"Tiểu thư" Hà Nội và những giọt nước mắt trên phím đàn

(PLO) Muốn con sau này trở thành "gái sang", nhiều ông bố, bà mẹ đã ép "tiểu thư" của mình đi học đàn. Đâu biết rằng rất nhiều giọt nước mắt ấm ức đã rơi trên phím đàn...
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Khám phá nốt nhạc
Chị Hà Khanh – một bà mẹ ở Hà Nội kể về câu chuyện con gái  “đốt” hơn 3.000 USD trong vòng chưa đầy hai tháng. Bé Diễm Quỳnh con chị vừa tròn 6 tuổi, chị đưa con lên trung tâm học nhạc có uy tín ở phố Lý Quốc Sư. Vào lớp học đàn piano, thấy con bé thích thú với thứ âm thanh phát ra từ chiếc đàn, chị vui lắm và quyết định cho con học. Quay trở ra phía ngoài, nơi bán nhạc cụ, được người bán hàng tư vấn, chị quyết định mở ví mua chiếc đàn piano hiệu Yamaha giá gần 80 triệu đồng. 
Ba ngày đầu, bé Quỳnh rất thích cứ quanh quẩn bên đàn để ấn nghịch. Nhưng rồi sau hai tuần đi học đàn, bé Quỳnh bắt đầu khóc không chịu đến lớp. Chị Hà Khanh hết dọa nạt rồi ép buộc. Sợ mẹ, bé Quỳnh đến trường nhưng mặt mũi sưng vù, không chịu học. 
Cái cảnh hai mẹ con đánh vật đến hơn một tháng cuối cùng cũng chấm dứt khi cô giáo dạy nhạc bảo bé không có năng khiếu chơi nhạc, nếu muốn cố cho cháu biết chút ít thì phải kiên trì. Nghe cô nói vậy, mấy lần sau đến giờ học, bé Quỳnh nại ốm, mệt, nhiều bài… để không học đàn nữa.
Con gái nghỉ học đàn, chiếc piano nằm vô duyên trong góc phòng rồi nó được dùng làm nơi chứa, đựng mấy đồ lặt vặt trong căn nhà vốn chẳng lấy làm rộng kia. Chị Khanh quyết định bán, nhưng mua thì nhanh, bán lại rất khó. Mấy tháng trời rao bán, cuối cùng chị cũng thanh lý được món hàng sau khi mất gần nửa giá trị.
Khác với bé Quỳnh bỏ nhạc sau thời gian ngắn, bé Ngọc Mai  cũng bỏ dở “sự nghiệp âm nhạc” sau nhiều năm theo nghiệp đàn, ca. Mai vào học chuyên ngành piano  từ năm lớp 2 và hết lớp 6 thì nghỉ. Theo lời Mai, em đi học vì cha mẹ muốn thế chứ suốt mấy năm học nhạc, chẳng bao giờ em thấy hứng thú. Có lần nhìn một em lớp dưới vì có năng khiếu nên học nhạc mới hơn một năm mà đã đàn rất tốt, Mai càng thêm nản. Cũng may, bố mẹ Mai sau thời gian thuyết phục không được cũng đành tôn trọng quyết định này. 
Mai kể: “Trong lớp của cháu còn có năm bạn khác học các ngành piano, violon và thanh nhạc vì bị bố mẹ ép cũng đã bỏ, cháu là đứa bỏ cuối cùng”.
Ép con thực hiện ước mơ dang dở, nên chăng?
Những cảnh dở khóc, dở cười của câu chuyện “đào tạo tài năng âm nhạc” như trên không là điều hiếm gặp. Nhất là mấy năm gần đây, kinh tế phát triển, các gia đình luôn hướng con mình đến một môn nghệ thuật nào đó nhằm tăng cường ngôn ngữ nghệ thuật. Thế nhưng, rất nhiều vị phụ huynh lôi, bắt con học theo mệnh lệnh mà không chú ý đến năng khiếu, sở thích của các cháu. 
Nhiều cha mẹ thậm chí  còn ảo tưởng về tài năng của con mình nên gấp rút ép buộc con học theo kiểu “sau một đêm thành thiên tài”. Số khác lại ép con thực hiện ước mơ “một thời dang dở” của mình. Thế nhưng trên thực tế, học nhạc không hề đơn giản như người ta tưởng. 
Cô giáo Minh Hoa, giảng viên âm nhạc lâu năm cho biết: “Yếu tố đầu tiên các phụ huynh cần cân nhắc là bé tỏ ra có khả năng hay không, ít nhất là thích hát, hát đúng nhạc, đúng tiết tấu. Sau đó cho bé học vài buổi để kiểm tra. Nếu có năng khiếu và tỏ ra thích thú thì lúc đó mua đàn cũng chưa muộn”. 
Theo cô Minh Hoa, trong suốt quãng thời gian gần 20 năm dạy nhạc cho trẻ  con, không biết bao nhiêu lần cô chứng kiến cảnh học sinh học mấy buổi đầu thì thích, nhưng về sau như tra tấn, bị bố mẹ ép, thậm chí vừa học vừa khóc. Rất nhiều cháu không thích học nhưng bị bố mẹ bắt học. Những trường hợp đó thì cả cô và trò đều mệt mỏi vô cùng vì giờ học như tra tấn. 
Bí quyết một giảng viên dạy nhạc chia sẻ mà các gia đình có con đi học nhạc nên thực hiện, đó là nếu muốn cho con học nhạc cụ gì, theo dòng nhạc nào thì nên cố gắng cho con tiếp xúc nhiều với nhạc cụ đó, nên giúp con tạo và nuôi dưỡng niềm yêu thích với dòng nhạc đó. 

Đọc thêm