“Hiệp sĩ” đơn độc

(PLO) - Như mọi lần, người ta đang được chứng kiến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Đinh La Thăng “tả xung hữu đột”. 
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đoàn công tác từ Hà Nội đến hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Lào Cai. Ảnh laocaionline.com
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đoàn công tác từ Hà Nội đến hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Lào Cai. Ảnh laocaionline.com
Sau vụ tai nạn giao thông ở địa phận xã Tòng Sành, huyện Bát Xát (Lào Cai), như mọi lần, Bộ trưởng Đinh La Thăng lại có mặt tại hiện trường xảy ra tai nạn. Trước sự bất ngờ của lực lượng cứu nạn, ông bám dây xuống tận nơi xem xét, tìm kiếm người bị nạn khiến các quan chức địa phương buộc phải xuống theo. Một việc làm đầy tấm lòng và trách nhiệm. 
Một cảnh sát cơ động chứng kiến hành động từ trái tim của ông Thăng đã tâm sự với nhà báo rằng, địa hình cứu nạn thường khó đi, nguy hiểm, từ xưa đến nay ít lãnh đạo nào dám xuống hiện trường. 
Từ đầu năm đến nay, ông Thăng phải xoay như chong chóng, hết giải quyết hằn lún bánh xe lại quay sang giải quyết trì trệ của đường sắt, hàng không, hàng hải… Đến cái “mùi” trên tàu hỏa gần 70 năm qua, cái cầu đi bộ cho hành khách trong sân ga Hà Nội cũng phải đến lượt ông “hô” mới có người để ý, mới được giải quyết. Gần đây nhất, đêm 5/9, Bộ trưởng Đinh La Thăng lại phải trực tiếp chỉ đạo Thanh tra Bộ GTVT và Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình phối hợp với các lực lượng chức năng truy bắt 4 xe chở gỗ quá tải trọng. 
Ông đúng là một “tư lệnh” của “chiến trường GTVT” đang rất “nóng”. Ông đúng là “tư lệnh” cần thiết cho ngành GTVT Việt Nam lúc này. Không ai làm tốt hơn ông, không ai ngoài ông có thể làm được. Nhìn cái cách ông làm, người ta ao ước giá như trên chính trường Việt Nam có vài ba Bộ trưởng như ông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng hiện nay chính là một “hiệp sĩ”: uy dũng ngoài mặt trận, chính trực, lâm sự bình tĩnh, một lòng vì nước, rất được lòng mọi người. Đó là điều mừng, nhân dân mong đợi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng dường như quá “đơn độc”. Thấy ông phải căng mình ra trên các mặt trận, không ít người tự hỏi: 7 cấp phó của ông đi đâu? Và nữa, vai trò của chính quyền 63 tỉnh, thành phố ở đâu? Hệ thống chính quyền của chúng ta được tổ chức theo ngành và lãnh thổ. Bộ GTVT có ngành dọc, nhưng thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về các lĩnh vực GTVT trên địa bàn là không thể chối cãi. Hiến định và luật định như vậy.
Người ta tự hỏi: tại sao việc tổ chức bắt xe quá tải trọng ở Hà Tĩnh (ngày 15/6/2014) không phải là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở GTVT Hà Tĩnh (cơ quan của UBND tỉnh Hà Tĩnh) và Công an Hà Tĩnh mà phải đích thân Bộ trưởng Thăng làm? Vụ bắt xe chở gỗ quá tải trọng đêm 5/9 vừa qua ở Hòa Bình cũng thế. 
Trước đó, ngày 28/8/2014, trả lời phỏng vấn Báo Giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng có nói: “Rất may tôi có một đội ngũ cộng sự rất chuyên nghiệp và luôn nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm”. Nếu đã có được điều đó, quả là mừng. 
Một mình Bộ trưởng Thăng không thể làm được nếu cấp dưới của ông và chính quyền các tỉnh, thành phố vô can, vô tâm, vô cảm… đối với các vấn đề nóng thuộc lĩnh vực GTVT liên quan đến con người!/.

Đọc thêm