Hiếu PC “mách” cách giữ an toàn trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
 
(PLVN) - Việc lộ thông tin, dữ liệu cá nhân  đang ngày càng tinh vi hơn, rộng rãi hơn, gây nên sự lo ngại lớn trong xã hội, dù xu hướng hiện nay đời sống mỗi người không tách rời thế giới số. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) về cách giữ an toàn trên không gian mạng.
Ảnh minh họa; Internet
Ảnh minh họa; Internet

Chia sẻ với báo Pháp luật Việt Nam, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), hiện đang làm việc tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC), chia sẻ: “Nếu thông tin cá nhân, dữ liệu bị lộ trên mạng, những thông tin này có thể được sử dụng với mục đích thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo, vay tiền trực tuyến gây nợ xấu đến nạn nhân hay tống tiền và bôi nhọ danh dự. Mỗi cá nhân cần trang bị kiến thức về an toàn thông tin để không bị đối tượng xấu lợi dụng hoặc trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công lừa đảo”.

Cũng theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, người dùng có thể lường trước một số kịch bản lừa đảo có thể xảy ra đối với mình và người thân, sẵn sàng thông báo cho cơ quan chức năng gần nhất khi có những cuộc gọi, thư điện tử nghi ngờ được gửi đến.

Nên đảm bảo an toàn cho các tài khoản trực tuyến như tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thư điện tử, Facebook... đặc biệt với tài khoản có chức năng thanh toán trực tuyến, chỉ mở tính năng này khi cần sử dụng. Người dùng nên cập nhật cho đơn vị cung cấp dịch vụ nếu số điện thoại đang gắn với các tài khoản ngân hàng, ví điện tử... không được sử dụng nữa. Ngoài ra, việc tự bảo vệ tài khoản trực tuyến, đặc biệt Facebook của bản thân, là việc không bao giờ thừa.

Anh Ngô Minh Hiếu - Chuyên gia an ninh mạng,Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Ngô Minh Hiếu - Chuyên gia an ninh mạng,Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đặc biệt là người dùng chỉ nên sử dụng dịch vụ của các tổ chức uy tín, đã được tín nhiệm tại Việt Nam. Tránh cung cấp thông tin cá nhân, KYC (xác minh danh tính) cho dịch vụ của các tổ chức chưa được xác nhận như hệ thống app cho vay, tiền ảo,…Không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa biết rõ về tổ chức yêu cầu cung cấp cũng như mục đích của việc cung cấp thông tin cá nhân.

"Thú vị nhất là khi chúng ta sử dụng mạng xã hội càng lâu, chia sẻ càng nhiều thông tin, thì việc vẽ lại chân thực “chân dung” của người dùng càng cụ thể. Và những đơn vị vận hành mạng xã hội thu thập qua từng ngày, từng giờ và tạo nên cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), có thể bán thông tin người dùng cho những đơn vị cần mua", anh Hiếu PC chia sẻ.

Theo LS. Đỗ Văn Khánh - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Seal Law, việc tiết lộ thông tin cá nhân hay số tài khoản trên mạng xã hội nếu không xuất phát từ sự tự nguyện hoặc được sự đồng ý từ chủ thể có thông tin cá nhân, số tài khoản bị lộ hoặc thuộc các trường hợp mà pháp luật cho phép thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Thông tin cá nhân là một “thứ tài sản đặc biệt” của mỗi người mà không ai có quyền xâm phạm.

Theo Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, người nào sử dụng trái phép, phát tán thông tin về “thông tin riêng, thông tin cá nhân” của người khác đều thuộc vào các hành vi bị cấm. Tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả sự việc gây nên, hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra Theo Khoản 1 và 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có quy định rõ: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Đọc thêm