Năm 2011, công tác hợp tác quốc tế (HTQT) của Bộ Tư pháp đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần vào việc thực hiện chính sách đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước, tăng cường HTQT về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với các nước. Và công tác HTQT được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển sâu và rộng hơn nữa trong năm 2012.
Nhân dịp cuối năm, Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khánh Ngọc – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp – để khẳng định và ghi nhận những đóng góp của những cán bộ làm công tác này trong năm qua:
Ông đánh giá thế nào về hoạt động HTQT của Bộ Tư pháp trong năm 2011?
- Là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI với những định hướng lớn phát triển đất nước, trong đó có công tác đối ngoại, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và tăng cường cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, công tác HTQT năm 2011 đã có nhiều khởi sắc, phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Thứ trưởng phụ trách Hoàng Thế Liên cùng với sự nỗ lực của tập thể những người làm công tác HTQT đến nay về cơ bản toàn bộ 57 đầu việc lớn của Kế hoạch công tác HTQT năm 2011 đã được hoàn thành, chưa kể một số lượng lớn các công việc HTQT phát sinh ngoài Kế hoạch cũng được triển khai kịp thời góp phần vào việc thực hiện chính sách đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước, tăng cường HTQT về pháp luật và tư pháp, tạo nguồn lực cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các Bộ ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của mình. Có thể nói, mặc dù còn những hạn chế, bất cập nhất định, nhưng năm 2011 là năm thành công của công tác HTQT.
Điều quan trọng là công tác HTQT năm 2011 đã có những sự chuyển biến tích cực theo hướng từng bước đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiểu quả, bám sát, phục vụ tốt hơn việc thực hiện các nhiệm vụ Bộ và ngành tư pháp. Công tác HTQT đang trên con đường đổi mới để phát triển trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước đang có những sự phát triển nhanh chóng đặt ra các yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Hoạt động HTQT của Bộ Tư pháp năm 2011 đã tạo nên những dấu ấn gì, thưa ông?
- Hoạt động HTQT đã được mở rộng nhiều trên cả 3 mảng công việc lớn: hợp tác với nước ngoài về pháp luật, hợp tác về tư pháp thông qua hợp tác tương trợ tư pháp và việc quản lý nhà nước đối với hợp tác với nước ngoài về pháp luật và tư pháp. Dấu ấn trong năm có thể kể đến là:
Thứ nhất, năm 2011 là năm "thể chế" trong công tác HTQT với việc Bộ trưởng ký ban hành Quy chế Đối ngoại mới của Bộ Tư pháp, thể hiện nhiều điểm mới với mục tiêu đưa công tác đối ngoại của Bộ ta ngày càng đi vào nề nếp. Bộ ta đã chủ trì đàm phán và kết thúc đàm phán hai Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự với Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Kazakhstan, trong đó Hiệp định với Cộng hòa Kazakhstan đã được ký.
Đại diện Việt Nam và Ca-dắc-xtan tại vòng đàm phán thứ hai Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ca-dắc-Xtan |
Bảy văn bản thỏa thuận hợp tác mới với Bộ Tư pháp các nước hay đối tác nước ngoài đã được xây dựng và ký. Nhiều đề án, văn bản nghiên cứu khả năng gia nhập các thiết chế đa phương được triển khai trong năm 2011, trong đó có Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế - được đánh giá là "WTO" của lĩnh vực tư pháp và pháp luật vì trong khuôn khổ hội nghị này có 38 các công ước quốc tế đa phương về các chủ đề tư pháp và pháp lý khác nhau của thế giới.
Ba đề án có mục tiêu tăng cường công tác HTQT, đổi mới tổ chức và hoạt động của công tác HTQT cũng đã được xây dựng xong và đang chờ Lãnh đạo Bộ thông qua. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tập trung rà soát, đánh giá lại khuôn khổ pháp lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và quản lý nhà nước về công tác tương trợ tư pháp để có những giải pháp và kiến nghị thích hợp.
Đồng thời, Bộ Tư pháp còn tham gia vào soạn thảo nhiều văn bản pháp luật trong nước khác nhau do các Bộ, ngành khác chủ trì liên quan tới công tác HTQT; tham gia vào đàm phán, góp ý và thẩm định nhiều điều ước quốc tế liên quan tới tương trợ tư pháp hay dự án, chương trình hợp tác quốc tế về pháp luật.
