc xác định tính vô tội của Ngọ Thành Tới theo chúng tôi là làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Ngọ Thành Tới.

Để tránh oan, sai khi giải quyết vụ án, thiết nghĩ Hội đồng xét xử phúc thẩm nên xem xét, phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án một cách đầy tinh thần và trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân theo đúng qui định của pháp luật.

Huy Long

Đọc thêm