(PLO) - Hiện tượng Uber đang là "đề tài nóng" của dư luận trong thời gian vừa qua. Trong khi các cơ quan chức năng đang "loay hoay" tranh luận tìm phương án để quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ mới này thì các hiệp hội Vận tải " sôi sục" vì bị mất thị phần. Điều này bắt nguồn từ sự "bỡ ngỡ" khái niệm mang tên Uber.
Các hiệp hội vận tải "mù mờ" về Uber
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh "taxi truyền thống" đang bị ảnh hưởng bởi loại hình kinh doanh taxi Uber.
Các doanh nghiệp taxi "bức xúc" bắt nguồn từ việc Nhà nước chưa có quy phạm nào quản lý về loại hình dịch vụ này.
Điều này tạo ra "sân chơi" không công bằng giữa các doanh nghiệp.
|
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam(Ảnh intenet) |
"Nhà nước chưa quản lý được đấy là trách nhiệm của Nhà nước. Các hiệp hội có những đấu tranh quyết liệt thể hiện sự bất lực của nhà nước không quản lý được loại hình này. Tôi không đồng tình với phương châm không quản được thì cấm, như thế thì ai chơi với mình." - Ông Thanh nói thêm.
Theo ông Thanh, cho đến thời điểm này, Uber chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Uber cũng không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải bao gồm: không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải.
Kinh doanh vận tải ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Phải được đăng ký, phải được cấp phép, phải chịu nhiều quy định của vận tải được quy định trong nghị định 86, thông tu 63 của chính phủ và Bộ giao thông vận tại quy định.
Hiệp hội taxi thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng chính phủ và Bộ Giao thông vận tải xem xét và làm rõ tính pháp lý của các xe taxi Uber.
Đồng quan điểm trên, Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạm dừng hoạt động của dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam cho đến khi cơ quan nhà nước có chế tài, quy định cụ thể đối với loại hình dịch vụ mới này.
Để tìm hiểu rõ về "khái niệm" Uber, PV PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Đạo – Chuyên viên phát triển công nghệ của Công ty CP công nghệ EPI. Ông Đạo cho biết, về bản chất Uber không phải là một hãng taxi.
Uber là dịch vụ kinh doanh phần mềm kết nối giữa người có xe và người có nhu cầu đi xe cùng trong một hệ thống đã đăng ký. Cả người đi xe và người có xe đều là khách hàng sử dụng dịch vụ của người cung cấp phần mềm Uber. Tất cả đều phải trả phí cho người cung cấp dịch vụ đó (như một loại phí sử dụng dịch vụ).
Ông Mike Brown (Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của Uber) cũng khẳng định: Uber không phải là một công ty taxi, mà là một công ty công nghệ. Chúng tôi không sở hữu đội xe hay thuê lái xe mà chỉ đơn giản kết nối người cần di chuyển với lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký.
Điều này cũng giống như eBay kết nối người mua hàng và ngưới bán hàng.
Chủ quan trong kinh doanh, đổ lỗi cho Nhà nước
Dịch vụ Taxi Uber đã có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7 năm 2014. Hiệp hội vận tải Việt Nam đã nhận được rất nhiều những phản ảnh của các hãng taxi về hoạt động trái phép của loại hình dịch vụ Taxi Uber.
Theo lời ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: "Với tư duy chủ quan, Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng cảm thấy chỉ mấy chiếc xe nhàn rỗi thì không cần quan tâm đến (?!). Nhưng hiện tại, Uber phát triển tốc độ quá nhanh và đang dần trở thành một thế lực cạnh tranh kinh doanh quyết liệt với các hãng taxi truyền thống."
"Hiệp hội Vận tải Việt Nàm đề nghị Nhà nước nhanh chóng đưa ra những quy phạm pháp luật để quản lý Taxi Uber. Nếu Nhà nước ban hành đầy đủ những biện pháp quản lý, tạo ra sân chơi lành mạnh, công bằng thì doanh nghiệp nào yếu kém kỹ thuật công nghệ thì phải chịu.
Còn hiện tại các doanh nghiệp Taxi truyền thống có lý do bức xúc vì nhà nước chưa quản lý được Uber." Ông Thanh cho biết thêm.
Uber là "bài học đắt" cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý các dịch vụ mới. Các doanh nghiệp Vận tải Việt Nam cần phải rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình trong "cuộc chiến" nắm giữ thị phần với nền kinh tế toàn cầu hóa.