Thứ hai, công tác hợp tác với nước ngoài về pháp luật và việc quản lý công tác này, ngoài việc tổ chức thành công hàng chục đoàn cán bộ của Bộ, ngành đi công tác nước ngoài và tiếp đón hàng chục đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp, đã có phát triển tích cực trong năm 2011 với phương châm HTQT không có mục đích tự thân mà phải bám sát và phục vụ cho Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn, đề cao công khai, minh bạch, chia sẻ thông tin, gắn kết các hoạt động HTQT và hiệu quả, thiết thực trong HTQT. Công việc quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn, giúp tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Thứ ba, công tác tương trợ tư pháp đã có một sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô. Thực hiện chức năng quản lý thống nhất nhà nước về công tác tương trợ tư pháp theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2008, Bộ Tư pháp đã triển khai một khối lượng đồ sộ các công việc trong năm 2011. Ngoài các văn bản pháp luật chủ trì, Bộ ta đã tham gia vào xây dựng 7 văn bản khác.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn chủ trì hay phối hợp tham gia vào đàm phán, ký kết và thực hiện đối với 29 hiệp định tương trợ tư pháp khác nhau trên cả 4 lĩnh vực của tương trợ tư pháp: tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Số lượng ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi đi hay của nước ngoài gửi đến Việt Nam, đặc biệt trong tương trợ tư pháp về dân sự, đang tăng với tốc độ chóng mặt: chẳng hạn riêng trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, các cơ quan tố tụng Việt Nam yêu cầu cơ quan nước ngoài thực hiện số lượng ủy thác tư pháp năm 2008 là 837 hồ sơ, năm 2009 là 2567 hồ sơ, năm 2010 là 3389 hồ sơ và năm 2011 là khoảng 5000 hồ sơ. Trong xu thế Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, dự đoán số lượng các ủy thác tư pháp còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì những hạn chế và bất cập trong công tác HTQT năm 2011 là gì?
- Trước hết, “vật cản” cho việc thúc đẩy HTQT về pháp luật và tư pháp là sự nhận thức về vị trí, vai trò của công tác này trong tình hình mới chưa được thông suốt ở mọi nơi, mọi chỗ. Đâu đó vẫn còn những quan niệm cho rằng HTQT về pháp luật và tư pháp là phải đi kèm với "tiền" hay lợi ích vật chất, tài chính mà quên mất giá trị đích thực cao nhất là trao đổi những tri thức mới, kinh nghiệm giữa Việt Nam và các nước để đóng góp cho quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật hay cải cách tư pháp.
Ngoài ra, hiệu quả của công tác này vẫn còn chưa được như mong muốn. Trong khi đó, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật đã được triển khai nhưng còn thiếu đồng bộ, bài bản và hiệu quả. Cuối cùng, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác HTQT - yếu tố quyết định thành bại của công việc - cũng rất cần được nâng cao hơn nữa để hoàn thành xuất sắc công tác tham mưu các vấn đề ở tầm quốc tế.
Ông nhận định như thế nào về công tác HTQT trong năm 2012?
- Với những kết quả đạt được trong năm 2011, đặc biệt là một loạt các đề án, văn bản có tính chiến được xây dựng và thông qua trong năm 2011, có cơ sở để tin là trong năm 2012 công tác HTQT sẽ tiếp tục đổi mới để phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu đi cùng với nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này. Tuy nhiên, kết quả công tác HTQT trong năm tới đạt được đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, kể cả các yếu tố khách quan như tình hình quốc tế, chính sách tài trợ của các nước hợp tác với Việt Nam cũng như sự quyết tâm, nỗ lực, chủ động, sáng tạo và đổi mới của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác HTQT.
Nhân dịp năm mới 2012, thay mặt cho những người làm công tác HTQT xin cám ơn vì những sự hợp tác tốt đẹp trong năm qua và kính chúc một năm mới những điều tốt đẹp nhất đối với Báo Pháp luật Việt Nam cùng đông đảo bạn đọc.
Thủy Thu (Thực hiện)