Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Cấm DN đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc đang tự làm khó mình"

(PLO) - Trước thông tin Trung Quốc cấm DN đấu thầu dự án mới vào Việt Nam, sáng nay, bên hành lang QH, người đứng đầu ngành Giao thông vận tải – ngành hiện đang có một số dự án có DN Trung Quốc đầu tư - Bộ trưởng Đinh La Thăng - khẳng định  điều đó không hề ảnh hưởng đến các dự án của Việt Nam nói chung và của ngành Giao thông nói riêng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời báo chí
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời báo chí
- Thưa  ông, vừa qua, có thông tin Trung Quốc cấm DN đấu thầu vào dự án mới của VN, theo ông, điều đó liệu có ảnh hưởng gì các dự án của ngành GT tới đây?
Thông tin này tôi mới đọc được trên báo chí, chưa có nguồn thông tin chính thức nào. Còn nói một cách tổng thể, Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới. DN của ta, nhà đầu tư của ta có thể hoạt động ở bất cứ đâu trong nước và cả nước ngoài. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được quyền vào làm ăn, kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Tại VN có rất nhiều nhà đầu tư của các nước khác nhau chứ không chỉ có Trung Quốc vì Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, an ninh chính trị tốt, ổn định, thu hút được các nhà đầu tư nên có nhiều nhà đầu tư đến, trong đó các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam lại xây dựng một nền kinh tế có hội nhập nhưng phải đảm bảo độc lập tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào nên việc Trung Quốc cấm các DNNN tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, nếu có, thì trước hết là họ bị thiệt vì họ vào đầu tư là cũng trên cơ sở hội nhập làm ăn, 2 bên cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Làm như thế là tự anh làm khó anh, làm khó cho DN của anh vì như vậy là tự loại trừ đi một thị trường tốt.
Còn với Việt Nam, việc này chẳng ảnh hưởng gì cả vì anh không tham gia thì các nhà thầu nước ngoài khác tham gia. Nhà thầu Việt Nam cũng đủ mạnh đủ lớn để thực hiện các dự án giao thông hiện nay vì thực ra, việc tiếp cận khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế thì ngành giao thông là tiếp cận tốt nhất. Như công nghệ làm cầu, đường của ta, giờ các nước tiên tiến, phát triển làm như nào thì ta cũng làm như vậy.
- Có một thực tế là số lượng các dự án giao thông, nhất là các dự án trọng điểm tại Việt Nam hiện nay do các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, có phải vì giá rẻ nên họ luôn thắng thầu?
Thực ra không phải là rất nhiều. Có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam, trong đó đã thực hiện được gần một nửa, trong đó có dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho vay nên tất nhiên là các nhà thầu của họ được tham gia.
Còn việc nhà thầu họ rút hay không thì hoàn toàn không phụ thuộc gì, không ảnh hưởng gì đến Việt Nam vì trước hết, nếu anh rút ra thì phần anh đang làm dở không thanh toán được. Chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn Trung Quốc.
- Ngoài nhà thầu Trung Quốc, các nhà thầu trong và ngoài nước đang có mặt tại Việt Nam có đủ khả năng tài chính và kỹ thuật để thực hiện các dự án giao thông hiện nay?
Có khả năng chỉ dự án Cát Linh – Hà Đông  là bị ảnh hưởng, bởi chúng ta đang vay ODA của họ vào dự án này. Còn tất nhiên họ không cho vay tiếp thì chúng ta sẽ đi vay chỗ khác đề bù đắp, đảm bảo tiếp tục dự án. Với các dự án khác, khi họ chỉ là nhà thầu thuần túy thì bình thường, kể cả là Chính phủ họ không cấm mà làm không tốt thì chúng ta cũng đuổi.
Bộ đã đang yêu cầu các nhà thầu hoàn thành tiến độ. Còn trường hợp nào đó anh dừng không sang thì chúng tôi tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương và sẽ mời các nhà thầu khác vào.
Việt Nam đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế sâu rộng, vì thế, nhà thầu nào đó rút thì cũng có đơn vị khác thay thế. Chúng ta đã có cơ chế bảo vệ trước rồi vì đây là chủ trương của đất nước.
- Có ý kiến cho rằng nếu Chính phủ Trung Quốc cấm DN của họ đấu thầu, đầu tư dự án tại Việt Nam thì chúng ta sẽ ảnh hưởng vì mất đi lợi thế về nguồn vốn, công nghệ giá rẻ của đất nước họ, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nguồn vốn của Trung Quốc chưa chắc đã phải là rẻ vì người ta cho mình vay thì người ta phải có lãi và mình cũng phải tính toán nếu thấy có lợi mình mới vay. Trên cơ sở mối quan hệ đôi bên cùng có lợi như vậy thì mình mới làm. 
Còn người ta không cho vay nữa, người ta rút thì mình cũng sẵn sàng thôi, không ngại gì cả. Mà không chỉ với nhà đầu tư Trung Quốc đâu, với tất cả các nhà đầu tư khác cũng vậy, mình phải chủ động.  
- Thưa ông, liệu có chuyện sức ép đặt ra ở đây nên doanh nghiệp  họ buộc phải rút?
Chính các nhà thầu, DN Trung Quốc đều không muốn về, muốn tiếp tục ở Việt Nam làm ăn vì thực ra môi trường đầu tư kinh doanh ở VN là rất tốt, thuận lợi, đặc biệt là vì tình hình an ninh, chính trị ổn định. Hai nữa, Việt Nam cũng rất chân thành, hữu nghị, hữu hảo và chính họ cũng nói với tôi là mong muốn như vậy nhưng do vấn đề sức ép mà họ phải về nước.
- Giải pháp tới đây của ngành giao thông sẽ như thế nào, thưa ông?
Ngành Giao thông luôn rất chủ động. Phương án của chúng tôi về việc anh này rút, anh kia ngừng tham gia thì thế nào, đều có phương án hết, thậm chí là làm không tốt tôi còn đuổi, chấm dứt hợp đồng luôn nên không phải lo lắng, băn khoăn gì cả.
Vốn đầu tư cho Giao thông hiện tại từ rất nhiều nguồn khác nhau, vốn của  Trung Quốc là phần rất nhỏ. Đầu tư ODA lớn nhất cho Việt Nam và trong đó là cho giao thông thì Nhật Bản là số 1 rồi đến các nhà đầu tư, nhà tại trợ khác, từ Trung Quốc chỉ là phần rất nhỏ.
- Xin cám ơn ông! 

Đọc thêm