PBGDPL bám sát đặc thù địa bàn
Tại Sơn La – địa bàn “nóng” của tội phạm ma túy, buôn bán người thì công tác PBGDPL được triển khai bám sát tình hình thực tế nơi đây. Tại xã Vân Hồ là nơi thường xảy ra các vụ việc liên quan đến đất đai, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền về Luật Đất đai để người dân chấp hành nghiêm các quy định; ở các xã Lóng Luông, Tân Xuân tuyên truyền chủ yếu về Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Căn cước công dân, Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân, đây là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Còn tại các địa phương thuộc khu vực biên giới của tỉnh Thanh Hóa, với đặc thù có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dân trí còn hạn chế nên dễ xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không những vậy, những năm trước đây, các thế lực thù địch còn thường xuyên lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” và một số hoạt động của bọn tội phạm như buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tàng trữ vũ khí...
Trước tình hình đó, các cấp chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, đặc biệt là tăng cường phối hợp với các ban, ngành triển khai phổ biến nội dung các văn bản pháp luật như: Luật Phòng chống ma túy; Luật Cư trú; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Hộ tịch; Luật Giao thông đường bộ… Nhờ đó, nhân dân dần nâng cao nhận thức, nhận biết được các hành vi vi phạm pháp luật, tích cực cung cấp các nguồn tin có giá trị về an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, trấn áp tội phạm, đặc biệt là chống được âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự cơ sở.
Góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Là địa bàn có tới 98% đồng bào dân tộc Mông sinh sống nên trình độ nhận thức về pháp luật của người dân tại xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang còn nhiều hạn chế, thường xảy ra tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến. Trước thực trạng đó, công tác tuyên truyền PBGDPL và kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật được xã Lũng Hồ đặc biệt chú trọng.
Để công tác này đạt hiệu quả, bám sát nhu cầu của nhân dân, việc PBGDPL không dàn trải mà chỉ tập trung vào một số nội dung trọng tâm, cần thiết gắn với đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân như các quy định về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Giao thông đường bộ, Luật Cư trú, Luật Đất đai… Qua đó, giúp người dân nắm bắt, hiểu được các quy định pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, tệ nạn xã hội cũng như hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống.
Còn tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, công tác PBGDPL cũng đã thể hiện vai trò tích cực trong việc xóa bỏ một số luật tục lạc hậu. Đây là xã có địa bàn trọng điểm, có địa hình rừng núi hiểm trở nên công tác PBGDPL tại nơi đây cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đồng bào Vân Kiều sinh sống tại đây cũng gặp nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí còn thấp nên còn một số phong tục tập quán lạc hậu, chưa được xóa bỏ.
Trước đây, đồng bào dân tộc Vân Kiều có tục “nối dây” trong hôn nhân. Theo đó, người phụ nữ khi đã có chồng, không may chồng chết trước thì phải tiếp tục làm vợ của anh hoặc em trai chồng, cho dù người đó là một ông già đã có vợ với con đàn, cháu đống hay chỉ là một cậu thanh niên thua người phụ nữ đó hàng chục tuổi. Theo quan niệm của đồng bào Vân Kiều, luật tục ấy sẽ tiếp tục chắp nối cuộc hôn nhân của người phụ nữ với nhà chồng. Nếu ai không tuân theo phải chịu phạt rất nặng hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được mang theo của cải cũng như con cái. Từ bao đời nay, luật tục ấy rất nghiêm ngặt, buộc tất cả mọi người Vân Kiều phải tuân theo.
Tuy nhiên, khi được tuyên truyền về các hệ lụy của luật tục này thông qua các buổi tuyên truyền bằng cách sân khấu hóa hoặc xen kẽ, lồng ghép nội dung phổ biến pháp luật vào các tiết mục văn nghệ, phát tờ rơi tuyên truyền, thậm chí cán bộ đến tận nhà trưởng bản, già làng trò chuyện và phổ biến các quy định pháp luật để tranh thủ uy tín và vai trò của họ trong việc hướng dẫn cho đồng bào tuân thủ pháp luật, người dân đã dần nhận thức được đó là vi phạm pháp luật nên đã dần xóa bỏ.